Nguyễn Hương Duyên may vá nỗi đau
(QBĐT) - Nhà văn Nguyễn Hương Duyên vừa ra mắt quý độc giả hai tập truyện: “Hai chị em”[1] và “Viết tặng anh từ căn bếp này”[2]. Trước đó, chị đã có hai cuốn “Bến đợi nhọc nhằn”[3] và “Ở giữa những người đàn ông”[4], được dư luận đánh giá khá cao khi xoáy vào đề tài thân phận nữ giới. Nhưng diễn ngôn khai thác tâm lý nữ giới trong tập truyện “Viết tặng anh từ căn bếp này” có phần rõ nét hơn, sắc hơn khi xoáy vào những chấn thương về mặt tâm hồn lẫn thể xác.
Những tâm tư, khát vọng của họ trong tình yêu, hôn nhân, gia đình và kể cả những vẫy vùng, kháng cự trước ràng buộc, truy đuổi của định mệnh được lý giải bằng cái nhìn ý thức về giới, thừa nhận nhân vị giới, tiếng nói về giới. Tập truyện đã thể hiện chính kiến của Nguyễn Hương Duyên: trong cuộc kiếm tìm tình yêu, hạnh phúc, dù có nhọc nhằn, khổ đau nhưng người phụ nữ vẫn không từ bỏ, luôn chủ động, mạnh mẽ, đấu tranh đến cùng.
Thế giới nhân vật nữ trong truyện ngắn của chị rất phong phú và đa dạng: Từ cán bộ, kinh doanh, nội trợ, nông dân, học sinh,... cho đến người điên. Họ là những con người đời thường với những nỗi niềm rất đời thường: Được yêu, được làm vợ, làm mẹ, được sống hạnh phúc. Đó là Mai trong “Dưới giàn hoa thơm ngát”, muốn có một cuộc sống gia đình đầy tiếng cười và tình yêu thương, nhưng Mai hoàn toàn bất lực trước cảnh con trai bị bệnh đao, chồng thì bị tâm thần.
Đó là bà Hiền trong “Còn khu vườn lá rụng”, hết mực lo cho con, cho gia đình, nhưng bà không cách nào cảm hóa được sự ghen tuông hết sức vô lý của người chồng. Đó là nỗi khổ đau và ngang trái khi bị người chồng phụ bạc như Dương trong “Hai chị em”. Đó là sự cả tin, nhẹ dạ của nàng, người đàn bà đã qua hai lần đò, trong “David là có thật!”. Đó là bi kịch cuộc đời dằng dặc như hoàn cảnh của Điên trong “Góc chợ”,…
Những trạng thái mâu thuẫn, chông chênh giữa cái được và mất, hạnh phúc và khổ đau, yêu thương và giận hờn, bản năng và đạo đức, chia ly và đoàn tụ,… của họ chính là tiền đề cho sự trỗi dậy của ý thức nữ quyền và xác lập bản thể nữ. Các mảnh ghép ấy làm nên bản thể nữ, thiên tính nữ, sức sống mới, giá trị mới cho tập truyện. Tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc của những người nữ dẫu mong manh, nhiều sóng gió, thậm chí tái tê, đổ vỡ, nhưng trong họ, chưa bao giờ ngừng khát vọng kiếm tìm.
Sự tự buộc chặt họ vào gia đình, con cái, dù cho bất cứ chuyện gì xảy ra, âu đó cũng là sự tự ý thức về giới tính, về bản năng làm vợ làm mẹ của họ. Nhân vật “em” trong “Viết tặng anh từ căn bếp này”, “tôi” trong “Mong manh ký ức”, Hiên trong “Đường xa vạn dặm”, bà Hiền trong “Còn khu vườn lá rụng”, “cô” trong “Ngóng nhau cuối trời”,… biết nén những đau thương và sự thổn thức trong lòng, để thực hiện thiên chức của một người vợ ngoan hiền, bởi, đối với họ, người chồng và những đứa con là gia tài mà không gì có thể sánh được.
Họ ý thức được, họ là nhân tố trung tâm, quán xuyến, gìn giữ hạnh phúc, nên việc họ tự khu định bản thân, chấp nhận đau một chút, thiệt thòi một chút cũng chỉ vì muốn thấy tình yêu thương luôn rạng rỡ trong mỗi bữa cơm của gia đình mình.
Phụ nữ hơn người đàn ông ở “một cái tử cung, một buồng trứng” (Simone de Beauvoir). Họ phải có trách nhiệm và nghĩa vụ trước thân thể của mình: Thực hiện chức năng duy trì nòi giống. Người đàn ông lẫn người phụ nữ, ai cũng khao khát có con, bởi lẽ, “sự hiện diện của mỗi đứa trẻ đều là tặng-vật-vô-cùng-quý-báu của tạo hoá” (tr.26). Nhưng không phải người đàn ông nào cũng thấu hiểu, sẻ chia và cảm thông trước nỗi nhọc nhằn, vất vả của người phụ nữ, nên, đây cũng là vấn đề khiến người phụ nữ từ bao đời nay bị coi thường, khinh bỉ và sống trong đớn đau, bi kịch.
Nguyễn Hương Duyên đề cập đến một thực tế đang nổi cộm hiện nay, chuyện nuôi cấy phôi. Khi người phụ nữ không thể chu toàn thiên chức làm mẹ, họ phải nhờ đến sự can thiệp của y học, phải chịu những cơn đớn đau vì một cuộc sống yên ấm, vì những khao khát có con trai nối dõi tông đường đã ăn sâu từ bao đời nay. Áp lực này đẩy cuộc đời họ đến hai thái cực: sinh và tử.
Nếu thành công, người phụ nữ đã đảm bảo được hạnh phúc cho gia đình. Nếu thất bại, tức là sẩy thai, đồng nghĩa người phụ nữ phải đối diện với một đớn đau khác, nỗi đớn đau chối bỏ một phần cơ thể của mình. Hiên, Vy, Hương và những người trong cộng đồng IVF, đều là những người phụ nữ chịu đựng nhiều thiệt thòi, khổ đau, thậm chí có người phải lấy cái chết để giải thoát. Bà Hiền trong “Còn khu vườn lá rụng” đã nỗ lực hết mình, dành trọn tình yêu thương cho gia đình, nhưng người chồng vẫn không thay đổi, ghen tuông mù quáng, nghi ngờ Sơn không phải là giọt máu của hai vợ chồng.
Lòng ghen của người chồng đã khiến bà Hiền sống trong cảnh khổ đau, vô vọng và vĩnh viễn mất đi đứa con ngoan ngoãn. Các nhân vật nữ trong truyện của chị, dù là Hiên, Vy, Hương hay bà Hiền,… đều loay hoay trong vòng tròn sinh tử ấy. Họ bện chặt cuộc đời, nỗi đau thầm lặng vào số phận, mà ở đó không chỉ do người đàn ông, một phần còn do họ tự đặt ra.
Lối viết trực diện, nhìn thẳng cũng là cách Nguyễn Hương Duyên thể hiện lòng thương xót, đồng cảm với hoàn cảnh khắc nghiệt, éo le, bi đát, mà những người phụ nữ trong tập truyện của chị phải gánh chịu. Các nhân vật nữ của chị không ly khai cực đoan với nam giới nhưng qua cách họ thổ lộ, quyết đoán và lựa chọn, người đọc có thể thấy, họ vừa dịu dàng vừa cá tính, vừa cảm tính vừa lý tính, vừa khiêm tốn vừa kiêu hãnh, vừa nhẫn nhịn vừa mạnh mẽ. Khi mọi xung đột không thể dung hoà được nữa, các nhân vật nữ của chị mới dự phần vào việc đấu tranh đòi bình quyền.
Nghĩa là, ở họ, vẫn còn chịu sự chi phối và tích tụ của “bản mặt nữ giới”, chứ chưa dứt khoát mạnh mẽ, quyết liệt ngay từ đầu. Nhân vật “tôi”(Mong manh ký ức), “em” (Viết tặng anh từ căn bếp này), Vy (Thẩm mỹ những vết đau), “chị” (Hai chị em)… đã có những phút giây, không gian riêng để nghĩ suy về cuộc đời của mình, trước khi tính đến chuyện từ bỏ người chồng của họ. Lòng vị tha, hy sinh như là phẩm tính, là bản năng tự nhiên làm nên vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ.
Nhưng nếu phẩm tính ấy biểu hiện một cách quá “ưu ái”, sẽ gây phản ứng ngược, đẩy người phụ nữ vào vòng xoáy bi kịch mà trong đó có phần do mình tạo nên. Vy là kiểu người phụ nữ như thế! Trong thâm tâm, Vy luôn muốn mình là người thực hiện thiên chức may vá hạnh phúc gia đình nên cô đã nhiều lần bỏ qua lỗi lầm của chồng. Cuối cùng, sau nhiều lần nhập viện, Vy nhận ra trong lòng cô chỉ còn sự nguội lạnh.
Đến khi nỗi đau tâm hồn và thể xác lên đến đỉnh điểm, không gì có thể khoả lấp, bù đắp được, Vy tự mình đứng dậy, “thẩm mỹ những vết đau”, để bắt đầu một cuộc sống khác. “Bé” trong truyện “Ngày mai của bé”, mặc dù chưa hiểu hết mọi nhẽ, nhưng “bé” đã biết có những đề phòng, chống đối và phản kháng theo cách mà tuổi “bé” nghĩ.
Đây là kỹ thuật xử lý những vấn đề nổi cộm và khá nhạy cảm trong xã hội hiện nay, đồng thời, bộc lộ tiếng nói bất đồng và sự thất vọng của Nguyễn Hương Duyên trước những người đàn ông không hoàn hảo, đáng bị lên án. Trên hành trình tự giải thoát mình, sự phủ định người dượng chính là hành động khẳng định bản thể, ý thức phái tính về quyền bình đẳng của “bé”. Như vậy, mạch ngầm phản kháng ở các nhân vật nữ của chị đang dần dần dâng lên, chuyển từ thế bị động sang chủ động, biểu hiện thái độ sống, quyền làm chủ cuộc đời của mình.
Tinh thần phản kháng, niềm tự hào, kiêu hãnh về giới đã xác lập bản thể, nhân vị của họ. Là phụ nữ, sống vì người khác nhưng cũng phải biết sống vì mình, cho mình. Tình yêu cần đặt đúng lúc đúng chỗ. Nổi loạn cũng cần kịp thời để khẳng định giá trị của bản thân, không bị sự chi phối bởi trục giá trị của nam giới. Như chị đã khẳng định: “là phụ nữ gì thì gì cũng phải giữ lấy sự kiêu hãnh, thiếu gì thì thiếu chứ thiếu kiêu hãnh là sống không ra sống!” (tr.140). Kỹ thuật xử lý tâm lý như thế này đã gọi tên những ẩn ức, bẽ bàng, dằn vặt trong tận sâu thế giới tâm hồn, đồng thời quả quyết thiên tính nữ là vẻ đẹp riêng khác, là bản năng gốc của người phụ nữ.
Nói Nguyễn Hương Duyên là người “thẩm mỹ những vết đau”, là người may vá nỗi đau quả không sai. Mỗi nhân vật nữ hiện lên với những mảnh đời đen trắng khác nhau, song họ giống nhau ở điểm: đều không nguôi khát vọng đi tìm bản ngã. Các nhân vật của chị không còn tự ru ngủ mình theo những quy tắc, luật lệ ngặt nghèo nữa, mà từ âm thầm, cam chịu đến quyết đoán, kiên cường, dõng dạc cất lên tiếng nói, tự thuật về cuộc đời mình.
Họ chống chọi lại những trái ngang trong cuộc sống, phán xét lại thế giới đàn ông bằng bản lĩnh giới và xác lập nhân cách/ nhân vị/ tiếng nói nữ giới của họ. Chính “lối viết từ bên trong”, đồng cảm phận đàn bà, Nguyễn Hương Duyên đã tạo được “ngôn bản nữ giới” cho tập truyện “Viết tặng anh từ căn bếp này”.
Hoàng Thụy Anh
[1]. Nguyễn Hương Duyên, Hai chị em, Nxb Quân đội nhân dân, 2020.
[2]. Nguyễn Hương Duyên, Viết tặng anh từ căn bếp này, Nxb Hội Nhà văn, 2020.
[3]. Nguyễn Hương Duyên, Bến đợi nhọc nhằn, Nxb Hội Nhà văn, 2006.
[4]. Nguyễn Hương Duyên, Ở giữa những người đàn ông, Nxb Hội Nhà văn, 2015.