Nghiên cứu đầu tư các tuyến đường ngang phù hợp để phát huy hiệu quả mạng lưới giao thông
(QBĐT) - Chiều nay, 6/6, tại phiên thảo luận về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 của Quốc hội và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, đại biểu Trần Quang Minh đã tham gia thảo luận tại hội trường. Báo Quảng Bình lược ghi ý kiến đại biểu.
Cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về đánh giá hiệu quả của dự án đường Hồ Chí Minh, đại biểu Trần Quang Minh nhấn mạnh những đóng góp quan trọng của tuyến đường đối với quá trình phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), góp phần xóa đói, giảm nghèo tại các địa phương nơi có dự án đi qua.
Tại Quảng Bình, tuyến đường đã góp phần quan trọng bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới với trên 200km tiếp giáp với nước bạn Lào, tạo điều kiện thuận lợi phát triển KT-XH, nhất là đối với đồng bào các dân tộc Chứt, Bru - Vân Kiều. Tuyến đường còn kết nối các điểm du lịch, các di tích lịch sử, tạo thành chuỗi địa điểm và loại hình du lịch hấp dẫn.
Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Quang Minh, báo cáo chưa lượng hoá được những giá trị KT-XH mà tuyến đường mang lại, chính vì thế, tính thuyết phục của hiệu quả vốn đầu tư chưa thể đánh giá. Bên cạnh đó, báo cáo của Chính phủ cũng chưa đánh giá về chất lượng của đường Hồ Chí Minh (HCM), độ đồng đều về chất lượng giữa các tuyến đường cũng như những tác động trái chiều về ảnh hưởng môi trường, môi sinh, các nguy cơ mất an toàn giao thông... để từ đó có cơ sở định hướng cho giai đoạn sau.
Đại biểu Trần Quang Minh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung những nội dung nêu trên để làm cơ sở vững chắc cho việc thuyết phục Quốc hội tiếp tục đồng ý với việc đầu tư cho tuyến đường huyết mạch này.
Về định hướng giai đoạn tới, đại biểu góp ý một số nội dung về công tác quy hoạch đường HCM. Theo đó, trước đây, khi quy hoạch đường HCM nhánh Đông, đặc biệt qua một số địa phương như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị thì nhánh Đông dự kiến là sẽ phát triển thành quy hoạch đường cao tốc. Tuy nhiên, khi Quốc hội quyết định chủ trương xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, qua rà soát cho thấy, hướng tuyến đường HCM nhánh Đông trước đây không đảm bảo an toàn, khó có thể xây dựng thành đường cao tốc. Chính vì vậy hiện nay, hướng tuyến của đường cao tốc phía Đông đi qua Quảng Bình gần như không trùng với đường HCM nhánh Đông mà tạo thành 2 tuyến độc lập.
Việc này dẫn đến một số điểm bất cập với địa phương khi có quá nhiều các tuyến đường trên một chiều ngang rất hẹp của tỉnh nhưng gánh toàn bộ tất cả các trục quan trọng nhất của đất nước từ đường ven biển, Quốc lộ 1, đường sắt Bắc - Nam, đường HCM nhánh Đông, nhánh Tây, 3 mạch 500kv. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc di chuyển, thiết kế các nút giao thông từ Đông sang Tây, đặc biệt là khi đường cao tốc cắt ngang qua các lưới điện 500kv. Vì vậy, đại biểu Trần Quang Minh đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tiếp tục nghiên cứu đầu tư các tuyến đường ngang kết nối phù hợp để phát huy hết tác dụng, hiệu quả của mạng lưới giao thông bao gồm cả Bắc - Nam và Đông - Tây.
Về quy hoạch hành lang của đường HCM nhánh Đông hiện nay đang duy trì quy mô 4 làn xe với kỳ vọng tuyến đường trở thành đường cao tốc trong tương lai (dù thực tế đang xây dựng 2 làn). Tuy nhiên, hiện nay, tuyến đường bộ cao tốc phía Đông không trùng với đường HCM, do vậy có phương án là sẽ thu diện tích quy hoạch của tuyến đường nhánh Đông này.
Tỉnh Quảng Bình đề nghị tiếp tục duy trì diện tích mặt cắt của đường nhánh Đông, vẫn là quy mô 4 làn xe để định hướng phát triển cho tương lai, khi tiếp tục đầu tư sẽ không gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, hiện vẫn còn một số các hộ gia đình nằm ở trong diện giải tỏa nhiều năm nay nhưng vướng quy hoạch do chưa mở rộng đường, chưa giải tỏa được. Người dân đã nhiều lần kiến nghị đến các cơ quan chức năng về việc cho sửa chữa nhà cửa đã xuống cấp, chuyển quyền sử dụng đất. Bộ GTVT đã có văn bản trả lời về việc giữ nguyên quy hoạch. Chính vì thế, việc tổng kết Nghị quyết 66 là cơ hội để khẳng định lại về chủ trương giữ nguyên quy hoạch 4 làn đường như hiện nay hay thu hẹp quy hoạch thành 2 làn đường. Theo đại biểu, việc làm này là cần thiết để có hướng giải tỏa hoặc tiếp tục ổn định chỗ ở, sinh hoạt của người dân.
Đại biểu Trần Quang Minh cũng nhấn mạnh, mặc dù đánh giá tổng thể về tác động môi trường của các dự án đã thể hiện việc xây dựng đường Hồ Chí Minh tạo ra tác động tích cực về việc phòng, chống thiên tai, ứng phó cứu hộ, cứu nạn, tuy nhiên thực tế cho thấy một số đoạn trên tuyến đường HCM đã ảnh hưởng đến việc thoát lũ, gây ngập lụt, nhất là các vùng như Quảng Bình, Quảng Trị có độ dốc rất cao. Vì vậy, theo đại biểu, cần có sự đánh giá tác động cụ thể để có các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Đại biểu Trần Quang Minh cũng đề nghị trong quá trình thiết kế tuyến đường cao tốc, Bộ GTVT cần có các phương án thoát lũ kịp thời, đề phòng tình trạng ngập lụt cục bộ ở các vùng núi; đồng thời đề xuất một số phương án nhằm thực hiện hiệu quả việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa tuyến đường, thoát lũ, chống hạn… trong bối cảnh khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường.
Ngọc Mai (lược ghi)