Sơn Trạch: Học sinh "nín thở" qua sông đến trường

  • 08:04 | Thứ Tư, 27/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhiều năm qua, hàng trăm học sinh tại thôn Trằm Mé (thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch) phải vượt sông Son bằng đò ngang để đến trường. Điều nguy hiểm là những chuyến đò ngang này luôn chở gấp đôi, gấp ba số người cho phép và tất cả đều không mặc áo phao.
 
Thực tế nan giải
 
Trằm Mé như một ốc đảo, bị cô lập giữa một bên là sông nước và một bên núi. Muốn đi ra bên ngoài, người dân thôn Trằm Mé phải nhờ vào phương tiện thuyền đò di chuyển với khoảng 160 đến 180m để qua sông. Điều đáng nói, hiện ở vùng này chỉ có một điểm trường tiểu học nên khi học xong tiểu học, con em những hộ dân ở đây phải vượt sông nếu muốn học lên cao hơn. Ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng thôn Trằm Mé cho biết: “Toàn thôn hiện có 272 hộ, 1.076 khẩu, với 73,2% bà con là giáo dân; trong đó có khoảng hơn 130 học sinh mỗi ngày phải qua sông bằng đò ngang để đến trường học THCS và THPT”.
 
Ông Phan Xuân Thẩm và vợ là bà Nguyễn Thị Liên là hai người chèo đò đưa khách qua lại khúc sông trong nhiều năm qua. Mỗi ngày, ông bà chèo đò từ sáng sớm đến chiều tối. Để đưa học sinh ở Trằm Mé đến trường, mỗi chuyến đò, ông bà thường chở từ 15-20 em. Con số này gấp đôi, gấp ba tải trọng cho phép của chiếc đò gỗ. Đáng lo hơn, hàng chục lượt học sinh qua lại mỗi ngày chưa bao giờ mặc áo phao. Ông Thẩm chia sẻ, vợ chồng ông cũng “bất đắc dĩ” mới phải chèo đò, do tuổi đã cao (đều 64-65 tuổi), nhưng đây là phương tiện duy nhất giúp dân Trằm Mé ra bên ngoài nên ông bà phải cố gắng. Ông Thẩm cũng thừa nhận việc chở quá tải nhưng vì các cháu học sinh lại muốn qua sông nhanh để kịp đón xe buýt và đến lớp đúng giờ.
Học sinh ở Trằm Mé đến trường bằng chuyến đò ngang chở quá tải và không ai mặc áo phao.
Học sinh ở Trằm Mé đến trường bằng chuyến đò ngang chở quá tải và không ai mặc áo phao.
Ông Trần Nam Trung, Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch cho biết, chính quyền địa phương đã cấp 20 áo phao cho chủ thuyền. Xã cũng quán triệt với lãnh đạo thôn về việc chở đúng tải trọng để bảo đảm an toàn cho người qua lại, nhất là học sinh, nhưng cơ sở đã không thực hiện nghiêm. Oái ăm, trên địa bàn, người dân làm nhiều nghề khác chứ lái đò thì không có ai nhận làm ngoài vợ chồng ông Thẩm. Người dân Trằm Mé dường như phải “năn nỉ” thì hai vợ chồng ông Thẩm mới chịu chèo đò đưa khách qua sông.
 
Chị Ngô Thị Hồng, một người dân thôn Trằm Mé thường xuyên phải đi đò qua sông cho hay: “Tôi mưu sinh với dịch vụ buôn bán nhỏ phục vụ khách du lịch tại Trung tâm Phong Nha-Kẻ Bàng, ngày nào cũng phải đi đò qua bên kia sông. Không có người chèo đò như ông bà Thẩm thì tôi không biết phải làm sao. Quen biết là vậy, nhưng lắm lúc phải “trình bày” hoàn cảnh để ông lái đò chiếu cố chở qua sông”.  
 
Để không còn cảnh “qua sông phải lụy đò”
 
Trước nhu cầu bức thiết của người dân thôn Trằm Mé, các cấp chính quyền cũng đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó có giải pháp đề xuất làm cầu. Tuy nhiên, hiện phương án làm cầu không khả thi vì vị trí này ở ngã ba sông, lại là lối vào động Phong Nha. Một giải pháp nữa là làm đường. Thực tế, phía bờ bắc sông Son có đường dẫn lên thôn Na. Thôn này và thôn Trằm Mé sát nhau nhưng lại chưa có đường đi. “Vì vậy, xã Sơn Trạch mong muốn sớm có một con đường nối từ thôn Na qua thôn Trằm Mé. Được như vậy, người dân Trằm Mé có thể đi ra được trung tâm mà không cần vượt sông. Dự án làm đường đã có, tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa thấy triển khai.”, ông Trần Nam Trung cho biết thêm.
 
Ông Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Bố Trạch cho biết, con đường từ thôn Na qua Trằm Mé với khoảng 4km băng đồi, lội suối. Qua khảo sát, tính toán, kinh phí để thi công hết khoảng 10 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh đã quan tâm và đề xuất danh mục đầu tư với 60% vốn, còn lại vốn đối ứng của huyện 40%. Huyện cũng hoàn hành thủ tục, chuẩn bị sẵn sàng chờ khi có nguồn của tỉnh cấp về sẽ nhanh chóng triển khai xây dựng.   
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quang Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết: Trước tình hình cấp thiết một con đường dân sinh ở thôn Trằm Mé, huyện quan tâm và đã đưa vào kế hoạch đầu tư từ đầu năm 2018 và cũng đã bố trí kinh phí đối ứng. Hiện, huyện mong tỉnh quan tâm hơn nữa, ưu tiên hỗ trợ phần vốn còn lại (60%) để dự án làm đường nối từ thôn Trằm Mé đi thôn Na sớm được triển khai, phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân, nhất là việc học tập của các em học sinh nơi này.
 
Hương Trà