Vun đắp mối quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện ngày càng phát triển
(QBĐT) - Tại hội thảo và giao lưu công tác giữa Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Ban Thư ký Quốc hội Lào lần thứ XI tổ chức tại TP. Đồng Hới vào ngày 20/8, đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH đã có bài phát biểu chào mừng. Báo Quảng Bình lược ghi nội dung bài phát biểu.
Mở đầu bài phát biểu, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh và Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng gửi lời chào mừng đến các đại biểu và chúc hội thảo thành công. Trong không khí hữu nghị, đoàn kết kỷ niệm 60 năm Ngày Việt Nam-Lào thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký kết Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Lào, Quảng Bình rất vinh dự được chọn làm điểm tổ chức hội thảo và giao lưu công tác lần thứ 11 giữa Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Ban Thư ký Quốc hội Lào.
Đồng chí khẳng định, hội thảo sẽ giúp văn phòng của Quốc hội hai nước không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng tham mưu, giúp Quốc hội của mỗi nước hoạt động ngày càng hiệu quả, khẳng định được vai trò, vị thế là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất có quyền lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Bài phát biểu đã khái quát những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Theo đó, Quảng Bình nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, có vị trí địa chính trị chiến lược về quốc phòng an ninh, kinh tế xã hội, phía Tây giáp với nước bạn Lào anh em, phía Đông giáp biển với diện tích đất liền trên 8000 km2, vùng biển trên 20.000 km2, dân số gần 1 triệu người.
Là điểm giao thoa văn hóa của 3 miền Bắc-Trung-Nam của Việt Nam và một phần của các bộ tộc Lào sinh sống gần biên giới, Quảng Bình là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, nơi sản sinh, nuôi dưỡng nhiều anh hùng, danh nhân, danh tướng của dân tộc. Trong đó, nổi bật nhất là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người có nhiều đóng góp to lớn cho cách mạng Việt Nam và cách mạng của đất nước Lào anh em.
Quảng Bình là địa phương giàu tiềm năng du lịch, nơi hội tụ của biển xanh, cát trắng, núi rừng nguyên sơ, hang động kỳ vỹ cùng các thế mạnh về du lịch văn hóa, tâm linh… với nhiều nét đặc sắc, vượt trội. Trong đó, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đã được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ hai, được biết đến như là “Vương quốc hang động” với các quần thể hang động đặc sắc, có giá trị địa chất cao bậc nhất thế giới. Quảng Bình cũng là địa phương gìn giữ được môi sinh tự nhiên, đa dạng hoá sinh học, đặc biệt là tỷ lệ che phủ rừng lớn thứ 2 của cả nước (trên 68%).
Với vị trí địa lý đặc thù, Quảng Bình là nơi hội tụ các tuyến giao thông huyết mạch của đất nước, toàn bộ các trục giao thông Bắc-Nam như quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc-Nam… đều đi qua. Trên tuyến Đông-Tây, hàng hoá từ các khu vực nội địa của ASEAN như Myanmar, Đông Bắc Thái Lan, Lào đều có thể theo trục hành lang Đông-Tây, đi qua cửa khẩu Cha Lo, theo Quốc lộ 12A để đi ra biển Đông thông qua cảng biển, khu kinh tế ven biển Hòn La một cách thuận lợi. Sân bay Đồng Hới đang trên hành trình nâng cấp, mở rộng, việc kết nối bằng đường hàng không giữa Quảng Bình với các địa phương trong cả nước cũng như các nước trong khu vực nhanh chóng.
Bài phát biểu cũng nêu rõ, từ những lợi thế nêu trên và sự cố gắng nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, trong những năm qua, Quảng Bình đã phấn đấu đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Kinh tế ổn định và liên tục tăng trưởng với tốc độ tăng GRDP bình quân cao hơn cả nước, đặc biệt là trong những năm gần đây, bất kể những khó khăn về thiên tai, dịch bệnh (GRDP 2021: trên 5%; 6 tháng 2022: 7%)… Cơ cấu kinh tế dịch chuyển đúng hướng, tỷ trọng các ngành sản xuất, dịch vụ tăng nhanh, đặc biệt là ngành du lịch đã từng bước thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, các ngành năng lượng, năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng ngày càng lớn, đóng góp tích cực cho tăng trưởng của tỉnh.
Hệ thống kết cấu hạ tầng do Trung ương và địa phương quản lý được đầu tư tổng thể và ngày càng đồng bộ, hiện đại với hệ thống các tuyến đường Bắc-Nam (Quốc lộ 1; đường Hồ Chí Minh nhánh Đông-nhánh Tây, đường ven biển, đường cao tốc đang dần hình thành); tuyến Đông Tây kết nối Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo với các khu kinh tế ven biển, cảng biển Hòn La... Việc xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao ngày càng được quan tâm, đầu tư và đạt nhiều kết quả tích cực.
Lĩnh vực văn hoá, giáo dục đào tạo, y tế, giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm có những chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân được cải thiện. Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được giữ vững; 2 tuyến biên giới biển và rừng hoà bình và phát triển. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được triển khai tích cực, toàn diện trên tất cả các mặt, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền được củng cố và nâng cao.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Quảng Bình luôn xác định việc gìn giữ và vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, hợp tác toàn diện với các địa phương của Lào, đặc biệt là 2 tỉnh Khăm Muộn và Sạ-vẳn-na-khệt láng giềng là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh của tỉnh.
Giữa các địa phương thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao, biên giới, quân sự, công an, biên phòng, các cơ quan chuyên môn cùng cấp, tạo mối liên hệ, trao đổi thông tin và gửi điện thăm hỏi, chúc mừng nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, Đại hội Đảng, Tết cổ truyền, Ngày Quốc khánh. Quảng Bình và Khăm Muộn, Sạ-vẳn-na-khệt đã tăng cường hợp tác bảo vệ tuyến biên giới đất liền, triển khai thành công nhiều chuyên án quan trọng, triệt phá các đường dây buôn lậu, vận chuyển ma túy với quy mô lớn xuyên quốc gia.
Về kinh tế, thương mại, hai bên đã phát huy mạnh mẽ những tiềm năng, thế mạnh của tuyến biên giới. Cặp cửa khẩu quốc tế Cha Lo-Na Phàu được đánh giá là năng động, có kim ngạch xuất, nhập khẩu lớn nhất trong 10 cặp tỉnh biên giới Việt Nam-Lào, bình quân các năm gần đây gần 2 tỷ USD.
Cùng với phát triển hợp tác kinh tế, thương mại, hai bên đã triển khai hiệu quả hoạt động hợp tác bảo tồn và phát huy giá trị đa dạng sinh học khu vực Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và Khu Bảo tồn đa dạng sinh học Hin Nậm Nô. Bên cạnh đó, các ban, ngành của các địa phương 2 bên cũng luôn quan tâm hỗ trợ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, hợp tác trong bảo đảm quốc phòng-an ninh, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Đặc biệt, trong hai năm vừa qua, Quảng Bình đã phối hợp chặt chẽ, đồng hành, hỗ trợ các tỉnh Khăm Muộn, Sạ-vẳn-na-khệt, Chăm-pa-sắc về nhân lực, trang thiết bị y tế, vắc xin… chung tay phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, bảo đảm an toàn sức khỏe nhân dân và sự ổn định tình hình, nhất là khu vực biên giới.
Hiện nay, khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát ở cả 2 nước, Quảng Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc phối hợp với các tỉnh bạn để hoàn thành các nội dung cam kết giữa các địa phương trong thời gian qua trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội, biên giới, an ninh trật tự…
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng cũng chia sẻ về việc hiện nay một số doanh nghiệp sau khi đầu tư thành công các dự án điện gió tại Quảng Bình đang có mong muốn đầu tư tại Sạ-vẳn-na-khệt, Khăm Muộn để cung cấp năng lượng trở lại cho Việt Nam. Đây là hướng tiếp cận mới, đầy hiệu quả, tỉnh Quảng Bình rất mong Chính phủ, Quốc hội 2 nước ủng hộ để có thể sớm đưa các dự án này vào trong thực tiễn. Từ góc độ địa phương, Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình cam kết dù khó khăn hay thuận lợi, đã, đang và sẽ luôn sát cánh cùng các địa phương của nước bạn Lào anh em, chung tay xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng đã gửi lời chúc đến các đại biểu, chúc Hội thảo lần thứ XI giữa Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Ban Thư ký Quốc hội Lào thành công tốt đẹp, đạt mục tiêu đề ra, chúc tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa hai nước, hai dân tộc Việt-Lào “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”!
Ngọc Mai (lược ghi)