Triển khai chương trình hành động của Chính phủ về ngoại giao kinh tế
(QBĐT) - Đó là nội dung hội nghị trực tuyến của Chính phủ với điểm cầu các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các tỉnh, thành phố trong cả nước diễn ra chiều nay, 9/3. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị tại điểm cầu TP. Hà Nội.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình có đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trình bày nội dung trọng tâm công tác ngoại giao kinh tế (NGKT) năm 2023 với 6 nhiệm vụ, gồm: Tiếp tục đẩy mạnh triển khai, cụ thể hoá Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư và Chương trình hành động của Chính phủ, nâng cao nhận thức về NGKT; triển khai tốt các hoạt động đối ngoại cấp cao và các cấp, trong đó xác định hợp tác kinh tế là nội hàm trung tâm nhằm tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài kết hợp với các nguồn lực trong nước phục vụ cho phát triển; đẩy mạnh hỗ trợ ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp theo tinh thần lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế trên cơ sở bám sát đường lối đối ngoại, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc, cân bằng, hài hoà trong ứng xử quốc tế, nâng cao vị thế đất nước; chú trọng, tăng cường nhạy bén và chuyên sâu trong nghiên cứu, dự báo, tham mưu phục vụ Chính phủ và đáp ứng nhu cầu trong nước; đổi mới mạnh mẽ, tạo chuyển biến thực chất trong triển khai NGKT.
Tiếp đó, các đại biểu đã dành phần lớn thời gian thảo luận về một số tồn tại, hạn chế và thống nhất một số nội dung bài học kinh nghiệm, đó là: Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước; phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tận dụng hiệu quả và phát huy tối đa vị thế, uy tín đất nước; chú trọng nghiên cứu, dự báo, đánh giá tình hình và tham mưu chính sách hiệu quả; bảo đảm nâng cao hiệu quả phối hợp công tác NGKT, gắn kết chặt chẽ giữa 3 trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.
Tại Quảng Bình, tính đến cuối năm 2022 có 27 dự án FDI được cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định với tổng vốn đăng ký đầu tư là 1,12 tỷ USD. Hoạt động xuất, nhập khẩu, việc bố trí vốn cho các dự án ODA cũng đã được tỉnh hết sức quan tâm.
Đặc biệt, tỉnh Quảng Bình đã giới thiệu, hỗ trợ Công ty cổ phần Đầu tư AMI Renewables Quảng Bình nghiên cứu đầu tư thực hiện dự án điện gió tại huyện Sê-pôn, tỉnh Sạ-vẳn-na-khệt (Lào) với quy mô công suất 1.220 MW, tổng mức đầu tư trên 2 tỷ USD.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác NGKT đối với sự phát triển chung của đất nước.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, công tác đối ngoại nói chung, NGKT nói riêng luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và thực hiện hiệu quả, góp phần quan trọng khẳng định vai trò, vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm NGKT thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý: Cần chủ động, sáng tạo, nhạy bén, nhất là trong bối cảnh nhiều thách thức nổi lên chưa có tiền lệ; công tác tham mưu phải kịp thời, bám sát gắn với việc cụ thể hóa các trọng tâm điều hành kinh tế-xã hội của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; phát huy tối đa tiềm năng hợp tác kinh tế với một số địa bàn chiến lược nhằm tạo sự đột phá trong mở rộng thị trường cũng như gắn kết các đối tác tiềm năng; tập trung giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp một số nước đối tác, nhất là vấn đề cấp thị thực cho doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam; nhạy bén hơn nữa trong nghiên cứu, tham mưu, bảo đảm có chiều sâu, thực chất và đẩy mạnh đổi mới các hoạt động NGKT…
Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.