Một thế giới biết ơn

  • 08:27 | Chủ Nhật, 16/04/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cầm tập thơ nhỏ nhắn “Đừng kể công cho mẹ”, Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2021, của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý trên tay, với chỉ 33 bài thơ, tôi đọc liền mạch, đầy vơi cảm xúc. Thế nhưng để viết một điều gì đó thì thật khó. Bởi chính trong bài tựa của mình, tác giả đã cho người đọc đi hết mọi hình dung, cảm độ.
 
Có một điều may mắn là, tôi được anh tặng tập thơ trong những ngày tháng tư. Tháng tư, cho chúng ta cảm xúc thăng hoa núi sông liền một dải. Nhưng tháng tư cũng nhắc ta những đớn đau, mất mát, nhất là những nạn nhân trực tiếp của chiến tranh như tôi và anh. Nỗi đau mất người thân “như diều đớp gà con”, bởi đạn bom Mỹ, tôi mất cả gia đình bà ngoại, Nguyễn Hữu Quý mất mẹ khi còn thơ ấu. Có lẽ vì vậy mà sự đồng cảm khi đọc tập thơ được nhân lên gấp bội.
 
Sự ám ảnh của đứa trẻ 12 tuổi, mất mẹ trong chớp mắt đã đi suốt cuộc đời nhà thơ. Một người mẹ ra đi khi tuổi đời đẹp nhất, mới vừa 33 tuổi, “mẹ đi không hết/con đường vào ngõ nhà mình”. Con số 33 bài thơ trong tập, là tuổi đời dừng lại của mẹ, đã nhắc anh, nhắc chúng ta về nỗi đau chiến tranh và ước mong không bao giờ lặp lại.
Bìa tập thơ
Bìa tập thơ "Đừng kể công cho mẹ".

 

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý sinh ra tại làng Thanh Khê, nay là xã Thanh Trạch (Bố Trạch). Một miền quê nằm bên cửa Gianh, nghèo khó đến nỗi trăng lên soi từng vú cát. Năm 1974, Nguyễn Hữu Quý xếp bút nghiên theo tiếng gọi của Tổ quốc, gia nhập Binh đoàn Trường Sơn. Từ những ngày tháng chiến tranh ác liệt đó, cũng như sau này trở thành đại tá, Trưởng ban thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội, đã tạo nên một Nguyễn Hữu Quý luôn đau đáu về cái chết, về số phận chung con người.

Tập thơ “Đừng kể công cho mẹ”, tuy “dành riêng” cho mẫu thân, nhưng bao hàm vẫn là những điều nêu trên. Tuy nhiên, khi nghĩ về cái chết, về số phận chung con người, tôi nhận ra một Nguyễn Hữu Quý luôn mang ý thức của người biết ơn. Đúng như anh thổ lộ trong lời tựa: “Tôi thích sống trong một thế giới biết ơn”.
 
Tình mẹ, đã tạo nên “một thế giới biết ơn”
 
Tình mẹ bao la như biển Thái Bình..”, tuy nhiên, sự biết ơn mẹ của Nguyễn Hữu Quý đã vượt qua mọi thường tình, đó là biết ơn nhưng xin “Đừng kể công cho mẹ”. Anh ý thức tình mẹ vừa lớn lao trong đớn đau nhưng vừa giản dị trong yêu thương:
 “…mẹ như cánh đồng chìm cuối dòng sông
có bông lúa vớt lên từ đỉnh lũ...”.
 
Một người mẹ không chỉ lo cho con lúc còn sống, khi “Nhà dột cơn mưa… giọt khuya nào lỡ làm mẹ ướt”, mà vẫn còn lo cho con khi linh hồn đã hóa mây, để “Năm mươi năm sau về lại giữa chiêm bao/mẹ vẫn chưa kịp thay áo”. Tôi nhận ra ý của anh, biết ơn mẹ, ta hãy làm những điều gì đó tốt nhất cho xã hội, con người.
 
Con đường dẫn dắt Nguyễn Hữu Quý đến với thành công “trong việc phục sinh quá khứ, một quá khứ đáng mơ ước, đáng trân trọng, đáng gìn giữ mang tên hòa bình” chính như anh thú nhận: “Thơ đã giúp tôi làm được điều đó, ngôn ngữ mẹ đẻ đã giúp tôi làm được điều đó” (Lời tựa). Nhưng thơ và ngôn ngữ mẹ đẻ từ đâu ra:
“… Là mẹ đấy chẳng hùng hồn diễn thuyết
túi ba gang đựng cau chát, trầu cay
ru bát ngát bằng nhấp nhô Tiếng Việt
bát ngát ngủ rồi mẹ buộc gió vào cây”.
(Con nghĩ về mẹ)
Thế đấy, người ta hay viết, bát ngát lời ru, bát ngát là tính từ, còn “bát ngát” của Nguyễn Hữu Quý không chỉ là tính từ mà còn là danh từ: “bát ngát ngủ rồi”. Tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ đã cho anh những câu thơ hay đến lạ!
 
Biết ơn mẹ, phải nghe lời mẹ dạy, nhớ việc mẹ làm để từ cái nhân mà gieo quả ngọt. Cả đời mẹ sống vì người khác “Cái mùa bồng bế trên tay/Cái chiêm mẹ dắt qua ngày bão khan” hay “Nén hương mẹ thắp đất trời thơm chung”“riêng mình neo lại quê hương/cho con cháu khỏi lạc đường về quê" (Mẹ ta không phải anh hùng).
 
Nguyễn Hữu Quý biết ơn nơi đã sinh ra mình, cho nên dù “Ở phố” đông vui thì anh vẫn “khư khư giữ “cái mùi” miền Trung". Cái “mùi” miền Trung đó là:
“Bữa ăn ít ngọt nhiều cay
Nghĩ thương trái ớt thơ ngây chọc trời…"
(Ở phố)
Đó là: “Chiêm bao thấy cát trắng tràn chân mây”. Trong thơ, thấy anh biết ơn cát trắng rất nhiều: “đêm nằm gặp mạ trong mơ/sáng ra thấy cát bơ vơ dưới trời” (Ngậm ngùi).
 
Cát và mẹ là song hành giữa tình quê và tình mẹ, cát và mẹ là số phận vừa đẩy đưa vừa gắn kết:
“…Cát đi mãi chẳng thành đường
tôi đi theo lối mẹ thường hát ru…”
(Lời ru viết lại)
Mà không cảm ơn cát sao được, khi nơi mẹ nằm là “nấm cát là là”, khi “Chiều sang bóng ngã âm thầm/ trắng hời gió cát dấu chân mẹ về” (Thắp hương mộ mẹ). Cát trắng gió lào là “đặc sản” của miền Trung nói chung và đặc biệt ở Quảng Bình quê anh. Dù rất giỏi chịu đựng, rất nhiều người vẫn không chịu nổi ngọn gió lào nóng đến mức “chó thè lưỡi”. Nhưng với Nguyễn Hữu Quý sinh ra và lớn lên ở đó, anh cảm nhận ngoài cái mặt trái khắc nghiệt thì gió lào vẫn ban cho người quê anh một hàm ơn:
“Thóc gầy trông mãi cũng quen
gió Lào thổi lắm thành tem bảo hành
sông xanh trời biển càng xanh
tôi nuôi mộc mạc để thành miền Trung!”.
(Thấm nỗi quê nhà)
Thường thì chữ “lào” trong gió lào ít ai viết hoa, nhưng trong câu thơ này anh đã viết hoa. Điều đó cho ta thấy anh đã dành cho gió lào một tình cảm đặc biệt.
 
Sự bao dung, tha thứ
 
Trở lại với nỗi đau mất mẹ! Rất đơn giản để nhận mặt kẻ thù là ai? Trong "Đừng kể công cho mẹ", anh đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần  từ "chiến tranh" nhưng ít chỉ đích danh đế quốc Mỹ. Bởi: 
“Mẹ ơi con xóa hận thù
thêm nhân hậu để đắp bù mồ côi...”.
(Mẹ ơi)
Tuy nhiên, nói được điều này không hề đơn giản. Anh đã phải vật lộn từng đêm với câu hỏi, có nên tha thứ cho kẻ thù, trong sự dằn vặt của đạo hiếu:
“Mẹ có giận con không khi con ôm hôn kẻ thù của mẹ
sau bốn mươi năm bom Mỹ dội xuống làng
đêm rực cháy, đêm sặc mùi thuốc nổ
đêm, chúng con thành năm đứa trẻ mồ côi...”.
(Bài ca sau chiến tranh)
Và: “Nhưng hôm nay, mẹ ơi, con không thể/ không tặng hoa hồng cho kẻ thù xưa”. Cũng không riêng vì thế, mà bởi anh còn nhận ra những nỗi đau dày vò của “kẻ thù xưa”, nên anh cần tha thứ:
“Họ đã bay qua Thái Bình Dương trên đôi cánh thơ
và đã khóc trên vai con mẹ ạ...”.
(Bài ca sau chiến tranh)
Cuối cùng “thay lời thù hận” anh đã “tặng họ giấc mơ về mẹ hôm nào” bởi anh tin vào mẹ, “… tin bài ca của mẹ/sẽ chữa lành những vết thương sâu…”.
 
Để có được ngôn ngữ và cảm xúc thơ thăng hoa, để có được tính nhân văn cao cả trong từng tác phẩm của mình, Nguyễn Hữu Quý, dù mất mẹ sớm, vẫn may mắn được mẹ “Lập trình”:
“Mẹ lập trình con thật thà ngay thẳng
Con biết làm gì trước dối trá cong queo...”.
 
“Lập trình” đó còn là: “Sống yêu thương mới được thành người”. Cuối cùng, anh khẳng định:
“…lập trình mẹ chẳng bao giờ bị lỗi
Chẳng bao giờ con cài đặt lại mẹ ơi”.
 
Vâng, yêu thương, biết ơn không bao giờ bị lỗi trên hành trình sống và lao động sáng tạo. Khép lại tập thơ, vẫn còn những điều đáng tiếc như có vài bài thơ lặp ý tứ. Trung thành với thi pháp cũ cũng là điểm mạnh, nhưng đôi khi có thể là điểm yếu với một số độc giả. Riêng tôi, còn có thêm cái tiếc nữa là không thể viết dài hơn. Bởi trong tập còn nhiều câu thơ rất hay chưa được nói đến. Ví như:
“…Nón quê đã chạm đỉnh trưa
Đựng trong túi áo tiếng đùa của con...".
 Đỗ Thành Đồng

tin liên quan

Giai điệu tháng tư

(QBĐT) - Uốn câu bông lúa vàng đồng
Nắm tay. Mắt hẹn. Bờ sông. Bến đò…
 

Ký ức tháng tư

(QBĐT) - Tháng tư là tháng có nhiều ký ức, có ký ức của mỗi người và ký ức lịch sử dân tộc. Chính ký ức đã cho ta nhớ lại một thời với bao cảm xúc thiêng liêng, với bao kỷ niệm ân tình, với bao nhung nhớ khó quên. 

Triển lãm ảnh, sách với chủ đề "80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam"

(QBĐT) - Ngày 14/4, tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, Sở Văn hóa-Thể thao tổ chức khai mạc triển lãm ảnh, sách với chủ đề "80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam" (1943-2023).