Khơi dậy nguồn nội lực, xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc Việt

  • 08:15 | Thứ Tư, 24/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Chuyên gia cho rằng sẽ không thể có một sự phát triển nhanh và bền vững nếu không phát huy được nội lực của chính quốc gia đó. Mà nội lực quan trọng nhất của mỗi một quốc gia chính là con người.
Văn hóa là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, là động lực, là sức mạnh nội sinh quan trọng trong phát triển đất nước. (Ảnh: Nam Nguyễn/Vietnam+)
Văn hóa là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, là động lực, là sức mạnh nội sinh quan trọng trong phát triển đất nước. (Ảnh: Nam Nguyễn/Vietnam+)
Những năm gần đây, những nhà sáng tạo văn hóa, nghệ thuật Việt Nam ngày càng có nhiều ý tưởng, sản phẩm văn hóa gây tiếng vang trên thế giới. Nhiều sản phẩm của nền công nghiệp văn hóa Việt như phim ảnh, ứng dụng công nghệ, trò chơi điện tử... được thế giới đánh giá cao.
 
Đây là những dấu hiệu cho thấy nếu được khơi dậy đúng mức, trí tuệ Việt Nam, con người Việt Nam sẽ trở thành sức mạnh, là nguồn lực quan trọng thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
 
Phát huy nguồn lực con người
 
Theo tiến sỹ Vũ Thị Phương Hậu, Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), phát huy nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc vừa là yêu cầu, vừa là giải pháp để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước trong giai đoạn hiện nay.
 
“Sẽ không thể có một sự phát triển nhanh và bền vững nếu không phát huy được nội lực của chính quốc gia đó. Mà nội lực quan trọng nhất của mỗi một quốc gia chính là con người, là những sáng tạo của người dân ở quốc gia đó,” bà Hậu nhấn mạnh.
 
Chính vì vậy, tiến sỹ Vũ Thị Phương Hậu cho rằng cần phải thể chế hóa quan điểm của Đảng thành các chính sách, các kế hoạch hành động cụ thể. Quan điểm "phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam" của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII phải được chuyển hóa vào trong các chiến lược phát triển, từ các chiến lược văn hóa đến các chiến lược ngoại giao và các chiến lược phát triển kinh tế, xã hội khác.
 Các cơ quan quản lý cần tìm giải pháp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, đầu tư vào du lịch văn hóa và có kế hoạch cụ thể để phát triển ngành công nghiệp văn hóa. (Ảnh: Minh Khánh/Vietnam+)
Các cơ quan quản lý cần tìm giải pháp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, đầu tư vào du lịch văn hóa và có kế hoạch cụ thể để phát triển ngành công nghiệp văn hóa. (Ảnh: Minh Khánh/Vietnam+)
“Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn khẳng định tầm quan trọng của lĩnh vực văn hóa. Văn kiện của Đảng đã nhất quán khẳng định vị trí, vai trò của văn hóa trong phát triển. Văn hóa là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, là động lực, là sức mạnh nội sinh quan trọng trong phát triển đất nước. Văn hóa là sức mạnh mềm quốc gia. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để các chủ trương, quan điểm hết sức khoa học và đúng đắn đó đi vào cuộc sống,” tiến sỹ Hậu nói.
 
Vì thế, vị chuyên gia này nhấn mạnh một trong những trọng tâm mà Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này cần xác định rõ chính là những tài nguyên nào có khả năng chuyển hóa thành “sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam. Khi xác định được các nguồn lực văn hóa thì các nhà quản lý mới có thể đầu tư có trọng tâm và hiệu quả.
 
Mặt khác, các cơ quan quản lý cũng cần tìm giải pháp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, đầu tư vào du lịch văn hóa và có kế hoạch cụ thể để phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Đây chính là các nguồn lực để tạo nên “sức mạnh mềm” của đất nước.
 
Đồng tình với quan điểm này, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam cho rằng Hội nghị Văn hóa toàn quốc cần hiện thực hóa những vấn đề được nêu ra trong Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
 
“Nhiệm vụ của ngành văn hóa đã được nêu rất rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Không chỉ có vậy, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII xác định văn hoá vừa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội; Nghị quyết 22 nhấn mạnh vấn đề văn hóa cần hội nhập quốc tế; Nghị quyết 33 nhắc đến việc xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam… Chính sách thì đã có nhiều nhưng làm sao để chính sách để thực sự đi vào đời sống. Đó là điều mà chúng tôi muốn lắng nghe trong hội nghị lần này,” ông Quân chia sẻ.
 
Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam cho rằng các nghị quyết chưa có bước tiến rõ nét và ngoạn mục. Ông kỳ vọng rằng tại hội nghị văn hóa quan trọng này, sẽ có “sự hiến kế” của văn nghệ sỹ lão thành, các đơn vị nghệ thuật của nhà nước và những doanh nghiệp văn hóa hoạt động độc lập để chung sức chung lòng thực hiện hiệu quả các nghị quyết đã được đề ra.
 
Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh rằng ông muốn xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc thì phải xây dựng được thế hệ con người mới, ươm mầm thế hệ văn nghệ sỹ trẻ để họ nối tiếp con đường vẻ vang, viết tiếp những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.
 
‘Có thực mới vực được… nghệ thuật’
 
Theo nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, hiện nay, cơ hội để Việt Nam hội nhập văn hóa quốc tế là rất lớn. “Từ góc độ chuyên môn của mình, tôi cho rằng chúng ta không thể chỉ giao lưu âm nhạc bằng các lọaỉ hình nghệ thuật dân tộc như quan họ, ca trù, đờn ca tài tử… Đã đến lúc chúng ta phải tham gia hội nhập quốc tế bằng âm nhạc chuyên nghiệp, âm nhạc bác học. Để có thể làm được như vậy, cần đầu tư cho nguồn nhân lực ngành văn học nghệ thuật,” ông nói.
 Nghệ sỹ piano Đặng Thái Sơn biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội năm 2019. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Nghệ sỹ piano Đặng Thái Sơn biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội năm 2019. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam dẫn chứng câu chuyện về “hiện tượng” nghệ sỹ nhân dân Đặng Thái Sơn đồng thời cho rằng đây có thể xem là lá cờ đầu của trí tuệ Việt Nam, nổi bật trên nền văn hóa nghệ thuật thế giới. “Đặng Thái Sơn trở thành niềm tự hào lớn của đất nước khi chiến thắng Cuộc thi piano quốc tế Chopin năm 1980. Hơn 40 năm sau, học trò của ông lại xuất sắc giành giải cao nhất của cuộc thi danh giá này,” nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân chia sẻ.
 
Cùng chung quan điểm đó, nghệ sỹ, tiến sỹ âm nhạc Lê Thư Hương, giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cũng cho rằng cơ quan chức năng cần chú trọng và phát triển nguồn nhân lực, tạo ra nhiều cơ hội, nhiều "đất diễn" hơn cho các nghệ sỹ.
 
“Tôi nghĩ ‘có thực mới vực được đạo,’ khi nghệ sỹ yên tâm sống tốt, sống khỏe bằng tài năng và nghề nghiệp của mình thì họ mới có những tác phẩm để đời,” bà Thư Hương nói.
 
Với kinh nghiệm nghiên cứu âm nhạc nhiều năm ở châu Âu và Mỹ, nghệ sỹ Thư Hương cho hay vị thế của âm nhạc tại Việt Nam còn chênh lệch nhiều so với các nước trên thế giới.
 Nghệ sỹ, giảng viên Lê Thư Hương. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nghệ sỹ, giảng viên Lê Thư Hương. (Ảnh: PV/Vietnam+)
“Trong giáo dục phổ thông ở Việt Nam, âm nhạc chỉ là một bộ môn phụ và tương đối mơ hồ với học sinh. Trong giai đoạn hình thành, phát triển nhân cách, các nhà giáo dục chú trọng âm nhạc thì bộ môn này sẽ góp phần tích cực phát triển toàn diện nhân cách con người. Học sinh cần tiếp xúc thường xuyên, có hệ thống với âm nhạc để việc tập luyện, thưởng thức bộ môn này trở thành một thói quen trước khi thành một niềm yêu thích, đam mê với các em,” nghệ sỹ chia sẻ.
 
Trong bối cảnh đại dịch hoành hành trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, văn hóa nghệ thuật đã bị ảnh hưởng nặng nề dù đã chuyển hướng hoạt động online. Nghệ sỹ Thư Hương cho rằng các ban, ngành và toàn thể người dân dường như đang lo lắng về kinh tế và sản xuất nhiều hơn là văn hóa. Chính trong “khoảng lặng” này, bà hy vọng Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ hệ thống lại và vực dậy các hoạt động văn hóa nghệ thuật song song với các ngành nghề khác trong xã hội.
 
“Văn hóa cần được nhìn nhận đúng với vai trò và chức năng của mình. Giới văn nghệ sỹ các ngành nghệ thuật luôn tâm huyết và sẵn sàng cống hiến hết mình, nhưng trước hết họ cần được công nhận và hưởng những quyền lợi đúng với vai trò và chức năng, có như vậy mới thúc đẩy và khích lệ tinh thần nghệ sỹ để họ có thể làm việc trong khả năng tốt nhất có thể,” bà Thư Hương cho hay.
 
Cùng với những trăn trở trên, các chuyên gia cho rằng ngành văn hóa, nghệ thuật cũng còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập về chế độ đãi ngộ đối với văn nghệ sỹ, nghệ nhân; tuổi lao động đối với các ngành nghệ thuật đặc thù; cơ chế tự chủ của các nhà hát, đoàn nghệ thuật; cách thức phát huy nghệ thuật truyền thống và tiếp nhận chọn lọc tinh hoa nghệ thuật thế giới, phát triển công nghiệp văn hóa sáng tạo, không gian sáng tạo ở các đô thị... Chính vì vậy mà “hội nghị Diên Hồng” của ngành văn hóa cũng được coi là một diễn đàn để những người làm văn hóa “hiến kế” cho các cơ quan quản lý Nhà nước giải quyết những “điểm nghẽn” này./.
 
Theo Minh Thu (Vietnam+)

tin liên quan

Trao tặng thưởng của Ban Bí thư cho tác phẩm lý luận, phê bình văn học

Hội đồng đã chọn ra được 17 tác phẩm có chất lượng, đáp ứng được các tiêu chí xét tặng, từ đó chọn ra được một tác phẩm đạt mức A, 6 tác phẩm đạt mức B và 10 tác phẩm đạt mức C.

Khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc tỉnh Quảng Bình lần thứ nhất

(QBĐT) - Sáng nay, 23-11, tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) tổ chức khai mạc Ngày hội VH-TT các dân tộc tỉnh Quảng Bình lần thứ nhất năm 2021.

Tầm vóc lớn lao của một nền văn học

Càng ngày, hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên thế giới càng có ảnh hưởng lớn. Một trong những sự đóng góp vào việc quảng bá hình ảnh Việt Nam trên thế giới là văn học.