Khám phát hiện chủ động bệnh nhân lao tại huyện Lệ Thủy

  • 16:33 | Thứ Ba, 08/08/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày 8/8, tại Trạm Y tế xã Hoa Thủy, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Lệ Thủy triển khai khám phát hiện chủ động tăng tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao cộng đồng tại địa bàn huyện Lệ Thủy.
 
Thực hiện chỉ đạo Bệnh viện Phổi Trung ương-Chương trình chống lao Quốc gia (CLQG) năm 2023, “Tăng cường phát hiện chủ động bệnh nhân lao tại 20 huyện/10 tỉnh có tỷ lệ phát hiện thấp năm 2022”, CDC tỉnh tiếp tục khởi động chiến dịch khám phát hiện bệnh nhân lao mới để đưa vào điều trị sớm, cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng. Huyện Lệ Thủy là địa phương đầu tiên được chọn triển khai chiến dịch này. 
Bác sĩ của CDC Quảng Bình khám sàng lọc phát hiện sớm bệnh lao tại xã Hoa Thủy.
Bác sĩ của CDC tỉnh khám sàng lọc phát hiện sớm bệnh lao tại xã Hoa Thủy.
Theo đó, trong khoảng thời gian từ nay đến ngày 31/8/2023, CDC tỉnh sẽ phối hợp tổ chức 27 điểm khám sàng lọc, phát hiện chủ động bệnh lao, lao tiềm ẩn cho người dân 25 xã, thị trấn của huyện Lệ Thủy. Cụ thể, mỗi xã, thị trấn tổ chức 1 điểm khám; riêng 2 xã Trường Thủy và Ngư Thủy sẽ tổ chức 2 điểm khám/xã. Như vậy, sẽ có khoảng gần 7.000 đối tượng (là những người tiếp xúc và người có nguy cơ cao với bệnh lao) sẽ được cán bộ y tế khám sàng lọc, chụp X-quang, lấy mẫu xét nghiệm Xpert… để phát hiện người mắc lao, nhằm điều trị kịp thời, hạn chế nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Trung bình mỗi điểm sẽ thực hiện khám cho gần 300 người.
 
Để triển khai chiến dịch đạt hiệu quả, trước đó, CDC tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Lệ Thủy phối hợp với các trạm y tế trên địa bàn tuyên truyền, tư vấn cho người dân về đợt khám phát hiện chủ động bệnh lao; thực hiện điều tra, lập danh sách đối tượng nghi mắc lao và nhóm nguy cơ mắc lao cao (bao gồm nhóm người tiếp xúc hộ gia đình và tiếp xúc cộng đồng với bệnh nhân lao phổi, người có triệu chứng nghi mắc lao…), để người dân hiểu và tự nguyện đến các điểm khám. Riêng 3 xã miền núi: Kim Thủy, Ngân Thủy và Lâm Thủy sẽ được triển khai sau, thực hiện khám theo hoạt động của Dự án Phòng, chống lao khu vực dành cho đồng bào các xã biên giới. 
CDC triển khai tăng cường khám sàng lọc bệnh lao, lao tiềm ẩn cho người dân bằng chiến lược 2X.
CDC tỉnh triển khai tăng cường khám sàng lọc bệnh lao, lao tiềm ẩn cho người dân bằng chiến lược 2X.
Bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc CDC tỉnh cho biết, thực hiện công văn của Bệnh viện Phổi Trung ương-Chương trình CLQG về triển khai hoạt động phát hiện chủ động bệnh nhân lao giai đoạn 2021-2023, cùng với việc triển khai thực hiện các đợt khám tại cộng đồng, thời gian qua, CDC tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn triển khai chiến lược 2X (bao gồm chụp X-quang lồng ngực và xét nghiệm Xpert) phát hiện bệnh lao, lao tiềm ẩn cho học viên là cán bộ chuyên trách công tác phòng, chống lao tuyến tỉnh, tuyến huyện và trạm y tế xã, phường.
 
Nội dung tập huấn chú trọng hướng dẫn cách chẩn đoán và điều trị lao, lao tiềm ẩn theo hướng dẫn của Chương trình CLQG; vai trò của X-quang  trong chẩn đoán lao, lao tiềm ẩn; xét nghiệm Xpert trong chẩn đoán, điều trị lao, lao tiềm ẩn; quy trình đóng gói vận chuyển mẫu xét nghiệm Xpert; quy trình chuẩn phát hiện bệnh lao, lao tiềm ẩn tại cộng đồng và cơ sở y tế... Lớp tập huấn sẽ giúp học viên nắm vững kiến thức để thực hành tốt công tác phát hiện chủ động bệnh lao và lao tiềm ẩn, áp dụng chiến lược 2X tại địa phương, góp phần tiến tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035. 
Người dân tích cực đến điểm khám phát hiện bệnh lao.
Người dân tích cực đến điểm khám phát hiện bệnh lao.
“Lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với tính mạng cũng như sức khỏe người bệnh, có nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất lớn, bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng, đủ thời gian. Việt Nam nằm trong số 30 nước có người mắc bệnh lao cao nhất toàn cầu. Mặc dù đã nỗ lực không ngừng trong công cuộc phòng, chống bệnh lao, tuy nhiên, mỗi năm nước ta chỉ phát hiện được trên 100.000 bệnh nhân lao trong tổng số khoảng 169.000 bệnh nhân lao mới theo ước tính. 
 
Đối với Quảng Bình, trong năm 2021, đã phát hiện và đưa và điều trị 638 bệnh nhân lao các thể, tương đương 71,16 ca/100.000 dân, nhưng trên thực tế dịch tễ bệnh lao trong cộng đồng ở tỉnh ta vẫn còn cao, khoảng 176 ca/100.000 dân”, Giám đốc CDC tỉnh cho biết thêm.
 
Một số hình ảnh khám sàng lọc bệnh lao tại xã Hoa Thủy ngày 8/8:
 
Nội Hà
 

tin liên quan

Thay đổi mức đóng, tăng quyền lợi hưởng bảo hiểm y tế

(QBĐT) - Bảo hiểm y tế là chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội nhằm chăm sóc tốt cho sức khỏe của nhân dân, mang ý nghĩa nhân văn và có tính sẻ chia cộng đồng sâu sắc, đặc biệt là với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn mỗi khi ốm đau, tai nạn rủi ro... 

185.700 liều vaccine 5 trong 1 do WHO và UNICEF hỗ trợ đã về Việt Nam

Đây là số vaccine được hỗ trợ khẩn cấp cho Bộ Y tế nhằm khắc phục tình trạng giảm tỷ lệ tiêm chủng và thiếu vaccine 5 trong 1, với mục tiêu khẩn cấp bảo vệ trẻ em khỏi các bệnh nguy hiểm.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng

(QBĐT) - Tại Quảng Bình, bệnh tay chân miệng cũng như các dịch bệnh mùa hè khác vẫn trong tầm kiểm soát, không có ổ dịch xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành Y tế, trong thời tiết bất lợi hiện nay, chúng ta không được chủ quan, lơ là.