Tết sẻ chia nơi biên giới Việt-Lào

  • 07:43 | Chủ Nhật, 07/02/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Khi những cánh đào rừng bắt đầu hé nụ báo hiệu một mùa xuân mới lại về, chúng tôi đã có những chuyến ngược rừng cùng các nhà thiện nguyện mang quà Tết cho bà con người Mày, người Khùa ở hai xã biên giới Dân Hóa, Trọng Hóa (huyện Minh Hóa). Ở vùng đất biên cương này, Tết dường như đến sớm hơn nhịp thời gian nhờ sự quan tâm đặc biệt của chính quyền các cấp, cùng tấm lòng của các nhà hảo tâm trong cả nước…
 
"Cửa hàng tạp hóa 0 đồng"
 
Những ngày giáp Tết, “Cửa hàng tạp hóa 0 đồng” do Đồn Biên phòng Ra Mai, Bộ đội biên phòng (BĐBP) Quảng Bình mở tại bản Ra Mai, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa tấp nập, nhộn nhịp hơn. Đồng bào người Khùa (dân tộc Bru-Vân Kiều), người Mày (dân tộc Chứt) ở các bản vùng biên giới tranh thủ đến đây lựa chọn cho mình một món đồ, một thứ hàng hóa mà gia đình còn thiếu.
Người Khùa, người Mày vui vẻ đến
Người Khùa, người Mày vui vẻ đến "Cửa hàng tạp hóa 0 đồng" ở bản Ra Mai để chọn hàng.
Thượng tá Phạm Văn Dũng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ra Mai cho biết, đồng bào người Khùa, người Mày sống ở khu vực biên giới Việt-Lào thuộc 2 xã Trọng Hóa và Dân Hóa có cuộc sống còn nhiều khó khăn; đặc biệt là năm 2020, cuộc sống của đồng bào càng khó khăn hơn khi đại dịch Covid-19 bùng phát và mưa lũ lịch sử gây thiệt hại nặng nề. Đồng hành cùng đồng bào, giúp bà con vượt qua những khó khăn, thiếu thốn, lực lượng BĐBP thường xuyên hỗ trợ, phát triển các mô hình kinh tế, xây dựng các công trình ý nghĩa, trong đó có mô hình “Cửa hàng tạp hóa 0 đồng” vừa được mở ở bản Ra Mai.
 
“Cửa hàng tạp hóa 0 đồng” với đầy đủ các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu từ gạo, mì tôm đến quần áo, giày dép... Tất cả các mặt hàng tại cửa hàng được Đồn Biên phòng Ra Mai vận động, quyên góp từ cán bộ, chiến sỹ cũng như các mạnh thường quân, sau đó vận chuyển đến sắp xếp thành các gian hàng riêng biệt để dân bản ai thiếu thứ gì đến lấy về sử dụng.”, thượng tá Dũng chia sẻ.
 
"Cửa hàng tạp hóa này có nhiều mặt hàng lắm, bà con ai cần cái chi thì lấy cái đó, cán bộ biên phòng cũng hướng dẫn và nhắc nhở dân bản, cần cái gì mới lấy, lấy là phải dùng để không lãng phí. Dân bản chúng tôi rất cảm ơn cửa hàng tạp hóa này của Đồn Biên phòng", ông Hồ Kinh, Bí thư Chi bộ bản Ra Mai nói.
 
Tại “Cửa hàng tạp hóa 0 đồng” của Đồn Biên phòng Ra Mai, dù rất đông người dân đến nhận hàng miễn phí, tuy nhiên, dưới sự hướng dẫn của BĐBP, bà con rất trật tự và chỉ lấy những mặt hàng mình thực sự cần. Các gian hàng khi hết hàng cũng sẽ kịp thời được bổ sung.
 
Nói về mô hình “Cửa hàng tạp hóa 0 đồng” của BĐBP, bà Hồ Thị Thoi, Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa cho rằng đây là một chương trình ý nghĩa và có tính hiệu quả cao. Cửa hàng này như một điểm tập kết hàng cứu trợ thường xuyên cho bà con các bản làng xa xôi của xã Trọng Hóa, một xã còn rất nhiều khó khăn, phần lớn người dân là đồng bào dân tộc thiểu số.
Người dân bản Cha Lo (Dân Hóa) đi nhận quà Tết của các nhà thiện nguyện.
Người dân bản Cha Lo (Dân Hóa) đi nhận quà Tết của các nhà thiện nguyện.
"Thay vì tặng quà, quần áo cho đồng bào thì mình vận động, tập kết về đây, dân bản cần gạo hay quần áo, mì tôm thì đến tự chọn, tránh được tình trạng lãng phí và không phù hợp. Đây thực sự là một cách tặng quà hiệu quả và tạo được thói quen cho bà con. Chúng tôi rất mong muốn sẽ nhận được thêm những sự hỗ trợ từ BĐBP cũng như nhiều đơn vị khác để giúp đỡ người dân trên địa bàn sớm vượt qua khó khăn", bà Thoi bày tỏ.
 
Mang Tết lên với người Khùa, người Mày
 
Những ngày áp Tết, chúng tôi theo chân nhóm từ thiện Hiểu và Thương ở TP. Hồ Chí Minh mang 400 suất quà Tết (mỗi suất trị giá 600 nghìn đồng) lên với đồng bào người Khùa, người Mày ở biên giới Việt-Lào, thuộc 2 xã Dân Hóa và Trọng Hóa.
 
Sống dưới chân dãy Giăng Màn quanh năm mây phủ, đồng bào người Khùa, người Mày còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, năm 2020, cuộc sống của đồng bào bị ảnh hưởng nghiêm trọng do hậu quả của đại dịch Covid-19 và trận lũ lụt lịch sử vào cuối tháng 10 gây nên.
 
Ông Đoàn Phúc Hạnh, Chủ tịch UBND xã Dân Hóa cho biết, trận lũ lịch sử đã chia cắt, cô lập nhiều bản làng của xã, trong đó bản Cha Lo có 34 hộ với 132 nhân khẩu phải di dời khẩn cấp vì nguy cơ bị sạt lở đất. Sau cơn lũ dữ, những hộ dân ở bản Cha Lo được sự cưu mang của chính quyền địa phương, đồng bào các bản Bãi Dinh, Ka Ai và các nhà hảo tâm trong cả nước nên cuộc sống đã vơi bớt khó khăn. Sau khi khảo sát đã tạm an toàn, chính quyền xã đã cho bà con về ở tạm lại bản cũ để ăn Tết, chờ xây dựng khu tái định cư mới.
Bản làng của người Khùa, người Mày ở biên giới Việt Lào.
Bản làng của người Khùa, người Mày ở biên giới Việt Lào.
Ông Hồ Thông, Bí thư Chi bộ bản Cha Lo chia sẻ: “Trong đợt lũ vừa qua, dân bản nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các nhà hảo tâm nên dù phải đi “ăn nhờ, ở đậu” nhưng ai cũng rất yên tâm. Hiện, chính quyền các cấp đang thực hiện việc xây dựng khu tái định cư mới cho bản Cha Lo, bà con được cho về ở tạm bản cũ để đón Tết…”  
 
Gặp lại chúng tôi, ông Hồ Nhuân, một hộ dân ở bản Cha Lo, cười tươi: “Sau cơn lũ, gia đình miềng gồm 8 nhân khẩu phải chia ra “ở ghép” cùng với 3 gia đình khác ở bản Bãi Dinh và Ka Ai. Nay, chính quyền địa phương mới cho gia đình về ở tạm lại nhà cũ đón Tết, chờ xây dựng bản mới. Thời gia qua, gia đình và bà con nhận được nhiều sự giúp đỡ của các cấp lãnh đạo và các nhà hảo tâm. Không biết nói chi nhưng cái bụng của miềng biết ơn nhiều  lắm!”
 
Chủ tịch UBND xã Dân Hóa Đoàn Phúc Hạnh cho biết thêm: Lâu nay, đồng bào người Khùa, người Mày sống trên biên giới Việt-Lào vẫn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện và các nhà hảo tâm trong cả nước. Đặc biệt, sau trận lũ lịch sử vào cuối tháng 10-2020 và những ngày áp Tết này, nhiều đoàn thiện nguyện trong và ngoài tỉnh đã lên tận nơi, giao tận tay cho bà con hàng trăm suất quà gồm tiền mặt, lương thực và nhu yếu phẩm, đã giúp bà con vơi bớt những khó khăn. “Một cái Tết nữa đã đến, cảm ơn những nhà hảo tâm đã quan tâm đến với đồng bào người Khùa, người Mày những lúc khó khăn và giúp họ có được một cái Tết ấm cúng”, ông Hạnh nói.
 
Phan Phương