Bất cập quản lý trật tự đô thị- Bài 3:

Xây dựng nếp sống văn minh đô thị: Cần thay đổi từ tư duy đến hành động

  • 08:13 | Thứ Sáu, 27/11/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Xây dựng nếp sống văn minh đô thị (VMĐT) rộng khắp trên địa bàn tỉnh, giúp các đô thị trong tỉnh dần hoàn thiện, trở thành những "đô thị đáng sống" là một chặng đường dài, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó người dân là chủ thể đóng vai trò rất quan trọng. Trên hành trình xây dựng nếp sống VMĐT, công dân đô thị cần phải thay đổi… bắt đầu từ tư duy sau đó mới đến hành động.
 
VMĐT-một khái niệm rộng mà những quốc gia phát triển trên thế giới phải mất hàng trăm năm để xây dựng từ cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa cũng như lối sống, nếp sống của cư dân đô thị, những ứng xử chuẩn mực giữa cá nhân với cộng đồng, giữa cộng đồng với cộng đồng.
 
Ở Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng, trong khoảng 10 năm trở lại đây, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, “nóng”. Hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị đầu tư đồng bộ, hiện đại, tuy nhiên, trong mối quan hệ tương hữu, tư duy và nếp sống VMĐT của cư dân và cộng đồng đô thị lại thay đổi khá chậm chạp.
 
Ông Phạm Xuân Thảo, Viện trưởng Viện quy hoạch xây dựng (Sở Xây dựng) nhận xét: “TP. Đồng Hới, vốn trước đây đã là thị xã, một hình thái đô thị từ những năm thuộc Pháp. Sau chiến tranh được các chuyên gia Cuba nghiên cứu, tham vấn cho tỉnh quy hoạch chung tương đối bài bản và hoàn chỉnh dần qua các thời kỳ. Mới đây nhất là quy hoạch chung thành phố do Công ty Nikken Sekkei (Nhật Bản) nghiên cứu vào năm 2012, được phê duyệt điều chỉnh cục bộ tháng 11-2019. Xét tổng thể, đô thị Đồng Hới đẹp, hệ thống quy hoạch, hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Theo đồ án quy hoạch chung của phía tư vấn Nhật Bản lập đến năm 2020, định hướng đến năm 2035 thì TP. Đồng Hới sẽ hình thành nhiều khu đô thị mới đẹp, hiện đại”.
 
Như vậy, TP. Đồng Hới trong quá khứ, hiện tại và tương lai đã hiện hữu là một đô thị. Nhưng trên thực tế, việc xây dựng nếp sống VMĐT lại chưa tương xứng, rộng hơn là văn hóa đô thị còn nhiều điều đáng bàn. Thậm chí nhiều cư dân đô thị còn mơ hồ với khái niệm này.
Nạn đổ trộm rác thải xây dựng trái phép làm ảnh hưởng đến mỹ quan nhiều đô thị của Quảng Bình.
Nạn đổ trộm rác thải xây dựng trái phép làm ảnh hưởng đến mỹ quan nhiều đô thị của Quảng Bình.
Ở TP. Đồng Hới, chúng ta dễ dàng bắt gặp nhiều cảnh khó chịu mỗi khi ra đường: tình trạng đi lại lộn xộn, ùn tắc giao thông, dừng đỗ xe không đúng nơi quy định; nạn ăn xin, chèo kéo khách du lịch; nạn lấn chiếm đất đai, xây dựng công trình trái phép; sử dụng vỉa hè sai mục đích; tình trạng đào đường, lấp đường bừa bãi… Chính những hình ảnh, hiện tượng này khiến cho bộ mặt đô thị TP. Đồng Hới bị “xấu đi” đáng kể.
 
Là người dân sinh sống trên tuyến đường Trần Hưng Đạo, một trong những tuyến phố chính sầm uất nhất thành phố, luật sư Lê Minh Tâm, Văn phòng Luật sư Hướng Dương (Đoàn Luật sư Quảng Bình) chia sẻ: “Thành phố đang xây dựng đường Trần Hưng Đạo thành một tuyến phố văn minh, nhưng hàng ngày dọc đường này vẫn diễn ra nhiều chuyện, nhiều sự việc thiếu văn minh: tình trạng lấn chiếm vỉa hè thường xuyên xảy ra; xe ô tô dừng, đổ tràn ra cả lòng đường; người tham gia giao thông, nhất là các cháu học sinh chạy xe dàn hàng ngang, hàng ba; hàng quán kinh doanh chèo kéo khách hàng; khách du lịch không có lối đi riêng cho mình… Vì thế, để xây dựng một nếp sống VMĐT và người dân tuân thủ, chấp hành nếp sống VMĐT thì trước hết cần phải thay đổi. Thay đổi trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành từ các cơ quan Nhà nước chủ trì, thực hiện; thay đổi về công tác quản lý trật tự đô thị, xử lý vi phạm trật tự đô thị; thay đổi trong cách thức tuyên truyền, vận động và quan trọng nhất là thay đổi trong tư duy của mỗi một công dân đô thị”.
 
Từ năm 2015, Thành ủy Đồng Hới đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) thực hiện nếp sống VMĐT nhằm xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp, con người thân thiện, lịch sự, mến khách. Ban đầu, BCĐ chọn thời gian một tuần để đẩy mạnh các hoạt động gọi là Tuần lễ VMĐT Đồng Hới. Từ năm 2018 trở đi, Tuần lễ VMĐT được mở rộng thành Tháng VMĐT.
 
Đơn cử, trong Tháng VMĐT năm 2019, 16 xã, phường trực thuộc thành phố và tất cả các tổ chức chính trị, chính trị-xã hội đều đăng ký, triển khai thực hiện Tháng VMĐT với những hoạt động thiết thực, mục đích hướng đến là tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về nếp sống VMĐT, vì một thành phố xanh, sạch, đẹp. Hoạt động tuyên truyền tập trung vào 5 nội dung: quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học; quy tắc ứng xử cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước; nếp sống VMĐT trong cộng đồng dân cư; VMĐT trong hoạt động du lịch; nếp sống VMĐT chung trong toàn thành phố…
 
Ông Hoàng Văn Tâm, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng BCĐ thực hiện nếp sống VMĐT TP. Đồng Hới giai đoạn 2015-2020 khẳng định: “Tuần lễ VMĐT sau đó là Tháng VMĐT triển khai liên tục qua hàng năm bước đầu mang lại những kết quả đáng khích lệ. Toàn thành phố xây dựng, chăm sóc trên 2.000 con đường hoa và 6.000m2 điểm hoa. Nhiều mô hình điểm, như: nói không với lấn chiếm vỉa hè tại phường Đồng Phú; xây dựng HTX du lịch thân thiện tại xã Bảo Ninh; khu dân cư “sáng, xanh, sạch, đẹp” ở phường Đồng Sơn; đường cờ tại 4 địa phương Hải Thành, Bảo Ninh, Nam Lý, Phú Hải… góp phần làm đẹp hơn bộ mặt thành phố.
 
Nhưng hơn hết, qua việc thực hiện Tuần lễ VMĐT, Tháng VMĐT, người dân thành phố dần hình thành nên những quy tắc, cách thức ứng xử văn hóa, văn minh, lịch sự, có lý, có tình trong cuộc sống, lao động thường ngày. Từ đó, xây dựng, quảng bá về một TP. Đồng Hới đáng sống, thành phố du lịch “biển xanh, cát trắng, nắng vàng” gắn với người dân thân thiện, chân tình, mến khách".
 Đường Hữu Nghị, một trong những tuyến đường ngày càng sạch đẹp, văn minh của TP.Đồng Hới.
Đường Hữu Nghị, một trong những tuyến đường ngày càng sạch đẹp, văn minh của TP.Đồng Hới.
Năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 125/NQ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Quảng Trạch để thành lập mới TX.Ba Đồn. Khác với TP. Đồng Hới, mặc dù trở thành thị xã trung tâm kinh tế trọng điểm phía Bắc Quảng Bình nhưng sau khi chia tách, TX.Ba Đồn vẫn còn bộn bề khó khăn. Cơ sở hạ tầng thiết yếu đáp ứng cho cuộc sống độ thị phần lớn xuống cấp, kém phát triển. Khó khăn về cơ sở vật chất kéo theo những bộn bề trong việc xây dựng nếp sống mới phù hợp với văn minh ở đô thị.
 
Ông Nguyễn Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND TX. Ba Đồn cho biết: “Xây dựng nếp sống VMĐT trên địa bàn hiện tại đang tập trung tuyên truyền, vận động giúp cho người dân thị xã thấy hết sự cần thiết phải xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh. Song song với đó, thị xã tăng cường công tác quản lý đô thị, xử lý nghiêm vi phạm trật tự đô thị; giải tỏa các công trình vi phạm; chú trọng công tác chỉnh trang đô thị, cải tạo cảnh quan môi trường tại các phường trung tâm, hình thành nên những điểm nhấn trong không gian đô thị đang chỉnh trang, xây dựng mới”.  
 
Quan điểm nhất quán trong phát triển đô thị ở TP. Đồng Hới hay TX. Ba Đồn cũng như các đô thị khác trong tỉnh là cần phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội chung của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Xây dựng các đô thị văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp cần hài hòa giữa phát triển kinh tế-xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa bền vững gắn với xây dựng con người thành thị mới văn minh, nghĩa tình, hiện đại.
 
Nhóm P.V Bạn đọc
 
 

>> Bất cập quản lý trật tự đô thị-Bài 1: Từ góc nhìn quản lý trật tự xây dựng

>> Bất cập quản lý trật tự đô thị-Bài 2: Quản lý vỉa hè... khó chồng khó