Dấu ấn cựu chiến binh
(QBĐT) - 5 năm qua, phong trào thi đua “Cựu chiến binh (CCB) giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Phong trào đã giúp nhiều hội viên vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả
Sau khi rời quân ngũ, cuộc sống của gia đình CCB Trần Văn Tịch (SN 1955, ở tổ dân phố 2, phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới) gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Được sự động viên, giúp đỡ của đồng đội, anh em, bạn bè, vợ chồng ông đã thành lập Công ty TNHH chế biến gỗ Trường Anh, kinh doanh, chế biến gỗ, phục vụ dân sinh. Sản phẩm của công ty chủ yếu là gỗ xây dựng, gỗ đóng tàu thuyền và hàng mộc dân dụng phục vụ nhu cầu của nhân dân trong tỉnh.
Với xu thế cạnh tranh của thị trường ngày càng gay gắt, để có thể tồn tại và phát triển, ông luôn tìm tòi đổi mới phương thức phục vụ, mẫu mã và chất lượng chế biến. Nhờ nỗ lực phấn đấu và tìm được nguồn cung ứng phù hợp, nên doanh thu của công ty năm sau luôn cao hơn năm trước, hàng năm đạt từ 7-8,5 tỷ đồng, tạo việc làm cho 15-20 công nhân lao động. Trong đó, nhiều công nhân là hội viên CCB và con em CCB ở địa phương, với mức thu nhập ổn định từ 6-7 triệu đồng/người/tháng.
Ông Trần Văn Tịch chia sẻ: “Là CCB, tôi luôn tự nhắc nhở mình không làm kinh tế bằng mọi giá mà phải luôn phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”. Vì thế, trong nhiều năm hoạt động, công ty của tôi chưa bao giờ vi phạm quy định của Nhà nước và pháp luật trong việc kinh doanh mua bán, chế biến gỗ. Tất cả nguyên liệu gỗ trong công ty đều có nguồn gốc và chứng từ, hóa đơn xuất xứ rõ ràng".
Với những thành tựu đã đạt được, CCB Trần Văn Tịch được tín nhiệm bầu vào Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) doanh nhân CCB tỉnh. CCB Trần Văn Tịch luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, cùng với các thành viên CLB tham gia nhiều hoạt động, như: Chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ CCB về giống, vốn, công nghệ, thị trường, tư vấn pháp lý và tiêu thụ sản phẩm… Song song với hoạt động sản xuất, kinh doanh, CCB Trần Văn Tịch còn tích cực ủng hộ kinh phí để xây dựng nhà tình nghĩa cho hội viên nghèo; hỗ trợ các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa-văn nghệ của phường, thành phố...
Về xã Quảng Thạch (Quảng Trạch), hỏi CCB Phan Xuân Thủy, không ai là không biết. Năm 1984, sau khi tốt nghiệp cấp 3, ông Phan Xuân Thủy (SN 1966, ở thôn 3, xã Quảng Thạch) nhập ngũ. Năm 1988, ông xuất ngũ trở về địa phương trong điều kiện kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Nhưng với ý chí của người lính Cụ Hồ không cam chịu đói nghèo, sau khi được cấp 10ha đất, ông cùng gia đình tiến hành quy hoạch để phát triển kinh tế trang trại. Thời gian đầu, do điều kiện còn hạn chế nên vợ chồng ông quyết định "lấy ngắn nuôi dài, lấy công làm lãi". Đến nay, gia đình ông đã có trang trại tổng hợp, gồm: 7ha tràm, 1.000 gốc hồ tiêu, 3ha cây ăn quả..., cho thu nhập 400 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 15 lao động thời vụ và 4 lao động thường xuyên. Với nguồn thu nhập của mình, hàng năm, CCB Phan Xuân Thủy còn dành ra 50 triệu đồng cho các hội viên, con em CCB có hoàn cảnh khó khăn vay không lấy lãi để phát triển kinh tế.
Cùng với tấm gương điển hình của các CCB Trần Văn Tịch, Phan Xuân Thủy, trên địa bàn tỉnh hiện có 124 doanh nghiệp, 34 HTX, 34 tổ hợp tác, 80 trang trại và 212 gia trại, 983 cơ sở kinh doanh, dịch vụ do CCB làm chủ, phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho 8.651 lao động. Trung bình các mô hình cho thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm.
Đoàn kết, gắn bó tình đồng đội
Ông Đoàn Lương Khuệ, Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết: Tiếp tục giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, trên mặt trận mới, các thế hệ CCB trong tỉnh đã đoàn kết, cùng nhau phấn đấu, vượt qua khó khăn, thử thách. Phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi" đã góp phần quan trọng vận động CCB đoàn kết, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, động viên nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, hội viên.
Bằng tấm lòng tương thân, tương ái, cán bộ, hội viên ở cơ sở đã cho nhau vay vốn, cùng chia sẻ nguồn vốn từ Quỹ hội không tính lãi, hoặc lãi suất thấp. Bên cạnh đó, các hội viên còn giúp nhau kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, giúp đỡ nhau hàng nghìn ngày công, hàng nghìn cây, con giống... Từ phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình của CCB giúp nhau làm kinh tế, như: CCB Nguyễn Xuân Thiết (Tuyên Hóa), Nguyễn Văn Quy, Trương Quốc Hùng (TX. Ba Đồn), Nguyễn Thị Hạ (Bố Trạch)...
Các cấp hội thường xuyên quan tâm, giúp đỡ CCB có hoàn cảnh khó khăn, kịp thời động viên, hỗ trợ cán bộ, hội viên khi hoạn nạn, đau ốm. Bằng sự đóng góp của cán bộ, hội viên cùng sự kết nối của các cấp hội với các cơ quan, tổ chức, nhà hảo tâm, từ năm 2016 đến nay, các cấp hội đã hỗ trợ trên 8,5 tỷ đồng xây dựng 252 nhà “Nghĩa tình đồng đội” cho CCB có hoàn cảnh khó khăn. Những hoạt động ý nghĩa này đã góp phần tăng cường đoàn kết, gắn bó tình đồng chí, đồng đội, thúc đẩy hoạt động tình nghĩa, tạo điều kiện để chăm lo các đối tượng chính sách và xây dựng hội trong sạch, vững mạnh.
Phong trào “CCB giúp nhau giảm nhèo, làm kinh tế giỏi” đã góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, nâng cao đời sống cán bộ, hội viên. Năm 2016, CCB toàn tỉnh có 2.364 hộ nghèo, 5.646 hộ cận nghèo và 18.748 hộ khá, giàu thì đến nay chỉ còn 894 hộ nghèo, 1.599 hộ cận nghèo, hộ khá và giàu tăng lên 33.349 hộ.
|
Phạm Hà