.

An toàn lao động tại các mỏ đá: Tiềm ẩn nhiều nguy cơ-Bài 2: Bất cập trong công tác quản lý khai thác

.
09:33, Thứ Bảy, 29/09/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Không chỉ ý thức của doanh nghiệp, người lao động chưa cao, mà chính những bất cập trong công tác quản lý nhà nước hiện nay mới là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến các nguy cơ mất an toàn lao động (ATLĐ) tại các mỏ khai thác đá!

Trên địa bàn tỉnh ta hiện có 38 đơn vị, doanh nghiệp được cấp phép khai thác đá. Tuy nhiên, theo ông Đoàn Xuân Toản, Chánh Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, số mỏ đá hội đủ các yếu tố, điều kiện bảo đảm ATLĐ chỉ đếm trên đầu ngón tay.

So với các lĩnh vực khai thác khoáng sản khác, khai thác đá là lĩnh vực có nguy cơ rủi ro về tai nạn lao động cao nhất. Tại các mỏ khai thác đá trên địa bàn tỉnh hàng năm đều có người tử vong do tai nạn lao động (TNLĐ).

Từ năm 2014 đến nay, tại các mỏ khai thác đá trên địa bàn tỉnh xảy ra 8 vụ TNLĐ, khiến 6 người tử vong. Ngoài các yếu tố khách quan, nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp khai thác đá chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác bảo đảm ATLĐ. Người lao động làm việc tại các mỏ đá chủ yếu làm theo thời vụ, không ổn định, nên chưa được đào tạo bài bản và ý thức chấp hành các quy định về ATLĐ vẫn chưa cao.

“Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát vẫn chưa đạt yêu cầu vì lực lượng mỏng. Chỉ nói riêng về bộ phận khoan đá nhồi thuốc nổ mìn (bộ phận dễ xảy ra TNLĐ nhất), mặc dù Đoàn Thanh tra đã trực tiếp đến tại công trường khai thác để kiểm tra, thế nhưng cũng khó nhận biết được họ có tuân thủ đầy đủ các điều kiện bảo đảm ATLĐ hay không? Bởi, chúng tôi không thể trèo lên các vách núi để trực tiếp kiểm tra họ được.

Khai thác đá tại các mỏ đá ở xã Trường Xuân (Quảng Ninh) luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATLĐ.
Khai thác đá tại các mỏ đá ở xã Trường Xuân (Quảng Ninh) luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATLĐ.

Một số vụ TNLĐ xảy ra nhưng lực lượng chức năng vẫn không thể tiếp cận được khu vực xảy ra tai nạn vì vị trí tai nạn ở quá cao và quá hiểm trở. Do đó, vấn đề bảo đảm ATLĐ chỉ còn trông chờ vào ý thức của doanh nghiệp và người lao động”, ông Đoàn Xuân Toản cho biết.

Cũng theo Chánh Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, các quy định về bảo đảm ATLĐ trong khai thác mỏ rất chặt chẽ, nhưng thực tế các doanh nghiệp không tuân thủ đúng quy định, hoặc chỉ thực hiện được một phần. Hiện đang có một khoảng cách lớn giữa việc cấp phép và quản lý, giám sát hoạt động khai thác. Nhiều mỏ chưa đủ điều kiện về ATLĐ, diện tích khai thác nhưng vẫn được khai thác.

>> Bài 1: Tai nạn luôn rình rập

Còn theo một cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường thì, kỹ thuật và phương pháp khai thác mỏ của các doanh nghiệp hiện nay cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các nguy cơ mất ATLĐ.

Thay vì khai thác theo phương pháp cắt tầng, tạo vỉa, bạt ta-luy và bóc lớp đất phủ bì, thì hầu hết các doanh nghiệp đều khai thác theo kiểu khoan nhồi nổ mìn vào mái sườn đồi để lấy đá. Phải chăng việc khai thác đá như hiện nay sẽ đỡ tốn kém chi phí cho doanh nghiệp hơn, vì không phải thực hiện việc bóc lớp đất phủ bì, bạt ta-luy, tạo vỉa? Thế nhưng, cách làm đó dễ dẫn đến nguy cơ mất ATLĐ!

Vị cán bộ này cho biết, quy trình khai thác “bổ dọc” thay vì “cắt ngang” như hiện nay hoàn toàn không đúng với quy định khai thác đá. Điều này dẫn đến nguy cơ TNLĐ rất cao. Nếu xử lý đúng theo các quy định, hầu hết các mỏ đá được cấp phép hiện nay đều vi phạm. Và nếu thẳng tay xử lý thì các mỏ khai thác đá này đều bị đóng cửa.

Tuy nhiên, cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho các doanh nghiệp, mà tồn tại, bất cập này có nguyên nhân từ công tác cấp phép và quản lý khai thác. Đó là diện tích, quy mô cấp phép khai thác của các mỏ đá hiện nay còn quá nhỏ lẻ, có khu vực mỏ được cấp phép cho 3 doanh nghiệp cùng khai thác. Vì vậy, nguy cơ mất ATLĐ lại càng cao.

Còn ông Trương Viết Cư, Trưởng phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho lại phân tích: Phần lớn các mỏ khai thác đá trên địa bàn tỉnh đều được cấp phép từ lâu, nên có việc chia nhỏ các mỏ đá để cấp phép, vì vậy diện tích cấp phép không lớn. Từ năm 2010, khi Luật Khoáng sản ra đời, không còn tình trạng cấp phép cho nhiều doanh nghiệp, đơn vị khai thác trong một khu vực mỏ.

Tuy nhiên, nếu nói mất ATLĐ do cấp phép quy mô, diện tích nhỏ để biện minh cho doanh nghiệp không tuân thủ quy trình khai thác an toàn là không đúng. Bởi, đối với các diện tích mỏ nhỏ vẫn có thể thực hiện các phương pháp khai thác an toàn, nếu doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc hồ sơ kỹ thuật khai thác đã được thẩm định trước khi cấp phép.

Theo quy định, các doanh nghiệp muốn được cấp phép phải có hồ sơ thiết kế khai thác và được Sở Công thương thẩm định. Sở Công thương cũng là cơ quan thực hiện công tác kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác của doanh nghiệp có đúng với quy trình kỹ thuật hay không! Còn cấp phép khai thác với quy mô lớn, thì hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay không đủ tiềm lực để thực hiện.

Ông Nguyễn Đình Chiến, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn và môi trường (Sở Công thương) cho rằng, với các mỏ có quy mô nhỏ (tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng), hồ sơ thiết kế kỹ thuật khai thác mỏ đều do chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn lập nên.

Sau khi có ý kiến cho phép của các cơ quan chức năng (Sở Xây dựng hoặc Sở Công thương), chủ đầu tư sẽ tự ra quyết định phê duyệt. Qua công tác kiểm tra, Sở cũng đã tiến hành nhắc nhở, thế nhưng doanh nghiệp lại đưa ra lý do này nọ để biện minh cho quy trình khai thác chưa đúng quy định.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNLĐ tại các mỏ đá đã được các cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp nhận thấy. Tuy nhiên, chừng nào khoảng cách giữa các quy định và thực tế đang diễn ra tại các mỏ khai thác đá được lấp đầy, được chấn chỉnh một cách nghiêm túc thì chừng đó những hạn chế, tồn tại mới được khắc phục.

Còn nếu tiếp tục chấp nhận những rủi ro đó như một nguyên nhân khách quan, thì không ai khác ngoài người lao động sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do nó mang lại (?!).

Ngọc Hải-Công Hợp

 

,