Gương sáng thương binh

  • 08:42 | Thứ Tư, 16/12/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1970, cựu chiến binh (CCB) Lê Văn Tuy (sinh năm 1950, ở thôn Lệ Kỳ, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh) nhập ngũ vào quân đội.
 
Tháng 2-1971, trong một trận đánh, ông bị thương nặng, được đưa về tuyến sau điều trị. Năm 1974, do sức khỏe không bảo đảm, ông được xuất ngũ, hưởng chế độ thương binh 2/4. Trở về địa phương, ông xây dựng gia đình và lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Nhưng vượt lên khó khăn, ông đã tỏ rõ bản lĩnh của "Bộ đội Cụ Hồ", trở thành một trong những điển hình làm kinh tế giỏi, được nhiều người noi gương. 
 
Từ năm 1990, Nhà nước có chủ trương khai phá đồi hoang trồng rừng phủ xanh đồi trọc, phát triển kinh tế hộ gia đình nhằm xóa đói giảm nghèo. Nhớ lời dạy của Bác Hồ: “Thương binh tàn mà không phế”, bằng nghị lực của người lính Cụ Hồ đã một thời anh dũng cầm súng đánh giặc giờ không thể đầu hàng với bệnh tật, cái đói, cái nghèo, từ năm 1990-2000, ông Tuy tham gia vào đội ươm cây giống của huyện. Ông và gia đình đã cung cấp hàng triệu cây giống tràm hoa vàng, keo lai… cho dự án 327, 2780, 4304 và gia đình ông đã trồng trên 200ha rừng cho Nhà nước. 
  CCB Lê Văn Tuy đang hướng dẫn thợ máy đào hố trồng huê.
CCB Lê Văn Tuy đang hướng dẫn thợ máy đào hố trồng huê.
Năm 1992, được Ban dự án 327 tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ cây giống, ông nhận đất trồng rừng. Lấy ngắn nuôi dài, khi cây đang nhỏ, ông trồng xen hoa màu lấy sản phẩm chế biến phục vụ chăn nuôi. Năm 2004, ông vay vốn ngân hàng nuôi gà rừng, nhưng vì điều kiện gà sống hoang dã đã quen, không thích ứng với nuôi nhốt nên gà của ông chết hết. Không nản chí, năm 2005, ông tiếp tục mạnh dạn vay vốn ngân hàng, vay Quỹ tình thương đồng đội nuôi gà công nghiệp.
 
Ông đầu tư nuôi 6 trại với khoảng 12.000 con. Do thời tiết không thuận lợi, kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi hạn chế, vốn đầu tư ít nên đàn gà chậm lớn, chết dần, ông phải bán tháo lấy lại ít vốn.
 
Bỏ nuôi gà, ông tập trung đầu tư trồng rừng, thuê thêm nhân công phát đồi trọc, ươm giống, học thêm kỹ thuật chăm sóc, tiếp tục mở mang diện tích trồng thông, cao su…Tính đến nay, gia đình ông đã trồng và sở hữu 70ha rừng keo, 30ha cây công nghiệp, 10ha rừng phòng hộ chống cát bay lấp ven biển, hàng năm trừ chi phí, thu lãi được trên 600 triệu đồng. 
 
Năm 2014, gia đình ông đầu tư 5 tỷ đồng mở trang trại chăn nuôi lợn theo phương thức công nghiệp quy mô lớn với 100 lợn nái. Chuồng trại bảo đảm khoa học hợp vệ sinh, thức ăn đầy đủ nên lợn phát triển tốt, hàng năm xuất chuồng khoảng 1.200 lợn giống, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, thu về lợi nhuận trên 500 triệu đồng/năm.
 
Năm 2016, ông tiếp tục mạnh dạn đầu tư vốn lưu động trên 20 tỷ đồng, mua máy móc, xây nhà xưởng, mua xe ô tô làm đại lý phân bón và sản xuất thức ăn chăn nuôi. Những địa bàn xa, ông cho xe đưa phân bón, thức ăn chăn nuôi đến tận nơi thuận lợi cho người tiêu thụ. Thức ăn chăn nuôi có thương hiệu, bảo đảm chất lượng, vệ sinh nên tiêu thụ nhanh, thu về hàng trăm triệu đồng tiền lãi.
 
Nhờ mở mang trang trại trồng rừng và chăn nuôi, ông đã giải quyết việc làm cho 10 lao động cố định, lương khoảng 8 triệu đồng/tháng, 40-50 lao động thời vụ với mức lương 7,5 triệu đồng/tháng.
 
Không chỉ là tấm gương làm kinh tế giỏi, CCB Lê Văn Tuy còn giàu lòng nhân ái, luôn giúp đỡ người khác. Trong những năm qua, ông đã không ngại bỏ ra hàng trăm ngày công để tư vấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt miễn phí cho nhiều gia đình làm trang trại; hỗ trợ thức ăn chăn nuôi, con giống trị giá khoảng 300 triệu đồng cho những gia đình hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ kinh phí cho hoạt động Hội Cựu thanh niên xung phong, Hội CCB xã; làm từ thiện cho đồng đội trên 10 triệu đồng...
 
Với những đóng góp của bản thân, CCB Lê Văn Tuy được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Giải phóng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì và được các cấp, ngành tặng nhiều bằng khen, giấy khen...
 
Nguyễn Đại Duẫn