Thuốc lá điện tử "len lỏi" vào học đường: Cần theo dõi dấu hiệu lạ ở trẻ

  • 07:52 | Thứ Sáu, 11/11/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Bệnh viện Nhi Trung ương đã ghi nhận không ít trường hợp học sinh được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong trạng thái kích thích, loạn thần, ảo giác hoặc suy hô hấp do ngộ độc các chất trong thuốc lá điện tử.
Thuốc lá điện tử được thiết kế đa dạng với hình dáng bắt mắt. (Ảnh minh họa)
Thuốc lá điện tử được thiết kế đa dạng với hình dáng bắt mắt. (Ảnh minh họa)
Nhiều trẻ nhập viện vì ngộ độc thuốc lá điện tử
 
Gần đây nhất, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận trường hợp của em N.A (nam, 12 tuổi) là học sinh trung học cơ sở ở Hà Nội đã đến Khoa Sức khỏe vị thành niên với tình trạng khó thở và co giật.
 
Theo thông tin khai thác thông tin từ gia đình: N.A là học sinh ngoan, học giỏi, nhưng bố đi làm xa, mẹ bận công việc nên không dành thời gian quan tâm, giám sát trẻ.
 
Gần đây, N.A hay tụ tập với các anh lớp trên ở trường học, các anh đã rủ N.A sử dụng thuốc lá điện tử. N.A cho rằng chơi với các anh lớn tuổi, bản thân mình được trải nghiệm hơn, “làm người lớn” hơn nên đã tự mua trên mạng về để được tự do hút. Cùng với việc hút thuốc lá điện tử, N.A cũng có biểu hiện học sa sút hơn, bướng bỉnh, có hành vi chống đối với bố mẹ.
 
Vào kỳ nghỉ 2/9 vừa qua, trẻ lên chơi và ở với bà nội tại Hòa Bình và đã sử dụng thuốc lá điện tử thường xuyên mà bà không hay biết. Sau khi hút thuốc lá điện tử, trẻ xuất hiện cơn run tay chân, chóng mặt, hoảng sợ, khó thở và xuất hiện cơn co giật. Trẻ được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương và được theo dõi, điều trị tại Khoa Sức khỏe vị thành niên.
 
Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Anh Vinh, Phó trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên cho biết, các bác sĩ đã lấy mẫu thuốc lá điện tử mà cháu đã sử dụng gửi đến Viện Pháp y quốc gia để tìm độc chất và kết quả cho thấy có thành phần của một số chất gây nghiện.
 
"Trường hợp này bệnh nhi bị ngộ độc chất gây nghiện do sử dụng thuốc lá điện tử. Sau khi điều trị ổn định, chúng tôi cũng đã tư vấn cho gia đình về cách giám sát và quan tâm con đúng mức để phòng ngừa việc tái diễn sử dụng thuốc lá điện tử của trẻ", bác sĩ Vinh chia sẻ.
 
Cảnh báo thuốc lá điện tử xâm nhập trường học
 
Thuốc lá điện tử là thiết bị chạy bằng pin dùng để làm nóng dung dịch lỏng (thường chứa nicotine), biến dung dịch này thành hơi cùng những luồng khói có hương thơm để người hút có thể hít vào phổi.
 
Hầu hết các mẫu thuốc lá điện tử hiện nay sử dụng ống chứa dung dịch - loại dùng một lần hoặc có thể bơm dịch vào để dùng tiếp. Tuy nhiên, một số thành phần chất ma túy cũng có thể được cho vào dưới dạng chất lỏng để tăng cảm giác của người dùng, không rõ nguồn gốc và nồng độ, vì thế, gây ra những hệ lụy khôn lường cho học sinh.
 
Thuốc lá điện tử có rất nhiều tên gọi khác nhau như vape, thuốc lá vaporizer, e-cigs, e-hookahs, vape, bút vape, ENDS (hệ thống điện tử cung cấp nicotin), ENNDS (hệ thống phân phối không chứa nicotin)… được thiết kế đa dạng với hình dáng bắt mắt: có thể giống điếu thuốc lá truyền thống hoặc giống như bút, ổ đĩa, hình thỏi son...
Học sinh dễ dàng sở hữu thuốc lá điện tử với đủ hình dạng có thể mang vào lớp mà không bị phát hiện. Sự “mới lạ” của thuốc lá điện tử với hương thơm hấp dẫn (kẹo, trái cây,..) cùng những lời quảng cáo: không gây hại, “văn hóa hút thuốc lành mạnh”, sành điệu, thuốc lá thế hệ mới… đã đánh trúng vào tâm lý thích thể hiện cái tôi của “tuổi mới lớn” và nhanh chóng xâm nhập vào trường học.
 
Theo bác sĩ Vinh, thuốc lá điện tử chứa nicotine là chất gây nghiện, vì thế trẻ có thể vật vã khó chịu khi sử dụng.
 
Nicotine còn gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, gây suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến trí tuệ do não bộ của trẻ chưa hoàn thiện. Thậm chí, có thể gây ra nguy cơ đau thắt ngực, suy tim, đột quỵ, suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng.
 
Thuốc lá điện tử với các ống dung dịch đốt không có định lượng về nồng độ nicotine và tạp chất, dẫn đến nguy cơ người sử dụng tăng liều lượng nicotine và gây ra ngộ độc cấp tính.
 
Dấu hiệu sớm nhận biết trẻ dùng thuốc lá điện tử
 
Bác sĩ Vinh khuyến cáo các bậc cha mẹ cần quan tâm sát sao đến những biểu hiện lạ ở con mình như thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe: các biểu hiện hô hấp như ho, hụt hơi, khó thở vì trong thuốc lá điện tử có một số chất có hại cho phổi; Trẻ hay có biểu hiện lo âu, cáu gắt, thậm chí trẻ có xu hướng tham gia các hành vi mạo hiểm.
 
Thuốc lá điện tử đa dạng về kích thước và hình dáng, do vậy có thể xuất hiện dưới dạng ống, USB,… Nếu cha mẹ tìm thấy những vật thể có hình dáng bất thường trong nhà, thì có thể đưa đến bệnh viện để kiểm tra.
 
Thuốc lá điện tử thường có mùi hoa quả hấp dẫn trẻ. Những mùi phổ biến là mùi cam, bạc hà, chanh,… Nếu cha mẹ ngửi thấy những mùi hương bất thường trong nhà, có thể đó là dấu hiệu của việc trẻ dùng thuốc lá điện tử.
 
Trẻ có xu hướng lén lút sử dụng cùng với bạn bè, do vậy, cha mẹ nên để ý khi trẻ có buổi đi chơi đáng ngờ, tham gia chơi cùng nhóm bạn mới, nhắn tin hay trò chuyện bí mật.
 
Để hạn chế được tối đa vấn nạn thuốc lá điện tử hiện nay ở lứa tuổi vị thành niên, vai trò của gia đình trong đó bố mẹ đóng vai trò rất quan trọng. Bố mẹ cần chú ý dành thời gian quan tâm, lắng nghe trẻ và giám sát trong các hoạt trong cuộc sống của trẻ trên cơ sở tôn trọng tránh dẫn đến các hành vi chống đối do bị áp đặt.
 
Phối hợp nhà trường để tìm hiểu thêm sinh hoạt, mối quan hệ của trẻ để có thể phát hiện những dấu hiệu bất thường. Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, cần liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được thăm khám và điều trị sớm.
 
Bác sĩ Vinh cho rằng, vai trò giáo dục của nhà trường cũng là yếu tố quan trọng để trẻ vị thành niên không bị sa đà vào những thói hư tật xấu, những tệ nạn xã hội. Do đó, nhà trường cần giáo dục học sinh nhận thức được các chất gây nghiện và các tác hại do sử dụng chất gây nghiện. Tăng cường các hoạt động ngoại khóa để giải tỏa căng thẳng sau giờ học.
 
Ngoài ra, cần quản lý chặt chẽ vấn đề sử dụng chất gây nghiện ở học sinh: nguồn cung cấp, đối tượng sử dụng để tránh nguy cơ sử dụng rộng rãi tại trường học.
 
"Sự phối hợp chặt chẽ giữa bố mẹ và nhà trường cùng với sự chung tay của xã hội, tình trạng học sinh hút thuốc lá điện tử sẽ sớm được loại bỏ khỏi môi trường học đường. Qua đó, xây dựng một thế hệ trẻ vị thành niên khỏe mạnh và trở thành nhân tố tương lai góp phần cho sự phát triển của xã hội, đất nước", bác sĩ Vinh nói.
Theo Trần Lam (NDO)

tin liên quan

Chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết tại nhà như thế nào để tránh biến chứng nặng?

Người mắc sốt xuất huyết điều trị tại nhà cần được theo dõi, chăm sóc như thế nào?

Tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người

Chiều 28/10, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, thông qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, ngày 17/10, Cục Y tế dự phòng ghi nhận bệnh nhi nữ 5 tuổi, trú tại xã Đông Thanh, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ dương tính với cúm A(H5). Đây là ca bệnh cúm A(H5) trên người mới nhất tại Việt Nam kể từ tháng 2/2014.

Minh Hóa: Ghi nhận 65 trường hợp mắc sốt xuất huyết

(QBĐT) - Tin từ Trung tâm Y tế huyện Minh Hóa cho biết, từ đầu năm đến ngày 9/11/2022, trên địa bàn huyện Minh Hóa có 65 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), chưa ghi nhận trường hợp tử vong.