.

Hồ Vực Sanh kêu cứu

.
10:21, Thứ Sáu, 23/11/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Hồ Vực Sanh nằm trên địa bàn xã Hạ Trạch được ví như “bầu sữa mẹ” cung cấp nước sản xuất và sinh hoạt cho 2 xã Hạ Trạch, Mỹ Trạch (Bố Trạch). Tuy nhiên, do rất nhiều nguyên nhân, trữ lượng nước của hồ ngày càng giảm sút nghiêm trọng. Đặc biệt năm nay thời tiết diễn biến bất thường nên mực nước ở hồ Vực Sanh đang cạn kiệt dần.

Dân… khát nước

Đây là thực trạng đáng báo động đang xảy ra tại các khu dân cư thuộc 2 xã Hạ Trạch, Mỹ Trạch hưởng lợi từ nguồn nước hồ Vực Sanh cung cấp. Theo thông tin từ ông Lưu Văn Tác, Chủ tịch UBND xã Hạ Trạch cung cấp, chúng tôi trực tiếp về tìm hiểu tình hình thực tế tại 2 địa phương này.

Hồ Vực Sanh đang cạn kiệt nước.
Hồ Vực Sanh đang cạn kiệt nước.

Xã Hạ Trạch có 1.168 hộ, 4.686 khẩu, sinh sống tại 9 thôn, trong đó các thôn 1, 2, 5, 6, 7 nguồn nước bị nhiễm mặn, sử dụng nước sạch dẫn từ hồ Vực Sanh về. Các thôn 3, 4, 8, 9 ở địa bàn vùng gò đồi, sử dụng nước giếng nhiễm phèn và nước mưa. Năm 2018, vì hồ Vực Sanh cạn kiệt nên cũng chỉ đủ cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 400 hộ toàn xã.

Người dân Mỹ Trạch và Hạ Trạch chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Xã Hạ Trạch có 270 ha đất sản xuất, trong đó 240 ha đất trồng lúa. Đất sản xuất xã Mỹ Trạch khoảng 300 ha, trong đó 187 ha trồng lúa.

Chủ tịch UBND xã Mỹ Trạch Phan Văn Trung cho biết: “Những năm trước, nguồn nước hồ Vực Sanh ổn định, cung cấp đủ nước cho 100 ha lúa vụ đông- xuân và 50 ha lúa vụ hè- thu. Chuẩn bị bước vào vụ đông- xuân năm nay, nước hồ Vực Sanh chỉ có thể cung cấp cho khoảng 20 ha lúa.

UBND xã đang rất nan giải khi xây dựng kế hoạch sản xuất vụ đông- xuân, giải pháp đưa ra để vận động nhân dân là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển phần lớn diện tích canh tác lúa sang trồng ngô”.

"Với xã Hạ Trạch, diện tích 240 ha lúa những năm trước sản xuất vụ đông- xuân ổn định thì năm nay chỉ có thể gieo sạ khoảng 30 ha. Nếu thời tiết diễn biến bất thường như hiện tại, nguồn nước hồ Vực Sanh cạn kiệt, không biết có cấp nước đủ cho phần diện tích ít ỏi này không"- ông Lưu Văn Tác, Chủ tịch UBND xã Hạ Trạch lo lắng.

“Khát” nước trong sản xuất, nhân dân xã Hạ Trạch- nơi sử dụng nước sinh hoạt chủ yếu từ hồ Vực Sanh còn “khát” hơn. Đến thời điểm này, nước sạch đã bước vào giai đoạn bấp bênh, ngày có, ngày không. Giải pháp thay thế là tiết kiệm nguồn nước sạch hàng ngày, mua sắm thêm vật dụng hứng nước mưa. Nhưng năm nay nắng hạn kéo dài, mưa ít, nước mưa hứng cất trữ cũng chẳng đáng là bao.

Ông Lưu Thanh Hải ở thôn 9, nhà cách hồ Vực Sanh khoảng 150 mét cho biết: “Trước đây rừng tự nhiên phía đầu nguồn hồ Vực Sanh còn nhiều, nguồn nước rất trong lành và dồi dào. Từ khi dân trong xã Hạ Trạch chấp hành chủ trương Nhà nước trả lại đất cho Lâm trường rừng thông Bố Trạch quản lý, sử dụng, lâm trường tiến hành cày xới, trồng keo, tràm lên đó thì nguồn nước ngày càng kiệt dần.

Suối Khe Khế, một trong nguồn nước bổ sung cho hồ Vực Sanh cũng bị khô cạn do hai bên không còn rừng tự nhiên.
Suối Khe Khế, một trong nguồn nước bổ sung cho hồ Vực Sanh cũng bị khô cạn do hai bên không còn rừng tự nhiên.

Mặt khác, chu kỳ cây keo tràm trồng từ 5 đến 7 năm thì cho khai thác. Khi tiến hành khai thác, Lâm trường rừng thông Bố Trạch cho cạo trọc hết, ủi đường vận chuyển nham nhở. Khai thác xong họ đốt xử lý thực bì để trồng lại lứa rừng mới. Với cách trồng, khai thác keo, tràm như vậy ảnh hưởng lớn đến môi sinh, môi trường phía đầu nguồn hồ Vực Sanh, gây ô nhiễm nguồn nước mà nhân dân xã Hạ Trạch chúng tôi sử dụng hàng ngày”.

Hồ cạn kiệt

Theo chân ông Lưu Đức Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hạ Trạch, chúng tôi cắt rừng vào sâu phía đầu nguồn hồ Vực Sanh. Đi hết một quãng rừng tự nhiên mọc lúp xúp cây dại thì thấy hiện ra trước mặt là một vệt rừng dài đen xám áng chừng lên đến mấy chục ha đã bị đốt đi để trồng lại lứa keo, tràm mới.

Ông Dũng bảo: “Hồ Vực Sanh hình thành từ ba con suối Khe Khế, Khe Cụt và Khe Phúc Rò. Phía rừng nơi ba con suối chảy qua, rừng tự nhiên không còn nữa mà được Lâm trường rừng thông Bố Trạch thay thế bằng keo, tràm. Hiện tại các anh thấy rừng bị cạo trọc, ủi đường vận chuyển nham nhở… Chắc chắn đây là một trong những nguyên nhân chính làm nước hồ Vực Sanh cạn kiệt, ô nhiễm”- ông Dũng khẳng định.

Ở khu vực Đồi Bằng, bên trái suối Khe Khế, cả một ngọn đồi rộng bị đốt “sạch sành sanh”, Lâm trường rừng thông Bố Trạch đã trồng lại lứa keo, tràm mới, thân cây còn lúp xúp ngang bằng mặt đất đá lởm chởm. Trên đỉnh đồi hiện diện một chiếc máy múc lớn nhưng tuyệt nhiên không thấy một bóng người. Có chăng là vạt cây thông nhựa trên chục năm tuổi bị bén lửa, thân cây trơ trọi giữa nắng tháng mười khô thắt.

Với cách trồng, khai thác keo, tràm như chúng tôi được “mục sở thị” thì dư luận nhân dân 2 xã Mỹ Trạch, Hạ Trạch phản ánh là có cơ sở. Khi đất rừng bị cạo trọc, ba con suối chính dẫn nước về hồ Vực Sanh cạn dần. Lượng đất đá khổng lồ dọc các triền núi nếu xảy ra lũ lụt sẽ cuốn theo dòng nước ra bồi lắng lòng hồ Vực Sanh.

Tại khu vực Đồi Bằng, Lâm trường rừng thông Bố Trạch đã cho trồng mới keo, tràm trên nền đất rừng cháy rụi.
Tại khu vực Đồi Bằng, Lâm trường rừng thông Bố Trạch đã cho trồng mới keo, tràm trên nền đất rừng cháy rụi.

Trở lại UBND xã Hạ Trạch, Chủ tịch xã Lưu Văn Tác cho chúng tôi xem tờ trình số 13/TTr- UBND, ngày 12-3-2018, của UBND xã Hạ Trạch gửi UBND tỉnh và các ngành liên quan đề nghị thu hồi một phần diện tích đất lâm nghiệp giao lại cho người dân địa phương sản xuất, trong đó có nội dung: “Những năm 1980, xã Hạ Trạch vận động nhân dân trong xã giao lại đất rừng và các vùng đất ven khu dân cư có khả năng sản xuất lâm nghiệp cho Lâm trường rừng thông Bố Trạch…

Để có đất cho nhân dân sản xuất và hạn chế tình trạng xâm lấn đất lâm nghiệp giữa người dân Hạ Trạch và Lâm trường rừng thông Bố Trạch, đặc biệt là bảo vệ môi trường sinh thái khu vực rừng đầu nguồn hồ Vực Sanh là nguồn nước sạch cung cấp cho nhân dân trên địa bàn, UBND xã Hạ Trạch kiến nghị UBND tỉnh, Sở TN-MT, Công ty TNHH MTV LCN Long Đại, UBND huyện Bố Trạch và các ngành chức năng xem xét thu hồi 396,2 ha đất lâm nghiệp mà trước đây nhân dân Hạ Trạch giao cho Lâm trường rừng thông Bố Trạch để giao lại cho xã…”.

“Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, UBND xã Hạ Trạch vẫn chưa nhận được phản hồi về tờ trình trên từ các cấp chính quyền và các ngành chức năng. Vì diện tích 396,2 ha đất lâm nghiệp này phần lớn tập trung ở phía đầu nguồn hồ Vực Sanh, nên nếu chuyển giao cho xã, xã sẽ quy hoạch, phục hồi lại nguyên trạng rừng tự nhiên như trước đây nhằm bảo vệ nguồn nước hồ Vực Sanh- “bầu sữa mẹ” cho nhân dân hưởng lợi lâu dài”- Chủ tịch xã Hạ Trạch Lưu Văn Tác cho biết thêm.

Ngô Thanh Long

 

,