Tình người trong "Ký ức một thời"

  • 08:09 | Thứ Sáu, 19/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) -  “Ký ức một thời” (NXB Thuận Hóa, tháng 6-2021) là tập thơ thứ 3 có nhan đề này do các cựu giáo chức trên địa bàn huyện Bố Trạch sáng tác. Tập thơ dày 120 trang, với 63 bài thơ của 37 tác giả độ tuổi từ 60-95 viết về những kỷ niệm nơi mái trường mà các cựu giáo chức đã từng công tác. Càng đọc, chúng ta càng thẩm thấu những ngôn từ thấm đẫm tình người trong tập thơ.
 
Thầy giáo Nguyễn Hữu Phi đã 84 tuổi, nguyên hiệu trưởng Trường THPT số 2 Bố Trạch trở lại thăm Trường cấp 2 Ba Đồn khóa học 1957-1959 đã cảm xúc viết bài thơ Trường xưa:
 
"Giờ tóc ta điểm bạc
Trắng như là hoa sương
Ký ức chập chờn hát
Về đây dưới sân trường"
 
Cũng ở cái tuổi như tác giả Nguyễn Hữu Phi, cựu giáo chức Hoàng Văn Hoán, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã Hưng Trạch (Bố Trạch) hóm hỉnh bằng những vần thơ lục bát:
 
        "Ta ngồi ngẫm nghĩ sự đời
Về hưu thanh thản, lại ngồi mộng mơ
       Thả hồn theo những vần thơ
Cành trúc gió thổi ngẩn ngơ trăng chiều”
 
                                  (Tâm tình với bạn)
 
Từ những buổi đầu tiên được học, nhà thơ Trương Vĩnh Hạnh viết về kỷ niệm tuổi học trò chân thực, rung động với những lỗi lầm: “Tôi nghịch hoài dối bạn rong chơi/Để nỗi buồn hiện dần trong mắt cô giáo trẻ/Đêm mơ màng thả hồn theo tiếng dế/nhận ra lỗi lầm giờ biết cô giáo ở nơi đâu". Và khổ kết bài thơ được nâng lên bằng thi ảnh, hình tượng đậm nét về ký ức mái trường xưa:
 
“Ôi! Những cánh buồm vuốt nhọn hình cung
Mang khúc hát điệp trùng biển cả
Có tiếng trống mùa thu từ mái trường xưa cũ
Vương vấn tuổi học trò, nơi mùa hạ xa xôi…!"
 
                                            (Ký ức mái trường)
 
Để tập thơ ra đời và trình làng đúng dịp Đại hội Hội Cựu giáo chức huyện Bố Trạch lần thứ IV, thầy giáo Hồ Xuân Lữ, Chủ tịch hội, kiêm Chủ nhiệm câu lạc bộ thơ cựu giáo chức Bố Trạch đã tận tâm, tích cực cùng ban biên tập làm việc thận trọng, minh bạch, khách quan. Ngoài ra, ông còn góp mặt 3 bài thơ rất ấn tượng.
 
Ta hãy đọc những dòng đầy cảm xúc của tác giả: "Qua rồi mùa hạ tiếng ve/Mùa thu thảng thốt,lắng nghe đợi chờ/Trống trường gợi lắm ước mơ/tâm hồn con trẻ ngây thơ, dịu hiền". Hay: “Xa rồi mà vẫn không xa/Bảng đen, phấn trắng theo ta suốt đời” (Hội chúng mình)
 
Người ta thường ví người giáo viên như người đưa đò sang sông. Trên dòng sông kiến thức đi suốt cuộc đời, các thầy, cô giáo vững lái con thuyền vượt muôn trùng gian khổ, nhen nhóm niềm tin cho thế hệ tương lai đất nước. Và ước muốn mê say của người đưa đò là học sinh mỗi ngày tiến bộ: "Ước muốn ngày nào vẫn mê say/Nghề dạy học, người đưa đò thầm lặng/Vinh dự lớn lao, tâm tư trĩu nặng/Đưa chuyến đò đi, đợi chuyến đò về."  (Người đưa đò thầm lặng-Nguyên Hoa).
 
Không chỉ có đề tài về mái trường thân yêu, tập thơ còn nói về cảnh đẹp quê hương, những hoài niệm của một thời hoa lửa, phượng đỏ như mưa, những trưa tiếng nhạc ve bên sân nắng chia tay tiễn người ra trận...
 
“Thầy nhắc lời Bác Hồ
-Không có gì quý hơn độc lập tự do
…Mùa xuân này về giữa trang thơ
Thơ dâng Đảng, thơ mừng đất nước
Tổ quốc ta vươn mình ra phía trước"
 
                                                      (Mùa xuân vận hội-Hoàng Hải Vương)
 
Quê hương Bố Trạch tươi đẹp và anh hùng, nơi có Đá Nhảy huyền bí, có kỳ quan thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, có làng Cự Nẫm anh hùng hiện lên sinh động trong bài Hai tiếng quê hương của Võ Đình Vang:
 
“Quê hương mình đẹp lắm phải không em
Non nước hữu tình Phong Nha, Đá Nhảy
... 
Quê hương bừng lên sức sống mới
Đảng cùng dân vững vàng vươn tới
Một miền quê vọng mãi tiếng thơm”
 
Nhà thơ Cảnh Giang, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Lưu Trọng Lư, hiện nay là Chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã Thanh Trạch (Bố Trạch) cảm động trước sự hy sinh của 13 chiến sỹ Rào Trăng trong cơn đại hồng thủy tháng 10-2020: "13 người vùi sâu giữa đất đá bộn bề/Xin lỗi mẹ và em/Hoa tháng mười con chưa kịp tặng" (Hoa tháng mười).
 
Tập thơ “Ký ức một thời” còn có nhiều đề tài khác, như: Tình mẫu tử, phụ tử, tình thầy trò và cả nỗi niềm của các cựu giáo chức khi không còn cầm phấn trắng viết lên bảng...
                                                                                           
Trương Vĩnh Hạnh

tin liên quan

Quảng Bình trong ca khúc Trần Hoàn

(QBĐT) - Trong số các nhạc sỹ viết về Quảng Bình, nhạc sỹ Trần Hoàn là người đã sáng tác cho Quảng Bình nhiều ca khúc hay nhất. Tình cảm của ông với Quảng Bình rất sâu nặng. 

'Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội'

Văn hóa Việt Nam là tổng thể những những giá trị vật chất và tinh thần do cộng đồng các dân tộc sinh sống trên dải đất hình chữ S này sáng tạo nên trong suốt chiều dài lịch sử.

Trích dẫn không đúng nguồn tin thống kê sẽ bị phạt đến 1 triệu đồng

Phạt tiền từ 500.000-1.000.000 đồng đối với hành vi trích dẫn không đúng nguồn thông tin thống kê khi phổ biến, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các ấn phẩm.