Tình ca Bru-Vân Kiều

  • 08:05 | Thứ Tư, 04/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bru-Vân Kiều là dân tộc có tâm hồn rộng mở. Đời sống tình cảm của đồng bào chân chất, mộc mạc nhưng sâu sắc. Những đặc điểm ấy thể hiện rất rõ trong dân ca Bru-Vân Kiều. Nhiều thể loại như: Oát; Tà-oải, Xà-nớt, Ruồi, hát mo, hát dao hay hát ru con…được đồng bào sử dụng khá linh hoạt vào mọi mặt đời sống. Ví như Oát thì hát khi lao động sản xuất, hát Tà-oải khi giao duyên trai gái, Xà -nớt hát trong lễ nghi, hát mo khi cúng tế… Trong đó, những bài hát Tà-oải về tình cảm yêu đương đôi lứa được sử dụng nhiều nhất.
Bến quê Ảnh: Bùi Hùng Cường
                                      Bến quê.                           Ảnh: Bùi Hùng Cường
Lần đầu tiên tôi nghe trọn vẹn một bản tình ca Bru-Vân Kiều cách đây chừng 15 năm. Trong một đêm trăng đẹp ở bản Chút Mút, xã Lâm Thủy (Lệ Thủy), Hồ Bằng hát cho tôi nghe: “Bóng em lấp lánh như sao mới mọc/Dáng em lấp lánh như vầng trăng non/Tình em vời vợi như trăng đêm mười sáu/Hình em vằng vặc như trăng đêm mười bảy/Anh đi tìm em, em ơi! Anh đi tìm em, em ơi!” .
 
Tiếng hát mê lịm trong cơn say sâu thăm thẳm mà đắm đuối tình tứ và giục giã. Sau này có nhiều dịp đến các bản làng của người Vân Kiều, tôi còn được nghe các chàng trai, cô gái hát khi làm rẫy, đang ngồi bên bậu cửa, một mình ven rừng, ven suối và đặc biệt là trong đắm đuối những đêm đi sim. Những bài hát giản đơn nhưng ca từ, tiết tấu cực kỳ độc đáo. Khi trầm thì chạm đáy buồn. Khi bổng thì thấu tận đỉnh vui.
 
Những câu hát thả rơi khắp núi… khắp rừng… khắp ngày… khắp đêm… ấy cho người Bru-Vân Kiều một đời sống tình cảm vô cùng thú vị. Không úp mở vòng vo, không xa gần khó hiểu, bản tính đồng bào thật thà thẳng thắn thế nào thì tỏ tình thế ấy. Nhưng, thẳng mà không thô, bộc trực mà không cưỡng bức. Gợi tình và tha thiết tê người. Những bài tình ca Bru-Vân Kiều luôn chứa đựng hình ảnh gần gũi trong cuộc sống nên giàu hình tượng, câu hát được trau chuốt tinh tế và phóng khoáng: “... Ai xa thì xa, em đừng xa bến nước ta cùng tắm/Ai xa thì xa, em đừng xa chiếc chăn ta đắp chung”
 
Tình ca Bru-Vân Kiều có một đặc điểm riêng là chỉ dành cho trai gái chưa thành đôi, ai đã có vợ, có chồng thì không hát những khúc ca yêu đương ấy nữa. Trong những đêm canh rẫy, người con trai buông lời tán tỉnh: “Ngủ hay thức hỡi em! Em như con cá lách lúng liếng dưới vực sâu/Anh muốn thành cái chài dày để buông vây, bắt lấy/Em như con cá lội lấp lánh giữa dòng thác chảy/Anh muốn thành tấm lưới to đón bắt em về”.
 
Chẳng may bị cô gái ngó lơ, không đáp trả, chàng trai lại gửi gắm: “Từ xa đến nơi đây, anh muốn gỡ một hòn đá mang về/Từ xa đến nơi đây, anh muốn lấy một nắm đất mang về/Cây cối ở đây anh cũng muốn mang về/Anh muốn qua đây đào củ mài về làm giống”.
 
Và khi tuyệt vọng, thì thở than: “Anh ra khỏi nhà gặp con rắn đen nằm ngang/Anh ra khỏi nhà nghe tiếng con bìm bịp thở dài/Anh ra khỏi nhà gặp núi cao chặn đứng trước mặt”. Luôn luôn là những hình ảnh thân quen, buồn mà không u uất, thất vọng mà không tuyệt vọng. Chàng trai sẽ lại mang những câu tình ca ấy thả khắp núi… khắp rừng… khắp sông…khắp suối… cho đến khi gặp người con gái phải lòng mình.
 
Người con trai buông câu tình tứ:“Ơ, em ơi! Thân thể em mịn màng như hạt gạo đầu mùa, em ơi/Da dẻ em mát mẻ như nước đầu nguồn, em ơi”. Người con gái cũng đắm say trao gửi: “Thấy anh, anh ơi! Muốn lấy cơm trong típ ra mời anh/Muốn cởi tấm áo đang mặc ra tặng anh”. Và cùng chung ước nguyện: “Anh ước mong cây khác đồi về trồng chung khóm/Em mong ước cây khác bụi chụm ngọn lại một nơi”.
 
Người Bru-Vân Kiều hiền lành, cởi mở. Những đêm trai gái đi sim hò hẹn bạn tình là một nét độc đáo trong đời sống tình cảm của đồng bào nhưng khi đã nên đôi thì tình chung thủy được đề cao. Trách mọc, hờn lẫy nhưng cũng thật sắc sảo:“Anh bỏ chòi của em anh đi, như con vượn, con dôộc bỏ rừng/Anh bỏ chòi của em anh đi như con vẹt, con khách bỏ nương ngô”.
 
Gửi gắm, nhắc nhở mà cũng giàu triết lý nhân sinh: “Đã yêu nhau, đừng như con mang khi tác đồi này, khi kêu đồi kia/Đã yêu nhau, đừng như con gà rừng nay gáy động này, mai gáy động khác”. Ví von như thế chỉ có thể là của đồng bào Bru-Vân Kiều, chân thực, dễ hiểu mà không kém phần tinh tế, sâu sắc. Và thật bất ngờ là trong những con người nhu mì, lành hiền như cây rừng ấy có một trái tim quyết liệt vô cùng: “Nếu lòng đã yêu nhau, mẹ không ưng đồi cao mấy ta cùng vượt/Nếu lòng đã yêu nhau, cha không thích vực sâu mấy ta cũng băng qua”.
 
Chàng trai Bru-Vân Kiều hát Tà-oải bằng tiếng lòng đắm say, bằng âm thanh da diết của trái tim, thả trôi cùng tiếng kèn Amam réo rắt trầm bổng mênh mênh mang mang trong một đêm trăng hẳn sẽ là bài tình ca sâu lắng và mời gọi. Có con tim cô đơn nào ngủ yên?!
 
Trương Thu Hiền

tin liên quan