Hồi ức của người lính qua 3 cuộc chiến

  • 15:39 | Thứ Sáu, 30/04/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm tháng dần trôi qua, nhưng hồi ức về trận Xuân Lộc và cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc dường như vẫn còn vẹn nguyên với cựu chiến binh Đàm Xuân Đê (SN 1954). Tất cả ký ức về quãng thời gian hào hùng đó luôn được ông trân trọng, lưu giữ.
 
Ký ức trận chiến Xuân Lộc
 
Theo lời giới thiệu của ông Trần Đình Thoanh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Quảng Trạch, chúng tôi tìm về thôn Trung Châu, xã Quảng Châu gặp CCB Đàm Xuân Đê. Sau gần 13 năm xông pha, chinh chiến trận mạc và 16 năm kinh qua các chức vụ Bí thư chi bộ thôn Trung Minh, Chủ tịch Hội CCB xã Quảng Châu, đến hôm nay, khi bước qua tuổi 67, ông Đàm Xuân Đê trở về gắn bó với ruộng nương, khoai sắn. Khi được hỏi về những ngày tháng lửa đạn, lật lại ký ức, ông bồi hồi kể, năm 1971, học xong lớp 7 cũng là lúc ông bước qua tuổi 17.
 
Thời điểm đó, quê ông ngày đêm bị máy bay Mỹ càn quét, bắn phá. Lớn lên trong cảnh bom rơi, đạn lạc và ngủ hầm, nỗi căm thù quân xâm lược ngày càng lớn trong ông. Mong muốn được cầm súng đánh đuổi quân thù đã thúc giục ông viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Thế nhưng, nhiều lần đi khám sức khỏe, do vóc người quá nhỏ, ông không trúng tuyển đi bộ đội chủ lực. Mãi đến năm 1974, sau khi tham gia vào Tiểu đoàn D53, Tỉnh đội, ông được chuyển quân sang Trung đoàn 270, Sư đoàn 341. Cuối năm 1974, khi đang đóng quân ở Thác Cóc (xã Trường Thủy, Lệ Thủy hiện nay-PV), Sư đoàn 341 của ông nhận được lệnh đi B. 
 Cựu chiến binh Đàm Xuân Đê.
Cựu chiến binh Đàm Xuân Đê.
Ông xúc động kể lại, trước lúc lên đường hành quân, Sư đoàn 341 được đồng chí Lê Đức Thọ, lúc đó là Trưởng ban Tổ chức Trung ương đến thăm và động viên tinh thần: “Chúc các đồng chí đi lâu, đi sâu, đi khi nào thống nhất Bắc-Nam mới về”. Đơn vị ông hành quân đến vùng Tây Ninh, Bình Phước ròng rã suốt 2 tháng trời.
 
Khi vào đến Bình Phước, tháng 4-1975, Trung đoàn 270 của ông được giao đánh chặn vòng ngoài ở Xuân Lộc (Đồng Nai-PV). Xuân Lộc được nhận định là khu vực phòng thủ quan trọng ở cửa ngõ Sài Gòn. Nếu đánh thủng được cửa ngõ Xuân Lộc, quân ta sẽ giành được Sài Gòn. Hơn 12 ngày đêm, ông cùng đồng đội chiến đấu quyết liệt giành từng tấc đất, căn nhà. 
 
Với khí thế tấn công dồn dập từ nhiều mũi của bộ đội ta, đến ngày 27-4, Xuân Lộc được giải phóng. Ông tự hào nhớ lại: “Đánh trận Xuân Lộc thành công, đơn vị ông tiếp tục nhận lệnh nổ súng, tấn công Trảng Bom-Hố Nai. Khi quân ta tiến quân vào, quân địch hoảng sợ tháo chạy. Chúng cởi bỏ và vứt quần áo, súng đạn la liệt ở các xa lộ Biên Hòa vào Sài Gòn. Đúng 11h, ngày 30-4, Sư đoàn 341 tiếp quản sân bay Biên Hòa.
 
Cùng lúc, tôi và đồng đội nghe tin chính quyền ngụy tuyên bố đầu hàng. Tôi vui mừng, sung sướng vô cùng. Sài Gòn giải phóng, đi đến đâu, chúng tôi cũng thấy cảnh người dân đứng hai bên đường vẫy tay chào rồi tặng chúng tôi nhiều món quà”.
 
Đất nước thống nhất, nhưng nhiệm vụ của ông và Sư đoàn 341 vẫn chưa dừng lại. Thời điểm Sài Gòn giải phóng, chính quyền cấp phường, quận chưa có cán bộ nên đơn vị ông tiếp tục được lệnh vào làm quân quản Sài Gòn, đồng thời tuyên truyền, vận động lính ngụy đi cải tạo.
 
... Và những cuộc chiến bảo vệ biên giới Tổ quốc
 
Kết thúc nhiệm vụ giải phóng Sài Gòn, tháng 4-1977, ông vinh dự được đơn vị cử đi học Trường Sỹ quan lục quân 2. Sau khi học xong, tháng 11-1978, ông được lệnh chuyển qua Quân đoàn 3, chiến đấu vùng biên giới Tây Ninh-Campuchia để ngăn chặn quân Pôn Pốt. Khi chiến đấu ở tỉnh Kampong Cham, ông trúng đạn và bị thương ở đầu gối buộc phải chuyển về Tây Ninh điều trị.
 
Tháng 4-1979, khi đang chiến đấu ở chiến trường C, ông nhận lệnh chuyển quân để tham gia biên giới phía Bắc. Tháng 8-1979, ông được nhận chức vụ Tham mưu trưởng, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 529, Sư đoàn 311, Quân đoàn 26. “Địa hình nơi đây chủ yếu núi đá vôi rất cheo leo và hiểm trở. Nhiều chốt ở trên lèn cao buộc các chiến sĩ phải gùi gạo, gùi súng đi hàng trăm bậc đá mới đến nơi. Thời tiết thì lạnh vô cùng.”, ông Đê xúc động kể lại. Quá trình chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của ông trải qua hơn 10 năm. Sau khi biên giới sạch bóng quân thù, năm 1989, ông trở về quê với quân hàm thiếu tá.
 
Trong ngôi nhà cấp 4, tài sản mà ông Đàm Xuân Đê vẫn ngày ngày nâng niu và quý trọng là những tấm huân chương, huy chương mà Đảng, Nhà nước trao tặng cho ông. Ông tâm sự rằng, mong muốn của ông lúc này là được một lần nữa đến thăm những chiến trường xưa, nơi ông và đồng đội mình đã dành một phần tuổi trẻ cho đất nước, cho chặng đường thống nhất, bảo vệ non sông.
                                              Đoàn Nguyệt