.

Chú trọng công tác dạy nghề cho thanh niên nông thôn

.
08:38, Thứ Năm, 22/11/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Thời gian qua, công tác dạy nghề cho thanh niên, nhất là thanh niên khu vực nông thôn ở tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn thanh niên.

Thực hiện chương trình dạy nghề cho thanh niên nông thôn, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn thường xuyên chỉ đạo các huyện, thị, thành đoàn, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên triển khai hoạt động tuyên truyền, tư vấn cho lao động về việc làm và học nghề. Qua đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên về công tác dạy nghề đã từng bước nâng lên.

Để tạo điều kiện tốt nhất cho thanh niên học nghề, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, nguồn nhân lực đáp ứng công tác đào tạo nghề. Đến nay, trung tâm có khu nhà làm việc chính 5 tầng, có 15 phòng học lý thuyết, 2 phòng học vi tính, 3 nhà xưởng thực hành gồm: xưởng hàn, may công nghiệp, điện và vườn ươm phục vụ chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng nấm, trồng hoa...

Hàng năm, trung tâm triển khai cho cán bộ về tại địa phương kết hợp với các tổ chức đoàn cơ sở và chính quyền, Hội Nông dân để nắm bắt thông tin về số lượng lao động, đánh giá tiềm năng sản xuất, khảo sát nhu cầu và điều kiện để mở lớp dạy nghề, hướng dẫn lao động có nhu cầu trong độ tuổi qui định.

Nhiều thanh niên sau khi được đào tạo nghề đã có việc làm.
Nhiều thanh niên sau khi được đào tạo nghề đã có việc làm.

Với công tác chuẩn bị tốt, trong 5 năm qua (2012-2017), Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên tổ chức được 12 đợt dạy nghề gồm: nghề may công nghiệp, kỹ thuật trồng nấm, hàn điện cho 1.018 lao động là thanh niên nông thôn, tỷ lệ trung bình số người sau đào tạo có việc làm lên đến hơn 90%.

Năm 2018, trung tâm và các huyện, thị, thành đoàn đã phối hợp tổ chức 8 lớp tư vấn hướng nghiệp, lựa chọn nghề cho 8.930 học sinh thuộc các huyện Lệ Thủy, Đồng Hới, Quảng Ninh, Ba Đồn, Quảng Trạch và Tuyên Hóa.

Đồng thời, trung tâm tư vấn việc làm, học nghề cho 6.820 thanh niên; cung ứng, giới thiệu được 1.966 lượt lao động cho các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp xuất khẩu lao động; tuyển sinh được 102 học sinh đăng ký tham gia chương trình du học vừa học vừa làm tại các nước Hàn Quốc, Nhật Bản; tổ chức 9 lớp đào tạo ngoại ngữ cho 152 học sinh và 2 lớp kỹ năng khác cho 226 học viên…

Nhiều học viên học nghề xong được các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh phối hợp với các ngân hàng để hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất. Đến nay, toàn tỉnh có 227 tổ tiết kiệm và vay vốn do Đoàn Thanh niên quản lý với số tiền trên 294 tỷ đồng, cho 8.295 hộ gia đình vay.

Bên cạnh đó, nguồn vốn 120 kênh Trung ương Đoàn đạt 2.472 tỷ đồng với 22 dự án cho vay, giải quyết việc làm cho 200 lao động. Nguồn vốn đã giúp nhiều thanh niên có điều kiện mở các mô hình sản xuất, kinh doanh, phát triển làng nghề...

Anh Đinh Minh Luân, ở thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa chia sẻ: “Được chi đoàn giới thiệu nên tôi đi học nghề cơ khí rồi mở xưởng. Công việc tuy vất vả nhưng cũng mang lại cho tôi thu nhập mỗi tháng trên 10 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 lao động”.

Trước đây, anh Luân không có việc làm ổn định nên phải đi làm thuê khắp nơi. Nhưng từ khi có nghề, anh đã mạnh dạn vay vốn, mở xưởng cơ khí tại nhà, đi làm các công trình tại địa phương và có thu nhập ổn định.

Để có vốn làm ăn, anh Nguyễn Thái Học, ở xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch đến Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên xin tư vấn, hướng dẫn xuất khẩu lao động. Tại đây, anh đã được đào tạo ngoại ngữ và những kỹ năng cơ bản trước khi sang Hàn Quốc. Qua 5 năm lao động, anh đã tích luỹ được số tiền gần 2 tỷ đồng.

Trở về địa phương, anh góp vốn để làm du lịch cộng đồng bằng việc xây dựng khu nghỉ dưỡng với số tiền trên 4 tỷ đồng. Theo thiết kế, khu nghỉ dưỡng của anh có 16 phòng nghỉ, một bể bơi, một nhà hàng cao cấp trên diện tích 1.080m2 và sẽ dự kiến đi vào hoạt động trước tháng 5-2019.

Sau khi đi vào hoạt động, dự kiến khu nghỉ dưỡng này sẽ giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương. Anh Học tâm sự: “Nhờ được đào tạo nghề và xuất khẩu lao động, tôi mới có cuộc sống như ngày hôm nay. Theo tôi, các bạn trẻ cần vốn, kinh nghiệm sống cho sau này thì nên mạnh dạn xuất khẩu lao động sang các nước phát triển”.

Mới đây, trong cuộc đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với thanh niên, đồng chí Nguyễn Tiến Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan cũng đã khẳng định: Việc đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn đã được tỉnh thường xuyên quan tâm.

Hiện các trung tâm đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh thường xuyên tiếp nhận các đối tượng lao động, trong đó, phần lớn là thanh niên vào đào tạo tại các cơ sở. Những người được đào tạo cơ bản có việc làm ổn định hoặc tự mở các cơ sở sản xuất, mô hình, trang trại tại gia đình. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn, trong đó tập trung vào các nghề phi nông nghiệp, như: du lịch, dịch vụ, nấu ăn, may mặc…

Hiện, tỉnh ta có rất nhiều làng nghề, vì vậy, tỉnh sẽ có chủ trương đào tạo nghề tại chỗ cho thanh niên nông thôn để bổ sung nguồn lao động cho các làng nghề. Qua đó, góp phần tạo ra các sản phẩm đặc thù của từng địa phương, vùng, miền gắn với hoạt động du lịch cũng như khôi phục và phát triển kinh tế xã hội.

Xuân Vương
 

,