Cảnh báo nguy hiểm khi tắm biển Trung Trạch

  • 07:16 | Thứ Sáu, 05/06/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Xã Trung Trạch (huyện Bố Trạch) có bờ biển dài, đẹp. Đây là nơi lý tưởng để người dân tập trung hóng gió, tắm mát, góp phần giải nhiệt vào những ngày hè nắng nóng. Tuy nhiên, theo những người cao tuổi trên địa bàn xã, từ trước đến nay, hầu như năm nào cũng có trường hợp thiệt mạng do đuối nước.
Bãi biển Trung Trạch, nơi vừa xảy ra vụ đuối nước thương tâm.
Bãi biển Trung Trạch, nơi vừa xảy ra vụ đuối nước thương tâm.
Ông Nguyễn Minh Quang, Chủ tịch UBND xã Trung Trạch, cho biết, bờ biển Trung Trạch có chiều dài khoảng 3km. Ngoài việc người dân trên địa bàn thường tập trung đánh bắt thủy hải sản, thì đây cũng là nơi lý tưởng để mọi người hóng gió, tập thể dục, đi bộ hay bơi lội...
 
Đặc biệt, vào những ngày hè nóng nực, không chỉ người dân xã Trung Trạch mà nhiều người dân ở các xã, như: Tây Trạch, Vạn Trạch, Hòa Trạch..., và thị trấn Hoàn Lão tập trung về đây rất đông để tắm và thưởng thức hải sản. Thời gian từ khoảng 16 giờ đến 19 giờ hàng ngày, trên đoạn bờ biển Trung Trạch có hàng trăm người dân tập trung tắm biển.
 
Điều đáng nói, mặc dù đã có biển cảnh báo khu vực nước sâu nguy hiểm, đề phòng đuối nước, nhưng hầu như năm nào cũng có những trường hợp đuối nước đáng tiếc xảy ra tại đây.
 
Ông Phan Văn Tụy (sinh năm 1924, ở thôn 5, xã Trung Trạch) cho biết: "Từ trước đến nay, hầu như mùa hè nào cũng xảy ra sự việc đau lòng có người đuối nước trên biển Trung Trạch. Là dân làng biển, kinh nghiệm của tôi cho thấy, tuy bãi biển bằng phẳng, trải dài, mực nước vừa phải dễ bơi lội nhưng cũng có những luồng xoáy; mỗi ngày, luồng xoáy xuất hiện ở một vị trí khác nhau theo con sóng, nên rất nguy hiểm."
 
Mới đây nhất, ngày 28-5-2020, anh L.V.Q (quê ở xã Lâm Trạch) đến làm thuê cho một nhà hàng ở biển Trung Trạch không may bị đuối nước. Theo đó, sau khi hoàn tất công việc dọn dẹp, khoảng hơn 9 giờ, anh Q. xuống biển tắm và không may bị sóng cuốn mất tích. Ngay lập tức, huyện Bố Trạch, xã Trung Trạch đã huy động các lực lượng kịp thời ứng cứu và tìm kiếm. Dù vậy, phải hơn 1 ngày sau đó mới tìm thấy thi thể của anh Q. Được biết, anh Q. là thanh niên lao động chính của gia đình. Sự ra đi của anh Q. đã để lại nỗi đau khôn nguôi cho gia đình, người thân và bè bạn.
 
Cũng theo ông Tụy, có những mùa hè bình yên trôi qua khi trên địa bàn không có người thiệt mạng do đuối nước, nhưng phần lớn đó là do may mắn khi sự việc xảy ra có người ứng cứu kịp thời.
 
Điển hình như sự việc xảy ra tháng 4 năm 2019. Trong lúc đi câu cá, anh Võ Thái Sơn (sinh năm 1984, ở thôn 5, xã Trung Trạch) đã phát hiện cách bờ biển 35m có người đang vùng vẫy giữa dòng nước xoáy. Không chút chần chừ, anh Sơn đã lao ra cứu sống hai em nhỏ. Đó là 2 học sinh lớp 6, ở thôn 7 và thôn 8 xã Trung Trạch. Trước đó, 2 em này cùng nhóm bạn rủ nhau tắm biển và bị sóng biển đẩy ra xa.
 
Hàng năm, vào dịp hè, những cái chết thương tâm do đuối nước vẫn xảy đến, là nỗi đau nhức nhối cho cả người thân và cộng đồng xã hội. Nguyên nhân chủ yếu là do sự sao nhãng, bất cẩn, thiếu sự giám sát trông coi của người lớn đối với trẻ em khi sống trong môi trường nhiều rủi ro; sự chủ quan của người lớn...
 
Những vụ đuối nước là lời cảnh tỉnh cho những bậc phụ huynh, các em học sinh và mọi người trước mối đe dọa về tính mạng trong môi trường có nhiều sông suối, bãi biển... khi mùa hè đến. Đây cũng là vấn đề đặt ra đối với chính quyền địa phương bởi cần tăng cường hơn nữa những giải pháp nhằm giảm thiểu số vụ tai nạn đuối nước trên địa bàn huyện.
 
Ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, cho biết, để những sự việc đuối nước đau lòng không xảy ra trên địa bàn, huyện Bố Trạch đã triển khai nhiều giải pháp, như: tổ chức các đợt tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở học sinh ý thức chủ động phòng ngừa tai nạn đuối nước; mở lớp tập huấn phương pháp dạy bơi và đầu tư bể bơi, ao bơi ở các địa phương.
 
Nhiều trường học trên địa bàn đã dành những giờ học cuối năm, trước khi học sinh bắt đầu nghỉ hè để trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước cho các em. Các trường học cũng yêu cầu gia đình có ý thức thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, nhất là trong thời gian ngoài giờ học, nghỉ hè, mùa khô và mùa mưa bão.
 
Các ngành chức năng, chính quyền địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền cho người dân khi đi bơi ở sông suối hay tắm biển, mọi người nên mặc áo phao. Đây là biện pháp phòng, chống đuối nước tốt nhất mà ai cũng nên áp dụng khi đi bơi, tắm biển.
 
“Riêng tại bãi biến Trung Trạch, sắp tới, huyện sẽ đầu tư kinh phí thiết lập các chùm phao nổi trên biển; mỗi chùm phao cách nhau khoảng 15-20m, nhằm tạo cơ hội cuối cùng khi có người không may bị đuối nước”, ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết thêm.
H. Tr