(QBĐT) - Thời gian qua, công tác xây dựng và phát triển Đảng ở các chi bộ miền núi là nhiệm vụ thường xuyên được các đảng bộ trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Bố Trạch nói riêng quan tâm thực hiện. Bí thư chi bộ bản chính là những “cánh tay nối dài” của Đảng, góp phần nâng cao chất lượng chi bộ Đảng khu vực miền núi. Để làm tốt công việc được giao, mỗi bí thư chi bộ phải thực sự tâm huyết, nhiệt tình, hy sinh lợi ích cá nhân vì tập thể, để bản làng ngày thêm phát triển, đời sống người dân được ấm no, hạnh phúc.
Đảng viên đi trước...
Gần 7 năm làm Bí thư Chi bộ bản Đoòng (xã Tân Trạch, Bố Trạch), anh Nguyễn Văn Chóc (SN 1991) đã góp phần không nhỏ tạo nên sự đổi thay diện mạo của làng bản nơi đây. Anh Chóc cho biết, bản Đoòng được định hình từ năm 1991, là một bản nhỏ nằm giữa vùng lõi Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn.
Với vai trò là bí thư chi bộ, anh Chóc luôn tích cực tuyên truyền, phổ biến các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để người dân hiểu và thực hiện. Bên cạnh đó, anh còn nhiệt tình hỗ trợ, hướng dẫn người dân trong việc trồng cây, nuôi gia súc, gia cầm tạo sinh kế. Nhờ vậy, người dân bản Đoòng đã nuôi được gà, lợn, trồng ngô, khoai, sắn…, biết rào vườn chắc chắn, giữ sạch nhà, sạch bản.
Ngoài việc làm công tác Đảng, anh Chóc còn tham gia bảo vệ rừng của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Với vai trò, trách nhiệm của mình, tại các buổi sinh hoạt chi bộ, anh Chóc đã lồng ghép tuyên truyền, vận động người dân trong bản chung tay bảo vệ rừng, không khai thác lâm sản trái phép; yêu cầu mỗi đảng viên phải chịu trách nhiệm trước chi bộ nếu có vi phạm xảy ra trong gia đình mình…
“Tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ rừng là trách nhiệm của chúng tôi. Tuy nhiên, từ bao đời nay, người dân bản Đoòng chưa bao giờ phá rừng, rừng là tài sản quý giá đối với tất cả chúng tôi. Bảo vệ rừng đã trở thành một quy ước bất thành văn mà mỗi người dân bản Đoòng tuân thủ vô điều kiện...”, anh Chóc chia sẻ.
Là gương sáng đảng viên ở xã Thượng Trạch, Bố Trạch, chị Nguyễn Thị Nương (SN 1990) có gần 9 năm đảm trách vị trí Bí thư Chi bộ bản Cà Roòng 1. Để tìm hướng phát triển kinh tế cho người dân, chị Nương đã tiên phong thử nghiệm nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới. Sau khi đạt hiệu quả, chị Nương hướng dẫn bà con đưa những giống mới này vào nuôi, trồng. Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chị Nương tích cực vận động bà con không vượt biên giới, thực hiện đúng các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế…
Với đóng góp của chị Nương cùng sự quan tâm của Đảng, chính quyền các cấp, đến nay, đời sống bà con bản Cà Roòng 1 đã có nhiều khởi sắc, là bản văn hóa năm 2017… Chị Nương chia sẻ: “Tôi rất tự hào khi được bầu làm bí thư chi bộ bản. Tôi cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động người dân bởi một số bà con trình độ văn hóa, hiểu biết pháp luật còn hạn chế. Đặc biệt, khi mới nhận nhiệm vụ, nhiều người bảo tôi là phụ nữ nên chắc không lãnh đạo được. Trước những khó khăn, thách thức đó, tôi không hề nản lòng, ngược lại còn quyết tâm làm tốt hơn nhiệm vụ được giao. Đến nay, tôi đã tạo được sự tin tưởng cho mọi người, đạt những thành quả mong muốn”.
“Cánh tay nối dài” của Đảng
Bí thư Đảng ủy xã Thượng Trạch Trương Tấn Hưng cho biết: “Thượng Trạch hiện có 18 bí thư chi bộ bản. Cơ bản các đồng chí đều tận tình, nhiệt huyết với công việc, cùng tập thể chi bộ bản tuyên truyền, vận động bà con chăm lo phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Nhờ đó, đời sống của người dân ngày một khá hơn. Năm 2021, toàn xã trồng rừng thay thế được 75ha; hiện có 144/668 hộ trồng keo với diện tích trên 250ha; 288/668 hộ trồng sắn mang lại thu nhập cao (20-60 triệu đồng/hộ). Người dân đã biết phát triển chăn nuôi đàn bò, dê, gà…; đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, có khoảng 30 hộ đã biết chăn nuôi lợn bằng chuồng trại. Bên cạnh đó, các đảng viên luôn thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…”.
Huyện Bố Trạch hiện có 21 chi bộ thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), trong đó 18 chi bộ trực thuộc Đảng bộ xã Thượng Trạch, 2 chi bộ trực thuộc Đảng bộ xã Tân Trạch và 1 chi bộ trực thuộc Đảng bộ thị trấn Nông trường Việt Trung.
Công tác phát triển Đảng được các bí thư chi bộ bản hết sức quan tâm. Nhờ đó, hàng năm, số lượng đảng viên là ĐBDTTS trên địa bàn huyện Bố Trạch tăng đáng kể, đến nay có 159 đảng viên, tăng 84 đảng viên so với năm 2015. Hầu hết các đảng viên đều phát huy vai trò hạt nhân trong công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội tại địa phương.
Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Bố Trạch Nguyễn Trọng Tuyển cho biết, những năm qua, cùng với sự quan tâm của Ban Thường vụ Huyện ủy, các cấp chính quyền từ huyện đến cơ sở đối với công tác xây dựng, bồi dưỡng, phát huy vai trò của người có uy tín, đảng viên trong ĐBDTTS, đội ngũ bí thư chi bộ bản đã vượt qua khó khăn, phát huy được vai trò, vị thế của người đứng đầu tổ chức đảng. Đội ngũ bí thư chi bộ bản luôn tận tình, nhiệt huyết với công việc, cùng tập thể chính quyền địa phương vận động bà con chăm lo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bài trừ hủ tục lạc hậu, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp, hòa giải, giải quyết tốt mọi vướng mắc phát sinh trong cộng đồng, tạo sự đồng thuận, xây dựng bản đoàn kết, bình yên, phát triển, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.
Là “cánh tay nối dài” của Đảng, các bí thư chi bộ bản luôn bảo đảm duy trì chế độ sinh hoạt chi bộ khá đều đặn, đúng quy định; chú trọng nắm bắt tư tưởng của đảng viên và bà con; quán triệt, triển khai đầy đủ nội dung các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, tích cực lồng ghép nội dung sinh hoạt chi bộ với phổ biến kỹ thuật canh tác, vận động bà con trong bản thi đua sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm nói trên, đội ngũ bí thư chi bộ bản vẫn còn gặp một số hạn chế, khó khăn. Đồng chí Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Bố Trạch cho biết, để tiếp tục phát huy vai trò của bí thư chi bộ bản trong sự nghiệp xây dựng Đảng, phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn, Ban Thường vụ Huyện ủy Bố Trạch đã đề ra một số giải pháp, như: Tiếp tục tổ chức thực hiện đầy đủ chính sách đối với người có uy tín để động viên, khích lệ người có uy tín trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở địa bàn dân cư; kịp thời biểu dương, khen thưởng khi người có uy tín đạt thành tích xuất sắc; tiếp tục rà soát, đề xuất bổ sung những chính sách đầu tư phù hợp đối với vùng ĐBDTTS (trong đó có đầu tư về cơ sở hạ tầng, xây dựng các nhà văn hóa cộng đồng); chỉ đạo cấp ủy cơ sở thường xuyên tuyên truyền kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các bí thư chi bộ bản để các đồng chí nắm và triển khai tại cơ sở; ưu tiên tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ bí thư chi bộ dành riêng cho các bí thư chi bộ bản; rà soát, đề xuất chế độ hỗ trợ thêm cho đội ngũ này trong thời gian tới...
(QBĐT) - Nhằm góp phần vào thành công của "Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào 2022", thiết thực kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào, 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức cuộc thi "Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam" năm 2022.
(QBĐT) - Phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", những năm qua, Hội Cựu chiến binh Khối các cơ quan tỉnh luôn tích cực thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động và Nghị quyết Đại hội Hội CCB Khối lần thứ III, nhiệm kỳ 2017-2022…
(QBĐT) - Chiều 23/6, tại UBND thị trấn Hoàn Lão (Bố Trạch), Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì, cùng đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đã có buổi tiếp xúc cử tri các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bố Trạch sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.