icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

  • 12:27 | Thứ Năm, 20/04/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Sáng nay, 20/4/2023, tại TP. Đồng Hới, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Bình, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị “Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng” (Chỉ thị số 13) khu vực Bắc Trung bộ.

Đồng chí Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu chỉ đạo hội nghị
Đồng chí Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu chỉ đạo hội nghị

Dự, chỉ đạo và chủ trì hội nghị có đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương sơ kết Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư (Ban Chỉ đạo). Đồng chủ trì hội nghị có các đồng chí: Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình; Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong khu vực.

Về phía lãnh đạo tỉnh Quảng Bình có đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.

Đồng chí Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng và các đồng chí lãnh đạo các bộ chủ trì hội nghị
Đồng chí Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng và các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ chủ trì hội nghị

Phát biểu chào mừng hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng bày tỏ niềm vinh dự khi địa phương được lựa chọn làm địa điểm tổ chức hội nghị. Với diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm trên 80%, Quảng Bình xác định quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QL,BV và PTR) là một nội dung quan trọng trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) cũng như quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu của tỉnh.

Những năm qua, Quảng Bình đã quán triệt, cụ thể hóa, triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về QL,BV và PTR. Đặc biệt, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13, công tác QL,BV và PTR đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt trên 68%, đứng thứ hai toàn quốc. Hàng năm, Quảng Bình cung cấp cho chế biến và thị trường trên 500 nghìn m3 gỗ rừng trồng, lợi ích kinh tế từ rừng được khẳng định, đời sống người dân nông thôn, miền núi ngày càng đươc cải thiện, an sinh xã hội được giải quyết cơ bản, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng: Hội nghị là cơ hội quý báu để cùng đánh giá thực trạng và trao đổi những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp QL,BV và PTR trong giai đoạn tới.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng: Hội nghị là cơ hội quý báu để cùng đánh giá thực trạng và trao đổi những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp QL,BV và PTR trong giai đoạn tới.

Hiện nay Quảng Bình là 1 trong 6 địa phương thực hiện thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải nhà kính (GPTNK) vùng Bắc Trung bộ. Đây là nguồn kinh phí quan trọng để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư tham gia GPTNK từ rừng tự nhiên, góp phần tăng cường công tác QL,BV và PTR trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình nhấn mạnh, hội nghị là cơ hội quý báu để Quảng Bình cùng các tỉnh Bắc Trung bộ và Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp - PTNT, các bộ, ban, ngành Trung ương đánh giá thực trạng và trao đổi những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp QL,BV và PTR trong giai đoạn tới.

Tiếp đó, đồng chí Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương sơ kết Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư, Trần Tuấn Anh phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu tại hội nghị
Đồng chí Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu tại hội nghị

Đồng chí đã đánh giá tổng quát những tiềm năng, thế mạnh của 6 tỉnh Bắc Trung bộ về rừng và những kết quả tích cực trong công tác QL,BV và PTR, đặc biệt là sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13 với những chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Bắc Trung bộ là khu vực đầu tiên trong cả nước được Chính phủ cho triển khai thí điểm chuyển nhượng tín chỉ các-bon theo Nghị định 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022.

Các địa phương trong vùng đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia QL,BV và PTR; nỗ lực khắc phục những tồn tại, hạn chế đã nêu trong Chỉ thị số 13-CT/TW. Đồng chí cũng chỉ rõ những vướng mắc, tồn tại cần tháo gỡ, khắc phục.   

Nhấn mạnh kết quả của hội nghị sẽ phục vụ thiết thực cho công tác sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư, đồng chí nêu 9 nội dung trọng tâm đại biểu cần tập trung thảo luận. Đồng chí gợi ý một số nội dung đại biểu nghiên cứu đề xuất, kiến nghị cụ thể với Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong giai đoạn tới nhằm đưa công tác QL,BV và PTR ở một tầm cao mới, để rừng thật sự là “vàng”, đem lại cuộc sống tốt hơn cho người dân khu vực có rừng, tạo điều kiện cho các địa phương có nhiều diện tích rừng phát triển nhanh, bền vững, đóng góp thiết thực cho sự phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh (QP-AN) và bảo vệ môi trường của vùng và cả nước. Các kiến nghị nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế lâm nghiệp, kinh tế dưới tán rừng…

Đại biểu các bộ, ngành dự hội nghị
Đại biểu các bộ, ngành dự hội nghị

Tham luận tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng đã làm rõ những tiềm năng thế mạnh về rừng của tỉnh, những kết quả tích cực của Quảng Bình sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư.

Thông qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện Chỉ thị, Quảng Bình rút ra các bài học kinh nghiệm cơ bản như: Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền, nhất là cấp cơ sở; thực hiện thường xuyên và hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; kiểm tra, chấn chỉnh những tồn tại, xử lý nghiêm minh, kịp thời, dứt điểm các hành vi vi phạm; tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng liên ngành; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong QL,BV và PTR; quán triệt phương châm 4 tại chỗ trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng…

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng tham luận tại hội nghị
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng tham luận tại hội nghị

Tham luận của đại biểu các bộ, ngành, địa phương trong khu vực cũng đã làm rõ những chuyển biến mạnh mẽ, kết quả quan trọng trong công tác QL,BV và PTR trong khu vực qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư. Từ những kết quả đạt được, những tồn tại, vướng mắc, đã có nhiều kiến nghị, đề xuất để tháo gỡ, khắc phục, tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác QL,BV và PTR trong giai đoạn tiếp theo.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo sơ kết Chỉ thị 13-CT/TW ghi nhận sự chuẩn bị tích cực, chu đáo của Ban Tổ chức, sự phối hợp trách nhiệm, hiệu quả của Tỉnh uỷ Quảng Bình; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng chí cũng đánh giá cao đại diện các ban, bộ, ngành, địa phương, các viện, trường đã tham dự, phát biểu, đóng góp các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm tại Hội nghị.

Đồng chí Trần Tuấn Anh đồng tình với các kiến nghị, đề xuất và nhấn mạnh một số nội dung như: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, giải quyết dứt điểm các tồn đọng, vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp có nguồn gốc từ nông lâm trường quốc doanh; tình trạng di dân tự do. Có cơ chế, chính sách đủ mạnh để phát triển kinh tế rừng: đổi mới chính sách đầu tư, hỗ trợ và ưu đãi đầu tư cho quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đẩy mạnh phát triển chế biến, thương mại gỗ và lâm sản; phát triển kết cấu hạ tầng lâm nghiệp; phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ và phát triển rừng.

Có các giải pháp nâng cao hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, phát triển bền vững dịch vụ môi trường rừng; khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách cho thị trường tín chỉ các-bon ở Việt Nam.

Bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có, đặc biệt là các diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên, bảo đảm thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 theo cam kết quốc tế tại COP26 về biến đổi khí hậu. Ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ mới trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Làm tốt công tác an sinh, tạo việc làm bền vững cho người dân khu vực có rừng. Thực hiện hiệu quả hoạt đông hợp tác, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực QL,BV và PTR.

Một số hình ảnh tại hội nghị:

Ngọc Mai

 

tin liên quan

Cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, phục vụ người dân và doanh nghiệp

(QBĐT) - Đó là chủ đề phiên họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ do đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ chủ trì vào sáng nay, 19/4.

Sẽ trình Quốc hội dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5

Ủy ban Thường vụ Quốc thống nhất việc trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, dự kiến khai mạc vào ngày 22/5 tới.
 

"Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới"

(QBĐT) - Chiều 19/4, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Quảng Bình và Tổ Công tác triển khai Đề án 06 tỉnh tổ chức phiên họp quý I/2023, đánh giá kết quả hoạt động CĐS, Đề án 06 trong quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.