Quảng Bình trong ca khúc Trần Hoàn

  • 07:26 | Thứ Năm, 18/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong số các nhạc sỹ viết về Quảng Bình, nhạc sỹ Trần Hoàn là người đã sáng tác cho Quảng Bình nhiều ca khúc hay nhất. Tình cảm của ông với Quảng Bình rất sâu nặng. Thời tuổi trẻ sôi nổi tham gia cách mạng, ông đã hoạt động ở địa bàn Tuyên Hóa. Trước lúc từ giã cõi đời ít lâu, ông cũng đã có mặt ở Quảng Bình, đứng hát tại hội trường khách sạn Hữu Nghị (Đồng Hới). Dù ở đâu, làm gì, với cương vị nào ông vẫn luôn lưu luyến, gắn bó với Quảng Bình.
 
Nhạc sỹ Trần Hoàn đã để lại cho Quảng Bình những bài hát hay, nổi tiếng như: Về Phong Nha, Sơn nữ ca, Đường rừng, Về Đồng Lê, Lời cô gái Lệ Ninh, Nhớ Nhật Lệ, Đường lên Quy Đạt, Tình ca trên sông Son, Khúc hát hồ Vực Nồi, Nhớ bến đò xưa, Hoan hô làng Sào Nam... Ca khúc của Trần Hoàn với những giai điệu đẹp, trong sáng, lạc quan, giàu cảm xúc. Ông không có ý đồ viết đặt hàng cho từng huyện, song dường như huyện nào của Quảng Bình cũng có bài hát của ông.
 
Cảnh vật cùng con người Quảng Bình hiện lên trong ca khúc của ông thật mộng mơ, đáng yêu. Có khi là “một đêm trong rừng vắng ánh trăng chênh chếch đầu ghềnh thấp thoáng bóng cô sơn nữ miệng cười xinh xinh... có anh du kích nhìn trời xa xăm ngắm trăng say đắm một mình bâng khuâng” (Sơn nữ ca).
 
Có khi là “đường lên Quy Đạt nghe bên tai gió hát, con chim nó hót, con suối nó chào... đậm một màu xanh xanh ngắt” (Đường lên Quy Đạt). Có khi là “thuyền ngược dòng sông xanh qua An Xá bến xưa, đường lên thăm chợ Tréo xanh xanh thẳm hàng dừa..., bên con sông tháng ngày lam lũ vẫn có người thương nhớ đợi chờ ai” (Lời cô gái Lệ Ninh).
 
Từng địa danh như lũy Thầy, Bàu Tró, Đồng Phú, Bảo Ninh, Phong Nha, Đồng Lê, Xuân Bồ, Ninh Châu, Hạc Hải, Vực Nồi, sông Son, Nhật Lệ... được ông đưa vào bài hát một cách nhẹ nhàng, tinh tế với tình cảm trìu mến. Con người Quảng Bình hiện lên trong ca khúc của ông là những người yêu lao động, hăng say sản xuất, chiến đấu, biết cầm súng, cầm liềm lập nên chiến công, xây nên kỳ tích. Họ là anh du kích thời chống Pháp, là chị dân quân thời chống Mỹ, là bà mẹ anh hùng, là cô xã viên hợp tác xã... mà với tình cảm của một người anh-nghệ sỹ, ông thường gọi họ là “em”.
 
Con cá, con tôm vào nhạc của ông như cũng biết búng, biết quẫy. Bông hoa vào nhạc của ông dường như cũng tỏa hương thơm hơn. Trăng, sao vào nhạc của ông dường như cũng lấp lánh, lung linh hơn. Không là người Quảng Bình nhưng ông hết sức tự hào với mảnh đất và con người Quảng Bình.
 
Âm nhạc của ông trong những bài viết về Quảng Bình giàu chất dân ca địa phương. Các điệu hò khoan, hò thuốc, hò giã gạo, các điệu lý được ông vận dụng đưa vào bài hát một cách nhuần nhị.
 
Ca khúc của Trần Hoàn là ca khúc cách mạng, giàu tính nhân văn, giàu chất trữ tình, chất hiện thực mà không kém phần lãng mạn. Lời trong bài hát của ông thường mộc mạc, giản dị, gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân. Khi ta nghe “nơi chúng mình chăn trâu thuở nhỏ” hoặc “dù quê hương còn nghèo sắn nghèo bồi” (Về Đồng Lê), ta đâu nghĩ đó là lời bài hát nhưng nó rung động trái tim của chúng ta. Ở một số bài hát khác, lời như lời thơ, giàu hình tượng, có sức gợi. Chẳng hạn “nhớ câu hò vắt qua thuyền lưới”, “vẽ nàng Kiều thêm nét hình của nước” (Nhớ Nhật Lệ).
 
Tiết tấu nhạc của ông thường vui nhộn, tinh nghịch, biến hóa linh hoạt; cách sử dụng cao độ, trường độ rất tài tình. Nếu ở bài "Về Đồng Lê", giai điệu mượt mà, lời ngân dài không dứt thì ở bài "Đường lên Quy Đạt", nhịp khúc của giai điệu lại được ngắt ra, lúc bổng lúc trầm rất hợp với tâm trạng người đi rừng, vượt đèo, vượt suối cũng như cảnh tượng thiên nhiên hùng vĩ ở đó.
 
Khi ta nghe cất lên “hò là ơi... trời thanh thanh, nước xanh xanh” (Khúc hát hồ Vực Nồi) hoặc “rằng là ai lên Quy Đạt quê mình... ” (Đường lên Quy Đạt) thì ta nhận ra ngay cái chất hùng tráng của Trần Hoàn. Còn khi ta nghe “hãy nhìn trăng lên... hãy nhìn mây bay thiết tha về ngàn... ” (Sơn nữ ca) hoặc “nghe không anh câu hò nhặt khoan, nay sông xưa vẫn con đò bến cũ... ” (Lời cô gái Lệ Ninh) thì ta nhận ra ngay cái chất trữ tình sâu lắng, đằm thắm của ông.
 
Trần Hoàn là người am hiểu lịch sử, truyền thống, phong tục tập quán của Quảng Bình. Trong các bài hát của mình, ông không quên nhắc đến các sự kiện trọng đại như: Nguyễn Du ở Quảng Bình, Bác Hồ về thăm Đồng Hới, mẹ Suốt anh hùng lập chiến công...
 
Những bài hát nhạc sỹ Trần Hoàn viết về Quảng Bình được đông đảo nhân dân Quảng Bình yêu thích là vì nói được nỗi niềm, tâm trạng, ý nghĩ của người dân Quảng Bình, dễ nhớ, dễ hát.
 
Ông là một nhạc sỹ tài hoa. Nhà nước ta đã tặng thưởng ông Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học-nghệ thuật. UBND tỉnh Quảng Bình đã truy tặng ông giải đặc biệt Giải thưởng văn học-nghệ thuật Lưu Trọng Lư. Tại TP. Đồng Hới đã có một con đường mang tên ông!
 
Lý Hoài Xuân

tin liên quan

Chủ tịch Hồ Chí Minh và những tư tưởng 'soi đường' về văn hóa

"Văn hóa soi đường cho sự phát triển và tiến bộ của xã hội" - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định điều này ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tại các hội nghị văn hóa toàn quốc những năm 1946, 1948. Luận điểm này của Người thể hiện tầm nhìn vượt thời đại khi nhấn mạnh vai trò dẫn dắt của văn hóa trong sự phát triển của mỗi quốc gia.

Những kỷ niệm không quên

(QBĐT) - Tháng 12-1971, tôi và anh Đinh Quốc Thuấn, giáo viên Trường cấp III Nam Quảng Trạch đi dự hội nghị chuyên đề do Ty Giáo dục Quảng Bình tổ chức tại Mỹ Trạch. Từ trường đến Mỹ Trạch phải qua hai đò Minh Lệ-Thong Thóng và Thong Thóng-Mỹ Trạch. 

Trích dẫn không đúng nguồn tin thống kê sẽ bị phạt đến 1 triệu đồng

Phạt tiền từ 500.000-1.000.000 đồng đối với hành vi trích dẫn không đúng nguồn thông tin thống kê khi phổ biến, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các ấn phẩm.