Công an Quảng Bình với nhiệm vụ bảo vệ Bác
(QBĐT) - Hồi ấy, tôi chỉ là một chú bé nhi đồng ở thôn quê. Không được gặp Bác, không được chứng kiến cái cảnh rạo rực và vui sướng của tỉnh nhà khi được Bác Hồ kính yêu vào thăm, nhưng sau đó được nghe lớp đàn anh đi trước kể lại trong quá trình viết các cuốn lịch sử, lòng tôi lúc nào cũng rạo rực, lúc nào cũng vui sướng như Bác đang luôn ở lại trên mảnh đất Quảng Bình "Hai giỏi" vậy!
Chuyện kể rằng, trước ngày Bác vào, cố Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn đã trực tiếp vào TX. Đồng Hới làm việc với Tỉnh ủy và Ty Công an. Sau khi phân tích kỹ tình hình, kế hoạch và những kinh nghiệm bảo vệ Bác, đồng chí Bộ trưởng nhấn mạnh:
Công tác bảo vệ Bác phải khẩn trương triển khai chu đáo, vừa bảo đảm bí mật, vừa an toàn tuyệt đối.
Đồng chí dự kiến những nơi Bác sẽ đến, đưa ra các phương án bảo vệ cụ thể và giao nhiệm vụ bảo vệ Bác cho Tỉnh ủy mà trực tiếp là đồng chí Phạm Thanh Đàm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ty Công an và đồng chí Đỗ Viết Kháng, Cục trưởng Cục Bảo vệ, Bộ Công an. Với tư cách là Trưởng ban tổ chức đón tiếp "Đoàn cán bộ cao cấp của Đảng và Chính phủ", đồng chí Phạm Thanh Đàm và cán bộ, chiến sĩ Công an làm việc căng thẳng suốt ngày đêm. Các phương án bảo vệ được Trưởng ty Công an và Công an TX. Đồng Hới xây dựng cẩn thận, bố trí lực lượng cụ thể, với nguyên tắc ai làm việc gì chi tiết việc đó, dưới sự điều hành chung của Trưởng ty.
Hầu hết cán bộ, chiến sĩ của Ban Bảo vệ chính trị được tung về các địa bàn trọng điểm thực hiện các biện pháp nghiệp vụ và nắm tình hình di biến động của bọn ngụy quân, ngụy quyền cũ và các tổ chức đảng phái phản động; giám sát, quản lý chặt những đối tượng nguy hiểm, kịp thời ngăn chặn những ý đồ xấu và những hành động manh động.
Lực lượng cảnh sát của Ty và Công an TX. Đồng Hới được phân công giữ gìn trật tự ở nội thành, sân bay và sân vận động; đồng thời cắm chốt trên các trục đường và cùng công an các xã quản lý chặt chẽ hộ tịch, hộ khẩu, phòng cháy,phòng nổ, phòng độc... Ban Công an vũ trang làm nhiệm vụ bảo vệ cổng thành. Một bộ phận cán bộ cải trang làm nhiệm vụ bảo vệ trên đường Bác đi. Những người làm nhiệm vụ có điều kiện tiếp xúc với Bác như y, bác sĩ, cấp dưỡng, tiếp tân... đều được thẩm tra kỹ lý lịch và được lựa chọn chu đáo...
Và niềm vui đã đến. Đúng 8 giờ 30 phút ngày 16/6/1957, chiếc máy bay chở Bác vào vùng trời Quảng Bình, lượn một vòng nghiêng cánh chào vùng địa linh nhân kiệt, rồi từ từ hạ cánh xuống sân bay Lộc Ninh. Các đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chỉ huy Sư đoàn 325 thay mặt Đảng bộ và nhân dân đến tận chân cầu thang máy bay hân hoan đón Bác. Đoàn xe 9 chiếc do đồng chí Phạm Thanh Đàm dẫn đầu đưa đoàn của Bác về trụ sở UBND tỉnh.
Dọc đường Bác thấy dân ít đi lại, thỉnh thoảng chỉ có một "nông dân" làm ruộng cạnh quốc lộ. Cổng thành Đồng Hới cũng bị đóng, lại có nhiều công an và bộ đội đứng gác... Khi vào đến phòng làm việc, Bác hỏi ngay:
- Mấy người nông dân làm ruộng dọc đường có phải là công an cải trang không? Các cổng thành bị đóng chặt vậy dân chúng đi lại bằng đường nào?
Đồng chí Phạm Thanh Đàm chỉ biết ngồi nhìn Bác cười. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nói vui:
- Thưa Bác, bây giờ đã bị bế quan tỏa cảng cả rồi!
- Thưa Bác!-Đồng chí Nguyễn Tư Thoan, Bí thư Tỉnh uỷ nhanh trí nói:- Đồng bào đi lại đã có đường bờ sông thông suốt, không trở ngại gì ạ!
Suốt cả ngày 16/6/1957-khoảnh khắc lịch sử, quý giá, hiếm có ấy, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã tranh thủ hết mọi thời gian làm việc với Tỉnh ủy, với đoàn đại biểu của đồng bào Vĩnh Linh, đoàn đại biểu hoạt động bí mật bên bờ Nam giới tuyến, đột xuất tiếp đoàn đại biểu các dân tộc thiểu số ở Lệ Thủy và Tuyên Hóa xin gặp Bác bằng được. Bác gặp mặt và nói chuyện với gần ba vạn người dân Quảng Bình và Vĩnh Linh dự mít tinh đón Bác. Bác bắt nhịp cho cả rừng người trong lễ mít tinh cùng hát bài "Kết đoàn".
Trong lúc mọi người đang say sưa hát bài " Kết đoàn" thì Bác ra cổng sau. Đồng chí Phạm Thanh Đàm đã cho xe đợi sẵn đón Bác về nhà nghỉ mát của Sư đoàn 325 ở cửa biển Nhật Lệ, nơi đã bố trí lực lượng bảo vệ chặt chẽ. Bác cùng đoàn cán bộ đi bộ dọc bờ biển rồi cùng nhau tắm biển. Phòng ngủ của Bác được bố trí phía trong phòng của anh em bảo vệ, nhưng Bác lại bảo với đồng chí Vũ Kỳ đưa chăn chiếu ra hành lang ngủ để thưởng thức gió biển và trăng sao. Anh em bảo vệ cũng lặng lẽ thay nhau canh giấc ngủ của Bác.
Đêm nằm bên bờ biển Nhật Lệ thơ mộng, nơi mà cụ Nguyễn Du từng gửi gắm nỗi niềm của mình vào câu thơ "Buồn trông cửa bể chiều hôm/Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa…” mà Bác không thể nào chợp mắt được! Cái nóng mùa hè đối với người miền Trung có lẽ rất bình thường, mà chắc chắn rằng Bác đang buồn vì đã đến Quảng Bình rồi mà không vô được miền Nam! Bởi từ khi hai miền bị chia cắt “Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà”! Không ngủ được, Bác nằm nói chuyện với mọi người cho khuây khỏa.
Bác kể: thời niên thiếu, Bác cùng cụ thân sinh đi qua đèo Lý Hòa, đã có người ra câu đối hóc hiểm: “Bò đi đá nhảy”. Đến nay, đã có ai đối được chưa? “Bò đi đá nhảy”. Vế ra hiểm hóc. Bò, đi, đá, nhảy là bốn động từ, tượng hình. Không những thế, Đá Nhảy còn là một địa danh bên bờ biển Lý Hòa. Một người nói ở Quảng Bình đã có người đối lại được. Đó là “Hùm hét la hà”. Hùm, hét, la, hà cũng là bốn động từ, tượng thanh. La Hà là một làng quê bé nhỏ nằm giữa sông Gianh. Bác khen người Quảng Bình có câu đối lại cũng hay không kém. Bác kể chuyện, năm 17 tuổi Bác đi qua làng Đồng Cao, phía Nam đèo Lý Hòa, một làng quá đói nghèo, sống trong những túp lều tranh dưới chân các động cát trắng, nay đã có ngôi nhà ngói nào chưa?
Đồng chí Nguyễn Tư Thoan đáp: “Thưa Bác! mới có vài ngôi nhà ngói nhỏ”. Bác còn hỏi: Người dân bị bệnh chân voi ở vùng cát Lệ Thủy đã khỏi bệnh chưa? Khi nghe báo cáo là đã chữa được rồi, thì Bác rất vui. Bác quan tâm đến sức khỏe, đến công ăn việc làm, đến mọi sinh hoạt của người dân. Đã được đọc “Một ngày một đêm bên Bác” của Trưởng Ty Công an Quảng Bình thời đón Bác và nghe mọi người kể lại mà lòng cảm động quá chừng. Đúng là:
“Bác ơi, tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông, mọi kiếp người.
Bác chẳng buồn đâu, Bác chỉ đau
Nỗi đau dân nước, nỗi năm châu
Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ
Cho hôm nay và cho mai sau…”
(Bác ơi-Tố Hữu)
Mỗi bước đi của Bác, mỗi nơi Bác đến, mỗi điểm dân hội ngộ đón Bác... luôn có bóng dáng người chiến sĩ Công an nhân dân. Công tác bảo vệ nhiều lúc phải thay đổi phương án, nhưng chưa có điều gì sơ suất mất an toàn.
Đến Quảng Bình, Bác định đi thăm nhiều nơi nữa, nhưng trong đêm hôm đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng điện mời Bác về Hà Nội trước 7 giờ ngày 17/6 vì lý do "thời tiết xấu". Bác đành rút ngắn chương trình, để lại cho Đảng bộ, cho đồng bào và chiến sĩ Quảng Bình bao luyến tiếc. Mãi sau này mới biết, Bộ Công an nắm được Mỹ-ngụy ở trong Nam phát hiện Bác Hồ vào thăm Quảng Bình, đang có những hoạt động không bình thường. Đề phòng bất trắc xảy ra, Bộ Công an báo cáo đề nghị Ban Bí thư mời Bác ra Hà Nội sớm hơn.
Bác Hồ muôn vàn kính yêu đã về với Thủ đô Hà Nội an toàn. Nhiệm vụ bảo vệ Bác của các chiến sĩ Công an đã hoàn thành xuất sắc và những tình cảm bao la của Bác dành cho Quảng Bình cứ sâu đậm, mặn nồng. Lời Bác dặn, mọi người dân Quảng Bình và các chiến sĩ Công an mãi mãi khắc sâu.
Kim Cương
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.