Chủ động phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng

  • 15:03 | Thứ Năm, 27/07/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian vừa qua, các tỉnh thành phía Nam ghi nhận sự gia tăng mạnh số ca mắc tay chân miệng và đã có các ca tử vong do dịch bệnh này. Tại Quảng Bình, bệnh tay chân miệng cũng như các dịch bệnh mùa hè khác vẫn trong tầm kiểm soát, không có ổ dịch xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành Y tế, trong thời tiết bất lợi hiện nay, chúng ta không được chủ quan, lơ là và cần phải chủ động phòng, chống, ngăn ngừa, không để dịch bệnh tay chân miệng bùng phát.
 
Dịch tay chân miệng trong tầm kiểm soát
 
Trao đổi với Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận số ca mắc tay chân miệng ít và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, trong tình hình thời tiết bất lợi như hiện nay tuyệt đối không được chủ quan bởi đó là điều kiện thuận lợi cho bệnh tay chân miệng dễ bùng phát. Dịch bệnh tay chân miệng gây ra do các loại vi rút thuộc nhóm đường ruột, hiện đang lưu hành tại Việt Nam (theo Cục Y tế dự phòng) chủ yếu do chủng Enterovirus 71 (EV71) và Coxsackie A16.  
Các bác sĩ Khoa nhi Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới trao đổi với gia đình bệnh nhi tay chân miệng mới nhập viện.
Các bác sĩ Khoa nhi Bệnh viện HNVN-CBĐH trao đổi với gia đình bệnh nhi tay chân miệng mới nhập viện.
Bệnh tay chân miệng có thể xảy ra trên mọi đối tượng, nhưng đa phần vẫn là trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Chủng EV71 có thể gây các biến chứng nặng và tử vong. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ với các dấu hiệu đặc trưng, như: Sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng bóng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông...
 
Theo bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp, hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ, những vẫn có một số trường hợp bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Bệnh tay chân miệng xảy ra quanh năm và lây truyền theo đường tiêu hóa, nguyên nhân chủ yếu là do vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường chưa tốt, đặc biệt là việc thực hiện rửa tay với xà phòng cho trẻ chưa thường xuyên.
 
Tại Việt Nam, bệnh tay chân miệng lưu hành ở hầu khắp 63 tỉnh, thành phố và thường ghi nhận ca mắc nhiều vào thời điểm từ tháng 3-5 và từ tháng 9-11 hàng năm, nhất là vào đầu năm học mới, khi trẻ mầm non tựu trường.
 
Tuy nhiên, năm nay do điều kiện thời tiết cực đoan, dịch tay chân miệng đã bùng phát tại một số tỉnh, thành không theo chu kỳ. Đặc biệt, tại TP. Hồ Chí Minh đã gần đạt đỉnh dịch, nên chúng ta không thể lơ là, chủ quan phòng dịch khi lượng người lưu thông qua lại giữa các vùng miền dịp nghỉ hè gia tăng, nguy lây lan dịch bệnh tay chân miệng ở trẻ em là hiện hữu và có thể bùng phát thành dịch nếu không kịp thời phòng, chống.  
Bệnh tay chân miệng thường xuất hiện ở dạng bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và đầu gối của trẻ.
Bệnh tay chân miệng thường xuất hiện ở dạng bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và đầu gối của trẻ.
“Tại Quảng Bình số ca mắc tay chân miệng ghi nhận được đến thời điểm này đều là trẻ em, xảy ra rải rác ở các địa phương và chưa phát hiện ổ dịch nào. Nhưng đã ghi nhận một số ca có dấu hiệu chuyển nặng độ 2a, 2b nhập viện điều trị tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới (HNVN-CBĐH) và được theo dõi chuyển tuyến kịp thời. Hiện, Quảng Bình chưa có trường hợp tử vong do bệnh tay chân miệng và dịch bệnh đang được theo dõi, kiểm soát chặt chẽ”, bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp thông tin.
 
Phụ huynh lưu ý theo dõi các dấu hiệu bệnh chuyển nặng
 
Đó là khuyến cáo của bác sĩ Phạm Thị Ngọc Hân, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện HNVN-CBĐH. Theo bác sĩ Hân cho biết, so với cùng kỳ năm ngoái, số lượng ca tay chân miệng tại Quảng Bình không nhiều nhưng bệnh có chiều hướng diễn tiến nặng, do trẻ không may nhiễm phải các thể vi rút có độc lực cao. Từ đầu tháng 7 đến nay, đặc biệt là từ trung tuần tháng 7, khoa đã tiếp nhận 10 bệnh nhi bị tay chân miệng chuyển thể nặng từ độ 2a nhập viện điều trị, hầu hết trẻ mắc bệnh đều có độ tuổi từ 1 đến dưới 5 tuổi. 
 
“Khi tiếp nhận bệnh nhi tay chân miệng ở thể nặng, các y bác sĩ của khoa đã thực hiện theo dõi và điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. Tuy nhiên, có 5 ca diễn tiến bệnh độ 2b và độ 3 đã được chuyển tuyến kịp thời vào Bệnh viện Trung ương Huế vì lý do tại Bệnh viện HNVN-CBĐH hết loại thuốc IVIG (kháng thể hỗ trợ điều trị bệnh tay chân miệng thể nặng). Còn lại 4 ca khác được tích cực điều trị tại khoa đã hồi phục tốt và được xuất viện. Hiện tại, ở khoa nhi chỉ còn 1 bệnh nhi 4 tuổi bị tay chân miệng độ 2a vừa mới nhập viện đang được các y bác sĩ theo dõi sát, điều trị kịp thời không để bệnh diễn tiến nặng thêm”, bác sĩ Hân chia sẻ. 
Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Hân: Khi tiếp nhận bệnh nhi tay chân miệng ở thể nặng, các y bác sĩ của khoa đã thực hiện theo dõi và điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.
Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Hân: Khi tiếp nhận bệnh nhi tay chân miệng ở thể nặng, các y bác sĩ của khoa đã thực hiện theo dõi và điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.
Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Hân cho biết, tình trạng bệnh tay chân miệng nặng từ trước đến nay chủ yếu xuất hiện ở các tỉnh phía Nam, năm nay, ở Quảng Bình mới xuất hiện bệnh nhi mắc thể nặng. Tại Bệnh viện HNVN-CBĐH có thể đáp ứng điều trị bệnh tay chân miệng độ 2b, độ 3 nhưng hiện tại thiếu thuốc điều trị cho dịch bệnh này (đây là tình trạng chung của cả nước) và Bệnh viện Trung ương Huế cũng vừa thông báo kho dược của bệnh viện cũng đã hết thuốc IVIG, nên khó tiếp nhận bệnh nhân chuyển tuyến… Đây là vấn đề khá áp lực và khó khăn nếu dịch bệnh bùng phát và có nhiều bệnh nhi tay chân miệng chuyển nặng. Hiện, Khoa Dược Bệnh viện HNVN-CBĐH đang nỗ lực tìm kiếm nguồn thuốc. 
 
Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Hân khuyến cáo, dịch bệnh tay chân miệng còn diễn biến phức tạp khi các tỉnh phía Nam đang tiến sát đỉnh dịch, việc phòng ngừa phải được đặt lên hàng đầu. Đối với các gia đình có trẻ nhỏ cần hạn chế tiếp xúc nguồn lây bệnh, tránh nơi đông người và thường xuyên vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, phòng ngừa các bệnh về đường tiêu hóa.  
Bệnh nhi tay chân miệng được Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới theo dõi chặt chẽ và chuyển tuyến kịp thời.
Bệnh nhi tay chân miệng được Bệnh viện HNVN-CBĐH theo dõi chặt chẽ và chuyển tuyến kịp thời.
Bệnh tay chân miệng có 4 cấp độ (độ 1; độ 2a, 2b; độ 3 và độ 4), các bậc cha mẹ cần chủ động việc theo dõi khi trẻ bị tay chân miệng. Bởi nếu trẻ không may rơi vào thể nặng không được điều trị kịp thời sẽ rất nguy hiểm. Đặc biệt, khi trẻ có các dấu hiệu sốt cao, quấy khóc, khó ngủ hoặc ngủ li bì, giật mình, co giật, bỏ bú và ôn ói,... cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được theo dõi phân loại mức độ của bệnh nhằm chuyển tuyến điều trị kịp thời.
 
Chủ động tăng cường, đôn đốc các hoạt động phòng, chống dịch
 
Bác sĩ Huỳnh Công Hùng, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (CDC tỉnh) cho biết, tay chân miệng là bệnh vi rút không có thuốc điều trị đặc hiệu, có khoảng 95% ca mắc là trẻ em và thường xuất hiện ở các nhà trẻ, trường mầm non... Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện rải rác các trường hợp mắc tay chân miệng ở các địa bàn khác nhau, không khu trú ở một khu vực nào. Khi phát hiện ca bệnh, Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm đã phối hợp với đơn vị liên quan hỗ trợ các huyện, thị xã, thành phố xác minh ca bệnh và thực hiện biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng bệnh, nhận biết bệnh tay chân miệng và khuyến cáo các gia đình có trẻ nhỏ không chủ quan trước dịch bệnh này.
 
Theo số liệu giám sát từ CDC tỉnh, từ đầu năm đến ngày 27/7/2023, trên địa bàn tỉnh phát hiện 15 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, giảm hơn 34 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Bố Trạch ghi nhận 5 ca, TP. Đồng Hới 4 ca, Quảng Ninh 3 ca, Minh Hóa 2 ca và Lệ Thủy 1 ca. Hiện có 3 địa phương là TX. Ba Đồn, Quảng Trạch và Tuyên Hóa chưa ghi nhận ca mắc tay chân miệng.

Theo bác sĩ Hùng, mặc dù hiện nay tình hình bệnh tay chân miệng trên toàn tỉnh vẫn ổn định, nhưng trong những tháng tiếp theo khi trẻ tập trung trở lại trường học và trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại các tỉnh phía Nam đang diễn biến phức tạp, nguy cơ dịch bệnh tay chân miệng xuất hiện và bùng phát trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất cao. Vì vậy, CDC tỉnh tiếp tục tăng cường chỉ đạo, giám sát hướng dẫn các đơn vị thường xuyên triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh và giám sát các trường hợp về từ địa phương có dịch, truyền thông bằng mọi hình thức để người dân hiểu được mức độ nguy hiểm và chủ động phòng, chống. 

Bên cạnh đó, kết hợp giám sát hoạt động phòng, chống bệnh tay chân miệng cùng với các bệnh truyền nhiễm tại các vùng trọng điểm, trong tháng 7 này, CDC đã tiến hành giám sát 20 xã trên địa bàn tỉnh; tăng cường giám sát các điều kiện, quy trình nhập cảnh, kiểm tra chặt chẽ khách nhập cảnh từ các vùng đang có dịch, vùng có ổ dịch cũ để phát hiện, cách ly và xử lý kịp thời những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, không để bùng phát thành dịch.
UBND tỉnh yêu cầu Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường mầm non thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường thường xuyên, bảo đảm an toàn cho trẻ khi trở lại trường học.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục-Đào tạo chỉ đạo các trường mầm non thực hiện vệ sinh lớp học, môi trường, bảo đảm an toàn cho trẻ khi trở lại trường học.
Đặc biệt, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng. Trong đó, giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh; lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; củng cố các đội chống dịch cơ động nhằm kịp thời điều tra, xác minh, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới khi cần thiết; tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, đặc biệt lưu ý những ca bệnh nặng nhằm hạn chế thấp nhất tử vong.
 
Đồng thời, giao Sở Giáo dục-Đào tạo chủ động phối hợp với ngành Y tế để tổ chức truyền thông tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non về dịch bệnh tay chân miệng; triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm các cơ sở giáo dục có đủ các phương tiện để thực hiện rửa tay bằng xà phòng thường xuyên; thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường, cung cấp đủ nước uống, nước sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn bán trú; thường xuyên vệ sinh mặt bàn, ghế, làm sạch bề mặt và đồ chơi hàng ngày; phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ sở y tế trên địa bàn để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.
 
Nội Hà

tin liên quan

Vaccine phòng bệnh tay chân miệng đầu tiên ở Việt Nam đang chờ cấp phép

Vaccine phòng bệnh tay chân miệng đầu tiên đã hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 3.

Nâng cao năng lực quản lý nước sạch và vệ sinh môi trường cho y tế cơ sở

(QBĐT) - Trong ngày 20-21/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý nước sạch và vệ sinh môi trường cho đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác nước sạch, vệ sinh môi trường. 
 

Cảnh báo bệnh chân tay miệng diễn biến phức tạp

(QBĐT) - Trong vòng 1 tuần trở lại đây, Khoa Nhi của Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới đã tiếp nhận 6 trường hợp bệnh nhân nhi bị bệnh chân tay miệng xuất hiện các thể nặng.