Chợ chiều

  • 14:01 | Thứ Sáu, 26/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - 1. Chợ ngay sát ruộng lúa mênh mông. Từ sáng tinh mơ đã rộn rã người mua, kẻ bán, xôn xao bởi đủ thứ tạp âm đặc trưng của một khu chợ thôn quê những ngày đông đúc. Dẫu vậy, kể cả những ngày chộn rộn người qua lại thì những mái tranh lụp xụp vẫn buồn hiu hắt giữa hoang hoải gió đồng.
 
Ngày hai buổi họp chợ nhưng như tất thảy những khu chợ thôn quê khác, buổi chợ chiều bao giờ cũng vắng vẻ hơn nhiều. Hàng quán thưa thớt. Người mua vội vã đến rồi cũng vội vã rời đi, chẳng mấy ai đủ kiên nhẫn để nhìn xuống những con người vẫn mòn mỏi nơi góc chợ này.
 
Trong ánh chiều chập choạng chỉ còn lại những bóng lưng còm cõi của những phận người đã gắn chặt đời mình với khu chợ suốt những năm tháng qua. Người bán mớ cá đồng vừa cất lên từ đồng ruộng, người lại chắt chiu những đồng bạc lẻ từ những bó rau vườn nhà. Trời về chiều, ánh nắng cuối ngày chảy tràn lên những khuôn mặt khắc khổ. Trong bóng chiều chập choạng, những ánh mắt buồn hiu hắt nhìn về phía núi đang dần khuất khi bóng chiều loang lổ dần rồi vụt tắt.
 
Khi ấy, những gánh rau vẫn chưa vơi quá nửa và đôi ba mẹt cá vẫn còn lưng chừng. Những ánh mắt trũng xuống tỏ rõ nỗi thất vọng và rồi tối sầm lại khi bóng tối phủ xuống chợ. Một ngày ở chợ đã vội vã kết thúc. Người về hết và những ồn ào cũng trôi tuột vào giữa khoảng không gian mịt mờ.
Tác phẩm “Cánh cò chiều” (Nguyễn Sao)
Tác phẩm “Cánh cò chiều” (Nguyễn Sao)
2. Cha tôi vẫn thường ví đời người lúc về già như một buổi chợ chiều quạnh quẽ, cô đơn. Những năm tháng tuổi trẻ sôi nổi như buổi chợ sáng lúc đông đúc, ồn ã thì càng gần cuối đời, cuộc sống mỗi người sẽ như buổi chợ lúc về chiều. Khi ấy, như bóng tối bao phủ dần trên những khu chợ cuối ngày, nỗi cô đơn xâm chiếm hồn người ngay cả khi đang giữa không gian chộn rộn tiếng người.
 
Cha tôi có thói quen hay ngồi bên ấm trà đặc, càng lớn tuổi, ông càng thích một mình nơi chốn ấy. Có những chiều tàn, ông ngồi trước hiên nhà, đôi mắt xa xăm nhìn ra cánh đồng lúa mênh mông phía trước. Nơi đó, những hàng quán lụp xụp của chợ quê chỉ còn đôi ba bóng người lui tới. Mặt trời dần khuất núi. Bóng tối phủ trùm lên những phận người đang chật vật với cuộc mưu sinh. Tôi không biết ở thời khắc ấy, cha tôi đang nghĩ ngợi điều gì, chỉ thi thoảng thấy ông thở dài. Hình như, ông đang có một nỗi sợ mơ hồ mà chị em chúng tôi mãi vẫn không thể nào gọi tên.
 
Có lần, cha bảo với tôi, khi người già cảm thấy bản thân mình vô dụng, thừa thãi, chẳng có việc gì để làm mỗi ngày, thì đó chính là sự giày vò lớn nhất. Một lần khác, khi xuống phố thăm tôi, ông đề nghị… được chở tôi đi dọc phố thay vì tôi chở ông đi như mọi lần. Ông đèo tôi trên chiếc xe máy đời cũ, chậm rãi đi dưới những con phố nhộn nhịp người và thoảng hương hoa sữa.
 
Đứa con gái 34 tuổi, đã có gia đình, ngồi sau lưng cha mà thấy mình như bé lại và chợt nhớ quay quắt những ngày đã trôi về phía cũ. Ngày ấy, trong mắt tôi, cha vạm vỡ như chàng hiệp sỹ trong truyện cổ tích, đôi vai đủ sức gánh vác tất thảy những điều lớn bé trong cuộc sống của đứa con gái nhỏ. Giờ, tấm lưng cha đã còm cõi hơn 20, 30 năm trước nhưng với tôi, vẫn ấm áp và vững chãi như những ngày ông đèo tôi đi học trên chiếc xe đạp đã cũ mòn.
 
Tối hôm đó, trở về nhà, tôi thấy ông vui mừng quá đỗi. Khuôn mặt khắc khổ chợt giãn ra sau nét cười hồn hậu. Hóa ra, niềm hạnh phúc của người già đôi khi chỉ đơn giản là được sống lại những phút giây ngày cũ, để thấy mình còn có ích, để tạm quên nỗi cô đơn, quạnh quẽ đang chiếm lấy hồn mình.
 
3. Những đứa trẻ sinh ra nơi xóm chợ như chúng tôi lớn lên chỉ một ước mong duy nhất là nỗ lực học, để được thoát ly cái nghèo, để cuộc đời không còn chật vật, quẩn quanh bên khu chợ buồn hiu. Chúng tôi lũ lượt rời quê và vô tư vẫy vùng trong cuộc sống sôi động xứ người nhưng lại vô tâm quên mất một điều hiển nhiên rằng cha mẹ vẫn luôn ở đó, giữa những nỗi cô đơn và quạnh quẽ lúc về già. Những căn nhà giữa hoang hoải gió đồng dần vắng bóng người trẻ, chỉ còn hai mái đầu bạc côi cút bên mâm cơm ngày gió về, nghiêng trở phía nào cũng hắt hiu, lạnh lẽo.
 
Chúng tôi thường về quê vào những dịp đặc biệt. Có lẽ đó là khoảng thời gian cha mẹ tôi vui nhất. Căn nhà rộn rã tiếng cười đùa của con trẻ. Mẹ bận bịu với những mâm cơm sum họp. Còn cha tôi vẫn ngồi đó, bên bàn trà nơi mái hiên, nhìn những đứa cháu vui đùa trước cây khế vườn nhà, thỉnh thoảng ông lại nở nụ cười hạnh phúc.
 
Cứ thế, sau những chuyến rời quê về lại phố, điều ám ảnh nhất vẫn là những ánh mắt buồn rười rượi của cha mẹ khi tiễn chúng tôi ra đến cổng làng. Bao niềm vui ngày sum họp sẽ lại nhường chỗ cho những nhớ nhung, mong đợi. Và căn nhà, sẽ lại quạnh quẽ như những ngày dài phía cũ.
 
Có lần, bạn tôi-đứa con gái vừa mất cha-sau những ngày kìm nén cảm xúc bỗng òa khóc nức nở vì hối hận, vì ray rứt. Bạn ước, giá như còn cha, sẽ không để ông một mình trong căn nhà quạnh quẽ, sẽ không vội vã buông điện thoại mỗi khi ông điện chỉ vì đang bận bịu với những công việc và áp lực phố thị.
 
Bạn bảo, giá như còn cha, sẽ dẫn ông đi đến những nơi ông muốn, để ông làm những điều ông thích. Giá như còn cha, để đôi lúc chỉ đơn giản là ngồi xuống bên ông, kiên nhẫn lắng nghe ông nói, có khi chỉ để nghe ông thở dài trong bóng chiều chập choạng để nỗi cô đơn không làm ông hiu hắt đến vậy. Giá như…!
 
Nhưng không điều ước nào đủ sức mang cha trở về!  
 
***
 
Hóa ra, tôi vẫn còn may mắn quá đỗi!
 
Cuối tuần, chị em tôi sẽ lại về quê, cùng cha nhâm nhi ly trà đặc bên mái hiên nhà và cùng mẹ rảo bộ trên cánh đồng làng chạy dọc ra phía chợ. Khu chợ chiều bên cánh đồng làng sẽ lại thêm những bước chân của những đứa con xa trở về mà vơi bớt đi những quạnh hiu vốn sẵn.  
 
Diệu Hương

 

tin liên quan

Nguyễn Hương Duyên may vá nỗi đau

(QBĐT) - Nhà văn Nguyễn Hương Duyên vừa ra mắt quý độc giả hai tập truyện: "Hai chị em"[1] và "Viết tặng anh từ căn bếp này"[2]. Trước đó, chị đã có hai cuốn "Bến đợi nhọc nhằn"[3] và "Ở giữa những người đàn ông"[4], được dư luận đánh giá khá cao khi xoáy vào đề tài thân phận nữ giới. 

Khu dân cư văn hóa tiêu biểu

(QBĐT) - Tổ dân phố (TDP) 2 Mỹ Cương, phường Bắc Nghĩa (TP. Đồng Hới) là điểm sáng khu dân cư tiêu biểu của tỉnh trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".

'Súng, vi trùng và thép' - xứng đáng với Giải thưởng sách Quốc gia

"Súng, vi trùng và thép" (Guns, Germs, and Steel) của Giáo sư Jared Diamond do dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng chuyển ngữ, được NXB Thế giới tái bản, vừa nhận Giải A Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 4 (năm 2021), là ấn phẩm thực sự giá trị về khoa học và gợi mở nhiều vấn đề trong cuộc sống.