Nỗ lực đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết

  • 14:42 | Thứ Tư, 06/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tảo hôn và hôn nhân cận huyết là một vấn nạn lớn của xã hội. Tại Quảng Bình, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tồn tại khá phổ biến ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển đã phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh điều tra, khảo sát thực trạng này tại hai huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, từ đó tìm hướng đi để đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết.
 
Nội dung các hoạt động nêu trên thuộc dự án Dự án “Nâng cao nhận thức pháp luật và hỗ trợ pháp lý đối với các vấn đề về tảo hôn và hôn nhân cận huyết cho phụ nữ, trẻ vị thành niên là người dân tộc thiểu số tại 2 huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình”do Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển (CIRD) và Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thuộc Sở Tư pháp thực hiện. Dự án được triển khai trên địa bàn 15 thôn/bản thuộc 5 xã: Lâm Hóa (Tuyên Hóa), Hóa Sơn, Dân Hóa, Trọng Hóa, Thượng Hóa (Minh Hóa).
 
Qua điều tra, khảo sát bước đầu cho thấy, so với những năm trước đây, hiện tại, với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, về tảo hôn và hôn nhân cận huyết nói riêng, tại các xã nói trên, tình trạng này đang có xu hướng giảm dần.
 
Đối với hiện tượng tảo hôn, hiện vẫn còn diễn ra và một số người dân tìm cách “lách luật” bằng cách nam, nữ chưa đủ tuổi kết hôn nhưng vẫn chung sống và sinh con, khi đủ tuổi mới đưa nhau đi đăng ký kết hôn. Gặp những trường hợp này, cán bộ và chính quyền địa phương rất khó xử lý và nếu có xử lý thì cũng trong tình thế đã xảy ra hậu quả. Xử phạt theo pháp luật hay xử phạt vi phạm hành chính đều gặp phải những rào cản, nên tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số các địa phương nói trên vì thế vẫn diễn ra, trong đó có những trường hợp kết hôn khi chỉ mới 14 tuổi. Nhận thức của người dân về vấn đề này vẫn còn khá hạn chế nên có rất nhiều người không nhớ mình kết hôn năm bao nhiêu tuổi và có tảo hôn hay không.
  Người dân bản Chuối, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa tham gia hội nghị khảo sát về tảo hôn và hôn nhân cận huyết.
Người dân bản Chuối, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa tham gia hội nghị khảo sát về tảo hôn và hôn nhân cận huyết.
Về hôn nhân cận huyết, đa số người dân đã nhận thức được vấn đề này cùng những hậu quả của nó mặc dù họ chưa hiểu rõ hết quy định của pháp luật. Với sự hiểu biết này, bà con đã không chấp nhận các cuộc hôn nhân cận huyết. Tại bản Ón (xã Thượng Hóa, Minh Hóa), từ năm 2000 trở về trước, vẫn còn nhiều cuộc hôn nhân con cô-cậu, chú-bác nhưng từ sau năm 2000, tình trạng này cơ bản đã chấm dứt. Đây cũng là thực tế chung đáng phấn khởi tại các bản thuộc 4 xã trên địa bàn huyện Minh Hóa. Tuy nhiên tại bản Chuối (xã Lâm Hóa, Tuyên Hóa), tình trạng hôn nhân cận huyết trước đây khá phổ biến và đến thời điểm này vẫn còn xảy ra. Hiện ở đây vẫn còn trường hợp con cô-con cậu kết hôn.
 
Tham gia các hoạt động điều tra, khảo sát, bà con cũng chỉ ra một số nguyên nhân cơ bản của tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Đó là một số người trong cộng đồng không xác định được độ tuổi của chính mình; tình trạng yêu sớm, có thai nên bắt buộc phải cưới dù chưa đủ tuổi; do không nắm được quy định của pháp luật về tuổi kết hôn; sự hạn chế về quan hệ xã hội; thanh niên trưởng thành không có điều kiện thoát ly, chỉ sống quanh quẩn ở trong bản; do thiếu lao động, trình độ văn hóa, nhận thức hạn chế, kinh tế khó khăn… 
 
Từ những nguyên nhân đó, bà con cũng chỉ ra những hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết như ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ, gây ra gánh nặng cho những gia đình trẻ, trẻ sinh con bị dị tật bẩm sinh, chết sớm… Những hậu quả này là vô cùng nặng nề, tác động tiêu cực đến đời sống-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với việc chỉ ra được thực trạng, nguyên nhân, hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết, thông qua các cuộc khảo sát, người dân đã đề xuất được những giải pháp mà cơ quan chức năng và cộng đồng cần chung tay thực hiện để đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết.
 
Một trong những giải pháp quan trọng, đóng vai trò cốt lõi đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bà con hiểu rõ, nắm chắc các kiến thức về tảo hôn và hôn nhân cận huyết, các quy định về hôn nhân, gia đình, từ đó tự giác tuân thủ các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư nguồn vốn cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giúp bà con phát triển kinh tế, nâng cao dân trí, tăng khả năng kết nối giữa các cộng đồng dân cư, tạo dựng các mối quan hệ mới ngoài phạm vi bản, xã… Những thành viên trong gia đình như ông bà, bố mẹ, bên cạnh việc tự trang bị kiến thức cho mình, cần tăng cường chia sẻ, kết nối để nhắc nhở các con tránh tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết…
 
Với những kết quả đạt được qua công tác điều tra, khảo sát, tại các bản nói trên, các nhóm nòng cốt tham gia câu lạc bộ phụ nữ với Luật Hôn nhân và gia đình đã được thành lập nhằm mục đích đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trong cộng đồng. Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển cũng đã có các kiến nghị với cơ quan chức năng trong việc xây dựng các giải pháp truyền thông phù hợp, hỗ trợ, thúc đẩy người dân chủ động tiếp cận các thông tin về hôn nhân và gia đình. Quá trình triển khai cần có sự kết hợp giữa nhà trường-gia đình và cộng đồng trong giáo dục sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và trẻ thành niên; có các giải pháp phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng…
 
Việc triển khai hiệu quả các giải pháp này sẽ góp phần quan trọng để hạn chế, tiến tới đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, phát triển kinh tế-xã hội các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn nói chung.
 
Ngọc Mai