Tuyên Hóa: Gặp khó với sạt lở sau mưa lũ

  • 07:56 | Thứ Năm, 26/11/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau trận mưa lũ lịch sử vừa qua, trên địa bàn huyện miền núi Tuyên Hóa đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở đất nghiêm trọng khiến các hộ dân phải di dời khẩn cấp. Hiện, chính quyền các cấp và nhân dân trên địa bàn đang nỗ lực khắc phục các điểm sạt lở, di dời người dân đến nơi ở mới, nhưng vẫn còn lắm khó khăn.
 
Nhiều điểm sạt lở phải di dời khẩn cấp
 
Thời gian qua, Quảng Bình hứng chịu nhiều trận mưa lớn nên đã gây ra ngập lụt sâu trên diện rộng và sạt lở sông, núi tại nhiều nơi trong đó có huyện Tuyên Hóa.
 
Theo ông Đinh Xuân Thương, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Tuyên Hóa, đợt mưa lũ vừa qua, huyện có 3 điểm phải di dời khẩn cấp nhiều hộ dân ở xã Thạch Hóa, Đức Hóa và Thuận Hóa. Tổng số hộ dân buộc phải di dời là 71 hộ, di dời khẩn cấp là 41 hộ.
Sạt lở núi làm hư hỏng nhà cửa người dân tại thôn 1, 2 Đạm Thủy, xã Thạch Hóa.
Sạt lở núi làm hư hỏng nhà cửa người dân tại thôn 1, 2 Đạm Thủy, xã Thạch Hóa.
Tại xã Thạch Hóa, có 21 hộ dân ở xóm Ba Cồn phải di dời khẩn cấp nhằm tránh sạt lở núi nghiêm trọng. Tại hiện trường, đất đá cùng cây cối sạt trượt khiến nhiều ngôi nhà tường vách bị nứt, đổ, đất tràn vào nhà. May mắn, chính quyền địa phương đã sơ tán toàn bộ 21 hộ dân trước khi sạt lở xảy ra.
 
Đứng cạnh ngôi nhà khang trang nhưng giờ không thể ở, ông Hoàng Xuân Lý, thôn Đạm Thủy cho biết: "Tôi ở đây mấy chục năm rồi nhưng chưa thấy lần nào đất đá sạt lở như năm nay. Năm 2018, gia đình tích cóp và vay mượn được 400 triệu đồng để xây dựng lại nhà cửa, vừa mới ở hơn 1 năm thì nay phải di dời, cả đời tích cóp làm được căn nhà, giờ thì trắng tay!".
 
Ông Cao Xuân Bình, Chủ tịch UBND xã Thạch Hóa cho biết, khi mưa lớn kéo dài nhiều ngày, không chờ người dân báo cáo, xã đã chủ động đến những nơi có nguy cơ sạt lở để kiểm tra, phát hiện, lập danh sách những hộ nằm trong vùng nguy hiểm, từ đó, sớm di dời, ai không đi thì dùng biện pháp cưỡng chế. Nhờ vậy, nên vụ sạt lở vừa qua không ảnh hưởng đến tính mạng của người dân. Hiện, UBND xã Thạch Hóa đã huy động người dân làm nhà tạm tránh trú cho bà con để chờ kinh phí tái định cư.
 
Còn tại xã Đức Hóa, mưa lũ, nước sông Gianh dâng cao khiến sạt lở ăn sâu vào móng nhà của 8 hộ dân. Đặc biệt nghiêm trọng là nhà của 2 hộ dân Mai Trung, Mai Tân bị nước lũ khoét sâu vào nhà, sạt xuống sông làm lỏng móng, gãy dầm không thể ở được. Ngoài ra, địa phương còn có 27 hộ dân ở thôn Đồng Lâm phải di dời do sạt lở núi. Theo quan sát của chúng tôi, hiện khu vực núi Đồng Lâm xuất hiện các vệt nứt trượt dài, dù chưa ảnh hưởng đến nhà dân nhưng về lâu dài, vết trượt này sẽ sạt lở, uy hiếp tính mạng và tài sản của người dân dưới chân núi.
Vệt nứt, sụt lún dài phía sau núi keo tràm uy hiếp tính mạng và tài sản của người dân thôn Đồng Lâm, xã Đức Hóa.
Vệt nứt, sụt lún dài phía sau núi keo tràm uy hiếp tính mạng và tài sản của người dân thôn Đồng Lâm, xã Đức Hóa.
Xã Thuận Hóa cũng là một trong những địa phương có tình trạng sạt lở diễn ra nghiêm trọng. Hiện có 16 hộ ở thôn Thuận Tiến nằm trong diện di dời khẩn cấp do sạt lở đồi keo phía sau nhà dân.
 
Ông Hoàng Văn Bồng, Trưởng thôn Thuận Tiến cho biết: "Ngày 18-10 vừa qua, mưa lớn nên người dân đã phát hiện được vệt nứt, sụt lún kéo dài 100m phía sau nhà. Thấy được mức độ nguy hiểm cao nên tối đó chính quyền địa phương đã buộc người dân sơ tán. Đúng tối 18 và rạng sáng 19 mưa lớn nên sạt lở đã xảy ra đúng như dự đoán, 2 nhà dân bị đất đá vùi lấp làm sập tường, đó là hộ ông Trần Văn Trung và hộ bà Hoàng Thị Trí. Riêng hộ ông Trung, đất đá xối xuống làm nứt tường nhà, vùi lấp giường ngủ, nếu đêm đó không di dời thì 5 người trong gia đình sẽ nguy hiểm đến tính mạng".
 
Các hộ còn lại trên địa bàn thôn Thuận Tiến tuy chưa bị ảnh hưởng, nhưng về lâu dài thì không thể tiếp tục sinh sống bởi chỉ cần một trận mưa lớn kéo dài vài ngày là cả khu đồi có thể sạt lở xuống sông Gianh.
 
Việc di dời còn gặp nhiều khó khăn
 
Để bảo đảm an toàn về người và tài sản cho nhân dân, chính quyền các địa phương trong vùng đang lên kế hoạch tái định cư. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề khiến ngành chức năng đau đầu bởi quá trình thực hiện các phương án di dời và bố trí tái định cư cho người dân tại các vùng có nguy cơ sạt lở gặp nhiều khó khăn về kinh phí và địa điểm. Mặt khác, nhiều hộ dân đã sinh sống gắn bó với ngôi nhà mảnh vườn nhiều năm nay nên không muốn di dời đến nơi ở mới.
 
Hiện xã Thạch Hóa đã có đất để người dân tái định cư nhưng đang chờ kinh phí. Mặc dù đã được chính quyền địa phương cho làm lán trại để ở tạm chờ kinh phí tái định cư nhưng một số hộ dân thấy không còn mưa nên vẫn quay về nơi cũ sinh hoạt. Vì sợ nguy hiểm nên hàng ngày, chính quyền địa phương phải cho người trực, thấy người dân quay về phải báo cáo để xử lý. Thời gian tới, địa phương cũng như người dân mong muốn các cấp chính quyền đẩy nhanh tiến độ cấp kinh phí sớm để người dân ổn định cuộc sống.
 
Còn đối với xã Đức Hóa, hiện có 35 hộ dân buộc phải di dời, nhưng chỉ mới có 8 hộ trong diện di dời khẩn cấp được chính quyền địa phương tìm được nơi di dời đến. Còn đối với 27 hộ ở thôn Đồng Lâm di dời do sạt lở núi thì việc triển khai gặp rất nhiều khó khăn. 
Chính quyền và người dân xã Thạch Hóa làm lán ở tạm cho các hộ dân có nhà bị hư hỏng, sạt lở, chờ kinh phí tái định cư.
Chính quyền và người dân xã Thạch Hóa làm lán ở tạm cho các hộ dân có nhà bị hư hỏng, sạt lở, chờ kinh phí tái định cư.
Ông Võ Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Đức Hóa cho biết: "Đứng trước nguy cơ sạt lở núi đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân, địa phương đã tiến hành quy hoạch một khu tái định cư để di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, bảo đảm an toàn tính mạng. Nhưng, việc di dời còn gặp rất nhiều khó khăn do người dân vẫn không muốn rời làng vì gia đình họ sống hàng trăm năm, qua nhiều thế hệ, họ xem đó như là quê cha, đất tổ nên không muốn di dời. Mặt khác, di dời một vài hộ thì còn dễ chứ di dời 27 hộ dân đến nơi ở mới là việc quá khó khăn, vì khu ở mới phải tạo mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng, hỗ trợ người dân di chuyển nhà, khai hoang, cải tạo đất, hỗ trợ sản xuất… Hiện, UBND xã chưa có vùng đất quy hoạch cho bà con tái định cư ở thôn Đồng Lâm".
 
Còn theo ông Nguyễn Văn Các, Chủ tịch UBND xã Thuận Hóa, khó khăn nhất trong việc di dời 16 hộ dân nơi đây là vấn đề giải phóng mặt bằng để người dân tái định cư. Vì hiện nay quỹ đất ở tại địa phương không còn nhiều, địa điểm UBND xã Thuận Hóa chọn để người dân di dời đến đều đã được cấp đất rừng trồng lâu năm cho người dân nên nếu đền bù theo giá của nhà nước, người dân sẽ không chấp thuận. Mặt khác, phần lớn là các hộ dân ở thôn Thuận Tiến là giáo dân nên công tác tư tưởng để di dời cũng gặp nhiều khó khăn đối với chính quyền.
 
Thiên tai đã tạm qua đi và cuộc sống thì không thể dừng lại, với ngổn ngang công việc sau lũ nhưng bài toán đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân nằm ở những vùng có nguy cơ sạt lở cao vẫn là mối quan tâm, ưu tiên hàng đầu. Chính quyền các địa phương đã vào cuộc, nhưng còn đó những khó khăn cả chủ quan lẫn khách quan cần được tháo gỡ sớm để di dời và ổn định cuộc sống cho bà con nơi đây.
 
Thanh Hoa