Đất lửa Quảng Bình trong kháng chiến chống Mỹ-Một cách tiếp cận khác

  • 07:27 | Thứ Ba, 27/06/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 2020, TS. Mai Xuân Toàn biên soạn và xuất bản cuốn sách lịch sử “Đất lửa Quảng Bình trong kháng chiến chống Mỹ”. Nhan đề cuốn sách cho thấy tác giả sẽ viết về một vấn đề không mới. Những tưởng như thế thì tác phẩm sẽ chẳng có gì hấp dẫn. Bởi, đề tài này đã được tỉnh Quảng Bình, các đơn vị, địa phương và một số tác giả khai thác ở nhiều góc độ khác nhau. Thế nhưng, tôi đã thực sự bất ngờ bởi cách diễn đạt rất khác của TS. Mai Xuân Toàn.
 
Bố cục sách “Đất lửa Quảng Bình trong kháng chiến chống Mỹ” mới mẻ, hấp dẫn và dễ tiếp cận, gồm 345 trang, với 7 nội dung chính hết sức rành mạch: Nguồn lực thiên nhiên và cội nguồn lịch sử văn hóa; Đối mặt với các thủ đoạn chiến tranh của đế quốc Mỹ; Sáng suốt trong tư duy chiến lược; Kịp thời chuyển hướng mọi hoạt động kinh tế-xã hội sang thời chiến; Phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân đánh thắng chiến tranh tổng lực của đế quốc Mỹ; Huy động mọi nguồn lực bảo đảm giao thông vận tải chi viên chiến trường; Giá trị cốt lõi và chiêm nghiệm.
 
Rõ ràng tác giả đã tự đặt mình vào thế khó khi chọn viết về một đề tài mà trước đó nhiều tổ chức, cá nhân đã làm. Thoạt tiên sẽ có người nghĩ rằng viết về lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quê hương Quảng Bình quá đơn giản. Bởi nguồn dữ liệu, tư liệu đã có rất nhiều, chỉ cần khai thác, sưu tầm và tập hợp lại là xong. Nhưng, như vậy thì thành công của người viết chỉ là có thêm một đầu sách đặt lên giá, số người đọc nó sẽ rất ít nếu không nói rằng chỉ những ai khi cần tra cứu, tìm hiểu tư liệu mới quan tâm.
 
TS. Mai Xuân Toàn (SN 1971, quê quán xã Mai Hóa, Tuyên Hóa), hiện là Phó Giám đốc Sở Nội vụ.

Chắc hẳn tác giả Mai Xuân Toàn rất rõ điều đó, còn tôi thì nghĩ mục đích của anh không chỉ dừng lại ở việc có một đầu sách. Anh đã làm theo cách khác, không xây dựng cuốn sách theo chiều dọc thời gian, biên niên sử tuyến tính, sự vận động, phát triển của các sự kiện, hiện tượng lịch sử diễn ra đến đâu thì ghi lại đến đó, cũng không biên soạn trên cơ sở chú trọng đến những quan điểm, đường lối cách mạng của Đảng bộ tỉnh lúc bấy giờ và những hoạt động nhằm thực hiện những quan điểm, đường lối chỉ đạo đó một cách cứng nhắc.

Anh đã đặt mình vào hệ quy chiếu riêng biệt để tập hợp, đánh giá tình hình và diễn biến quá trình lịch sử theo các nhóm nội dung cụ thể, song hành. Phương pháp tiếp cận này giúp người đọc dễ dàng nhìn thấy bức tranh toàn cảnh của quê hương Quảng Bình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Theo tôi, anh đã thành công khi mang lịch sử đến với người đọc một cách cụ thể, rõ ràng, đầy đủ, súc tích và khách quan. Anh đã có quá trình nghiên cứu độc lập về tiến triển và đặc điểm của mỗi sự kiện, hiện tượng lịch sử diễn ra trong suốt thời kỳ Quảng Bình kháng chiến chống Mỹ cứu nước trước khi xây dựng bố cục cuốn sách. Người đọc không phải quá căng thẳng như khi đọc các sách lịch sử viết theo phương pháp truyền thống. Sách của anh đơn giản, dễ hiểu, anh không mong cầu nói về điều gì lớn lao, xa cách mà chỉ tập trung trả lời cho một vấn đề đúng như nhan đề cuốn sách anh chọn “Đất lửa Quảng Bình trong kháng chiến chống Mỹ”.
 
Những con số, sự kiện, nhận định trong sách không lạnh lùng, chằng chịt mà đã được Mai Xuân Toàn diễn đạt sinh động, mềm mại, dễ tiếp cận. Khi viết sách, anh đã đạt mục tiêu của mình là: “… Phản ánh bức tranh toàn cảnh về cơ sở hình thành và phát triển, diễn biến chính của chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, được vận dụng một cách sáng tạo trên địa bàn Quảng Bình. Từ đó, cuốn sách góp phần khẳng định Quảng Bình xứng đáng với vị trí tuyến đầu của miền Bắc trong cuộc đối đầu với đế quốc Mỹ xâm lược…”.
 
Tôi đã đọc sách của Toàn trong tâm thế hết sức thoải mái và thú vị, cũng về những điều ít nhiều mình đã biết nhưng không “Biết rồi, khổ lắm nói mãi!”. Bởi, tôi được đặt vào một vị trí mới khi nhìn lại lịch sử, chủ động tìm hiểu chứ không bị cuốn theo. Anh không chép sử, viết sử mà kể chuyện sử theo cách giản dị nhất. Cuốn sách giúp ta nhìn cận cảnh, cụ thể về thời kỳ bi tráng-hào hùng của quê hương, từ đó yêu thương hơn mảnh đất Quảng Bình gió Lào, cát trắng, can trường và anh dũng. Với tôi, đó là một tư liệu khoa giáo rất hiệu quả cho thế hệ trẻ.  
Trương Thu Hiền

tin liên quan

Thành phố Đồng Hới đoạt giải nhất toàn đoàn

(QBĐT) - Tối 24/6, tại nhà văn hoá (cũ) đường Hùng Vương (TP. Đồng Hới), Sở Văn hóa-Thể thao tổ chức bế mạc Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc tỉnh Quảng Bình lần thứ II năm 2023. 

Thi sáng tác kịch bản phim kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng

Cục Điện ảnh phối hợp Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức cuộc thi "Sáng tác kịch bản phim truyện, phim tài liệu năm 2023-2024 hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2030)".

Thao thức nồng hương biển

(QBĐT) - Đọc hết tập truyện và ký "Thao thức biển" (Nguyễn Tiến Nên, NXB Hội Nhà văn),bỗng nhớ đến câu thơ của nhà thơ Xuân Hoàng: "Gió nồm đưa hơi biển mặn mòi…".