.

Bảo đảm an toàn tàu cá trong mùa mưa bão

.
14:09, Thứ Hai, 01/10/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Trước khi bước vào mùa mưa bão, các ngành chức năng và chính quyền địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân để bảo đảm an toàn hoạt động đánh bắt trên biển và xử lý các tình huống thiên tai, khẩn cấp…

Quảng Bình hiện có gần 8.200 tàu cá khai thác trên biển và các cửa sông, trong đó, tàu cá khai thác xa bờ từ 90CV trở lên gần 1.500 chiếc; ngoài ra, hàng năm, lượng tàu cá ngoại tỉnh vào khai thác tại hải phận tỉnh ta khá lớn.

Thực tế cho thấy, ngoài yếu tố thiên nhiên, mưa bão, phần lớn những tai nạn xảy ra trên biển đối với tàu cá đều liên quan đến yếu tố chủ quan của ngư dân, như: không trang bị đầy đủ các trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn theo quy định và ý thức an toàn lao động sản xuất trên biển không cao; tàu bị chìm đắm do các cửa, nắp hầm tàu thuyền không kín, dẫn đến nước tràn vào các khoang khi gặp sóng to, gió lớn; tàu bị hư hỏng máy, hệ trục do sử dụng máy cũ làm máy chính trên tàu, hoặc người sử dụng không thực hiện nghiêm túc các quy trình sử dụng máy tàu; tàu bị đâm, va chạm do không có các trang thiết bị tín hiệu (đèn, còi), trang thiết bị hàng hải hoặc không có người cảnh giới khi hành trình cũng như khi neo đậu; tàu bị va đập do neo đậu không đúng kỹ thuật; người rơi xuống nước khi làm việc và sinh hoạt do bất cẩn của thuyền viên...

Lực lượng chức năng tham hỗ trợ tàu thuyền trên biển.
Lực lượng chức năng tham hỗ trợ tàu thuyền trên biển.

Trước thực trạng đó, các ngành chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm quản lý tàu cá và an toàn tàu cá, đặc biệt là vào mùa mưa bão. Ngay trước mùa mưa bão, Sở Nông nghiệp và  PTNT luôn hướng dẫn, phổ biến về quy định neo đậu, tránh trú bão an toàn cho tàu thuyền; đồng thời, xây dựng phương án phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn nghề cá.

Ngay khi có thông tin về thời tiết cực đoan, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với lực lượng biên phòng thông tin nhanh cho ngư dân, hướng dẫn, vận động ngư dân đưa tàu thuyền vào khu trú tránh bão, các khu vực có dòng chảy yếu, kín gió để trú ẩn, neo buộc đúng kỹ thuật; chủ động lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn ngư dân, nhờ đó, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất.

Theo ông Hoàng Viết Thông, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, để công tác cứu hộ, cứu nạn đạt kết quả cao, Trạm bờ đã thực hiện tốt hoạt động thông tin liên lạc với tàu cá trên biển.

Đặc biệt, vào thời điểm mưa bão, thông tin thời tiết, thông tin an toàn tàu cá trên biển... luôn được cập nhật, trao đổi thường xuyên hàng ngày theo 2 khung giờ 9h và 15h, nhất là thông tin tình hình tai nạn trên biển, nhờ vậy, việc chỉ đạo tàu cá gần khu vực hỗ trợ ứng cứu đạt hiệu quả.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, các trường hợp tai nạn trên biển đã giảm so với cùng kỳ, chỉ xảy ra 5 trường hợp tai nạn tàu cá, trong đó: 1 tàu bị tài hàng đâm chìm, 1 tàu bị chìm trên sông do không đóng van nước và 3 tai nạn thuyền viên bị chết và mất tích trên biển.

Để bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần, ngoài việc thực hiện đúng các quy định bắt buộc của Nhà nước về công tác an toàn cho người và tàu cá (Nghị định số 66/2005/NĐ-CP ngày 19-5-2005 của chính phủ và các văn bản liên quan), các ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ngư dân và các chủ tàu hiểu rõ lợi ích, tầm quan trọng và nghĩa vụ đối với việc trang bị đầy đủ các trang thiết bị an toàn cho người và phương tiện tàu cá; tăng cường công tác kiểm tra và xử lý việc chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn cho người và tàu cá của ngư dân; tiếp tục hướng dẫn ngư dân thành lập các tổ, đội sản xuất trên biển theo ngành nghề và khu vực đánh bắt hải sản; xây dựng phương án tổ chức cứu hộ, cứu nạn trên biển khi có bão, lũ, tai nạn xảy ra.

Bên cạnh đó, ngành chức năng và địa phương cần chú trọng công tác giáo dục nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ trên biển. Đối với bản thân ngư dân thì khi có tin báo bão, thuyền trưởng phải xác định ngay vị trí của tàu so với vùng nguy hiểm của bão, theo dõi thường xuyên hướng di chuyển, tốc độ di chuyển của bão, để quyết định hướng tàu thoát ra vùng nguy hiểm về nơi trú đậu an toàn gần nhất. Để bảo đảm việc phát thông tin cấp cứu khẩn cấp khi tàu gặp sự cố, các tàu phải trang bị 1 máy thu phát tầm xa. Khi tàu bị nạn các tàu cá phải thông tin ngay cho các Đài thông tin duyên hải và các tàu khác biết để được giúp đỡ.

Hiền Phương
 

,