Ký ức không quên

  • 10:22 | Thứ Tư, 16/02/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Gần 40 năm đã trôi qua, nhưng trong ký ức của ông Ngô Thanh Huân, những tháng ngày quân ngũ vẫn còn đậm nét, đặc biệt là trận đánh vào cao điểm 1030 Vị Xuyên, Hà Tuyên vào ngày 12/7/1984. Trong trận chiến khốc liệt này, nhiều đồng đội của ông đã vĩnh viễn nằm lại cao điểm 1030. Riêng ông bị thương nặng và nhờ sự dũng cảm, quên mình của đồng đội, ông được cứu sống, trở về với thương tật vĩnh viễn 81%.

 Đồng chí Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng thăm gia đình thương binh Ngô Thanh Huân.
Đồng chí Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng thăm gia đình thương binh Ngô Thanh Huân.

Sinh năm 1962 tại xã Ngư Thủy (Lệ Thủy), tháng 4/1980, khi đang học dở cấp 3, cùng với một số bạn bè cùng lớp, chàng thanh niên Ngô Thanh Huân xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện tại tỉnh Bắc Thái (cũ), ông được cử đi đào tạo hạ sĩ quan và biên chế về Trung đoàn 165 (Sư đoàn bộ binh 312, Quân đoàn 1). Trải qua nhiều nhiệm vụ, tháng 7/1984, ông có mặt trong trận đánh vào cao điểm 1030 Vị Xuyên.

Trên cương vị là trung đội trưởng, trước khi bước vào trận đánh, ông đã tham gia trinh sát, nghiên cứu từng lô cốt, giao thông hào của địch nhằm nhận định đúng tình hình để triển khai chiến thuật phù hợp. Ngày 12/7/1984, cùng với các cánh quân khác, trung đội của ông bắt đầu tấn công lên cao điểm 1030.

“Trong màn hỏa lực dày đặc với các loại vũ khí như súng DKZ, pháo cao xạ 12 ly 7 của địch, pháo binh, cối… của ta cũng liên tục nã đạn vào cao điểm. Khi trận đánh chuyển sang “giáp lá cà” thì không thể dùng pháo binh hay cối cá nhân, thay vào đó là súng và lựu đạn. Lúc này, quân địch tổn thất nặng nhưng nhiều đồng đội của tôi cũng đã hy sinh, bị thương. Không lâu sau đó, tôi bị thương vào lưng. Tôi không hình dung được vết thương của mình, chỉ thấy rất đau, hoàn toàn không cử động được nhưng tinh thần tỉnh táo, có thể nghe và thấy hết diễn biến cuộc chiến xung quanh mình. Thời điểm đó, tôi cũng nhớ về kinh nghiệm nói rằng khi bị thương nặng mà tinh thần tỉnh táo thì rất dễ hy sinh!”, ông Huân chia sẻ.

Giữa sự khốc liệt của trận đánh, ông nằm bên mỏm đá và nhìn ngắm bầu trời mù mịt khói bụi, trong tiếng đạn nổ chát chúa, nghĩ về mẹ cha và đàn em nhỏ, về người anh trai đang có mặt tại chiến trường Tây Nam, về cô bạn gái thầm yêu trộm nhớ và thầm nói lời vĩnh biệt. Không lâu sau, ông ngất đi, lúc tỉnh lại, ông nhận ra mình đang được một đồng đội cõng xuống núi. Nhận ra đó là Lê Trung Tá, người bạn cùng quê Lệ Thủy, ông vô cùng cảm động.

Vợ chồng ông Ngô Thanh Huân và bà Võ Thị Diền.
Vợ chồng ông Ngô Thanh Huân và bà Võ Thị Diền.

Hành trình xuống núi rất khó khăn bởi địa hình hiểm trở, hỏa lực địch vẫn tiếp tục dội xuống, ông đã tìm mọi cách thuyết phục bạn để mình ở lại cùng với lựu đạn và súng, đề phòng khi địch xuất hiện thì sẽ chiến đấu đến phút cuối cùng. Nhưng bạn ông kiên quyết cõng ông vượt qua quãng đường rất dài, có những đoạn phải để ông vào tăng và kéo lê trên mặt đất cho đến khi gặp xe chở thương binh về tuyến sau…

Sau cuộc phẫu thuật kéo dài tại Bệnh viện 105 Sơn Tây, do vết thương quá nặng, ông lần lượt được chuyển qua các bệnh viện 108, 103… điều trị. Khi sức khỏe ổn định, ông được đơn vị làm thủ tục chuyển về Trung tâm điều dưỡng thương binh tại Đông Hà, Quảng Trị. Lê Trung Tá, người đồng đội, đồng hương cứu ông tại cao điểm 1030 giờ tiếp tục đưa ông vào Đông Hà.

Những ngày sống tại đây, ông đã tình cờ gặp cô hộ lý Võ Thị Diền (sinh năm 1964, quê xã Lộc Ninh, TP. Đồng Hới). Được phân công chăm sóc anh thương binh Ngô Thanh Huân, cảm phục tấm lòng dũng cảm và nghị lực của người đồng hương, cô hộ lý trẻ đã đem lòng yêu thương ông. Tình yêu đến với họ thật tự nhiên và năm 1990, sau khi kết hôn, họ viết đơn xin được về an dưỡng tại quê bà Diền là xã Lộc Ninh.

Do vết thương nặng, chỉ có thể làm việc nhẹ nhàng, hai vợ chồng quyết định chọn nghề chụp ảnh để thêm thu nhập vì tiền chế độ thương binh và người chăm sóc vẫn không đủ sống, nhất là khi hai đứa con lần lượt ra đời. Bản thân ông thường xuyên bị vết thương cũ hành hạ, phải nhập viện điều trị. Và dù cuộc sống thời điểm đó rất khó khăn, nhưng thương các em, các cháu ở quê còn nhiều vất vả, vợ chồng ông lần lượt nuôi 15 người gồm các em, các cháu đi học tại Đồng Hới. Sau này, khi nghề ảnh bị cạnh tranh bởi công nghệ hiện đại, bà Diền làm rất nhiều nghề để chăm sóc chồng và các con chu toàn. 

Ngày 17/11/2021, trong chuyến công tác tại tỉnh Quảng Bình, đồng chí Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã đến thăm thương binh Ngô Thanh Huân. Khi được hỏi gia đình có nguyện vọng gì không, hai vợ chồng ông cười hiền lành: Đất nước hòa bình, tỉnh ngày một giàu hơn, phát triển hơn là vui rồi, dù cuộc sống vẫn còn khó khăn nhưng gia đình sẽ tiếp tục cố gắng và xin cảm ơn sự quan tâm của đồng chí Phó Chủ tịch nước cùng lãnh đạo tỉnh.

Đất nước hòa bình, quê hương giàu mạnh có lẽ là niềm khát vọng, mong mỏi lớn nhất của ông Ngô Thanh Huân và những người lính. Đó chính là động lực thôi thúc người lính trẻ năm nào không quản ngại hy sinh, dũng cảm bước vào cuộc chiến khốc liệt để bảo vệ Tổ quốc, cũng là động lực giúp ông bền bỉ, kiên trì trong những năm tháng hòa bình còn nhiều gian khó. Cựu chiến binh Ngô Thanh Huân cùng bao thế hệ người lính đã cống hiến máu xương của mình cho Tổ quốc và sống một cuộc đời bình dị, đẹp đẽ, mãi mãi là tấm gương sáng giữa đời thường.

Ngọc Mai

 

 

 

 

 

 

 

tin liên quan

Thủ tướng đề nghị Pfizer cung ứng sớm 22 triệu liều vaccine cho trẻ em

Điện đàm với Chủ tịch, Giám đốc điều hành Pfizer, Thủ tướng đề nghị Pfizer cung ứng sớm 22 triệu liều vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi tại Việt Nam trong tháng 4, chậm nhất là tháng 5 tới.
 

Trợ lý công tác quần chúng nhiệt huyết, năng động

(QBĐT) - Luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ngừng nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, tiên phong, xung kích, năng động, sáng tạo, nhiệt huyết trong hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên, phong trào quần chúng là tác phong làm việc của thượng úy Võ Huy Thắng, Trợ lý công tác quần chúng của BĐBP tỉnh.

Phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường

(QBĐT) - Phát huy vai trò nòng cốt trong công tác bảo vệ môi trường, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TX. Ba Đồn đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, xây dựng nhiều mô hình hay, hoạt động thiết thực, góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp.