.

An toàn lao động tại các mỏ đá: Tiềm ẩn nhiều nguy cơ-Bài 1: Tai nạn luôn rình rập

.
09:33, Thứ Sáu, 28/09/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Tỉnh ta hiện có hàng chục mỏ khai thác đá, đây được xem là nguồn tài nguyên thiên nhiên có giá trị lớn, không chỉ đáp ứng về nhu cầu vật liệu xây dựng cho các công trình và nguyên liệu sản xuất xi măng mà còn góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động tại các địa phương. Tuy nhiên, thực tế đây cũng là lĩnh vực tiềm ẩn  nhiều nguy cơ tai nạn lao động (TNLĐ).

Những năm gần đây, khi nhu cầu xây dựng ngày càng lớn thì khai thác đá đã và đang là lĩnh vực “nóng” mang lại lợi nhuận khá cao, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, công tác bảo đảm an toàn lao động (ATLĐ) tại các mỏ khai thác đá trên địa bàn tỉnh ta vẫn đang ở mức báo động.

Công nhân khai thác đá đang khoan, đặt mìn để phá đá trên vách núi.
Công nhân khai thác đá đang khoan, đặt mìn để phá đá trên vách núi.

Mới đây, vào ngày 11-8-2018, một vụ tại nạn lao động liên quan đến lĩnh vực khai thác đá xảy ra tại mỏ đá Rào Trù, xã Trường Xuân (Quảng Ninh) của Xí nghiệp Thế Thịnh 7 (Công ty TNHH Thế Thịnh) khiến một công nhân khai thác đá tử vong tại chỗ. Nạn nhân là anh Lê Văn Th. (SN 1985, trú ở thôn Rào Trù, xã Trường Xuân, Quảng Ninh).

Tại thời điểm bị tai nạn, khi anh Th. vốn là thợ khoan mỏ đá đang trèo lên vách núi để khoan nhồi thuốc nổ mìn. Được biết, trong quá trình làm việc anh Th. không được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động nên đã xảy ra hậu quả thương tâm trên.

Trước đó, ngày 27-2-2018, cũng tại mỏ đá Rào Trù (xã Trường Xuân), ông Võ Đức H. (45 tuổi, ở xã An Ninh, huyện Quảng Ninh) đang trèo lên lèn đá cao khoảng 50m để khoan nhồi thuốc nổ mìn, thì dây bảo hiểm bị đứt. Vụ việc khiến ông H. rơi xuống chân núi và tử vong tại chỗ.  

Đó chỉ là 2 trường hợp mới nhất liên quan đến ATLĐ tại các mỏ đá xảy ra trên địa bàn tỉnh ta mà nguyên nhân chủ yếu là do người sử dụng lao động, người lao động không thực hiện nghiêm những quy định về an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Để nắm bắt và có cái nhìn thật toàn diện về việc bảo đảm ATLĐ tại các mỏ đá, chúng tôi đã dành nhiều thời gian đi thực tế tại mỏ khai thác đá ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Qua trao đổi với lãnh đạo một số doanh nghiệp, điều đáng mừng nhất tại các mỏ khai thác đá là tất cả các doanh nghiệp đều có đầy đủ hồ sơ pháp lý cần thiết như: giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, báo cáo đánh giá tác động môi trường...

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đều chú trọng công tác an toàn, vệ sinh lao động; phân công người chỉ huy nổ mìn; khai thác đá; trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động và các máy móc thiết bị phục vụ cho hoạt động khai thác đá...

Xã Trường Xuân (Quảng Ninh) là khu vực có số lượng mỏ đá đang được khai thác khá lớn của tỉnh. Nơi đây có khoảng hơn 5 mỏ đá đang được khai thác. Tại Xí nghiệp Thế Thịnh 7 (Công ty TNHH Thế Thịnh) đơn vị chuyên sản xuất, khai thác đá, theo như quan sát của chúng tôi, trong khi máy xay đá vẫn chạy ầm ầm, xe ô tô ra vào vận chuyển đá bụi bay mù mịt, thì một số công nhân vẫn đang  hì hục khoan, đặt mìn để phá đá trên vách núi.

Nguy hiểm hơn là việc trang bị bảo hộ lao động cho nhóm công nhân này gần như không có gì, ngoài vài sợi dây thừng. Xin lưu ý, trong năm 2018, cũng tại mỏ đá của Xí nghiệp Thế Thịnh 7 này đã liên tiếp xảy ra 2 vụ tại nạn, khiến 2 công nhân khoan đá tử vong.

Chúng tôi đã cố gắng liên hệ và hẹn lịch làm việc với lãnh đạo của xí nghiệp này để tìm hiểu quy trình về ATLĐ, thế nhưng những người có trách nhiệm ở đây vẫn thoái thác, từ chối làm việc với nhiều lý do khác nhau.

 Mỏ đá của Xí nghiệp Thế Thịnh 7 nơi xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động đáng tiếc.
Mỏ đá của Xí nghiệp Thế Thịnh 7 nơi xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động đáng tiếc.

Hoạt động trong lĩnh vực khai thác đá nhiều năm qua, ông Ngô Hữu Phước, Giám đốc Công ty TNHH Bình Phước (có địa chỉ tại xã Ngân Thủy, Lệ Thủy) cho biết: “Công ty luôn tuân thủ các quy định về ATLĐ. Người lao động không chỉ được trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ lao động, mà hàng năm đều được tham gia các lớp tập huấn lao động.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà công ty phó thác hoàn toàn cho công nhân, trước khi ra công trường, chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở người lao động thực hiện nghiêm các quy định về ATLĐ. Bởi, đây chính là an toàn tính mạng của người lao động và cũng là quyền lợi sát sườn của công ty. Không ai muốn rủi ro xảy ra với công ty và người lao động của mình cả”.

Tuy nhiên, cũng theo giám đốc doanh nghiệp này, khai thác đá là lĩnh vực có nhiều rủi ro và nguy hiểm, đặc biệt là bộ phận khoan đá nhồi thuốc nổ mìn. Chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến tai nạn chết người.

Chính vì vậy, những năm trở lại đây, công ty tuyển dụng công nhân ở bộ phận này rất chặt chẽ. Không chỉ yêu cầu về trình độ kỹ thuật, kinh nghiệm mà còn đòi hỏi nhân thân, lý lịch rõ ràng, có kỷ luật cao…

Có thể nói rằng, thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, hoạt động khai thác khoáng sản đã từng bước đi vào nền nếp. Các doanh nghiệp và người lao động đã có ý thức hơn trong việc bảo đảm ATLĐ. Thế nhưng, vì nhiều lý do khác nhau, nỗi lo về tai nạn lao động xảy ra ở các doanh nghiệp khai thác đá vẫn luôn thường trực…

Ngọc Hải-Công Hợp

Bài 2: Bất cập trong công tác quản lý khai thác
 

,