Dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm trong sốt xuất huyết Dengue

  • 07:15 | Thứ Năm, 03/11/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Ước tính có khoảng 1/20 bệnh nhân nhiễm sốt xuất huyết Dengue có thể tiến triển nặng/nguy kịch, đe dọa tính mạng. Khi bị nhiễm lần 2 sẽ là yếu tố nguy cơ làm sốt xuất huyết tiến triển nặng.
(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)
 
1/20 bệnh nhân nhiễm Dengue có thể tiến triển nặng
 
Bác sĩ Đỗ Anh, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sốt xuất huyết Dengue có thể từ không có triệu chứng, biểu hiện nhẹ đến nguy kịch/nặng.
 
Sốt xuất huyết có 4 tuýp nên một người có thể nhiễm tới 4 lần. Sau nhiễm sẽ tạo miễn dịch lâu dài với tuýp đó.
 
Ước tính có khoảng 1/20 bệnh nhân nhiễm Dengue có thể tiến triển nặng/nguy kịch, đe dọa tính mạng. Khi bị nhiễm lần 2 sẽ là yếu tố nguy cơ cho tiến triển nặng.
 
“Biểu hiện của sốt xuất huyết rất dễ nhầm lẫn với các bệnh sốt do căn nguyên khác (cúm A/B, Rsv.. trong những ngày đầu của bệnh). Vì biểu hiện lâm sàng của sốt xuất huyết không đặc hiệu nên cần theo dõi sát/phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm (shock) sớm, để nhanh chóng nhập viện/can thiệp sớm, giảm nguy cơ tử vong”, bác sĩ Đỗ Anh nói.
 
Sốt xuất huyết có 4 giai đoạn: Pha ủ bệnh (5-7 ngày), Pha sốt (febrile), Pha nguy kịch/nguy hiểm (critical), Pha hồi phục (convalescent).
 
Biểu hiện hay gặp ở pha sốt thường diễn ra trong 2-7 ngày với triệu chứng sốt, đau mỏi cơ, đau mắt, đau khớp, đau họng, đau đầu, nôn và buồn nôn; ban đỏ da, chấm xuất huyết dưới da.
 
Uống đúng và đủ trong sốt Dengue
 
Bác sĩ Đỗ Tuấn Anh cho biết, sốt xuất huyết là bệnh có thể dễ dàng được điều trị và chăm sóc tại nhà bằng các kiến thức y khoa thông thường: nghỉ ngơi, uống đủ nước, dinh dưỡng đầy đủ, uống thuốc hạ sốt.
 
Do sốt Dengue thường sốt cao (39-40,5 độ), sốt liên tục và dai dẳng, đáp ứng kém với thuốc hạ sốt (paracetamol, lưu ý không dùng Ibuprofen), ăn uống kém, nôn trớ... tất cả lý do trên khiến cơ thể người bệnh rơi vào tình trạng thiếu dịch, làm trầm trọng hơn các triệu chứng của bệnh (mệt, đau đầu, đau mỏi người).
 
"Một trong những biến chứng nguy hiểm của sốt Dengue đó là cơ thể thiếu/mất dịch, rơi vào tình trạng shock. Do đó, khi bạn được chẩn đoán là sốt Dengue, điều cực kỳ quan trọng đó là bảo đảm đủ cơ thể bạn đủ nước. Có 3 loại đồ uống rất tốt cho hồi phục sốt Dengue, Oresol, sữa (giảm các tác dụng mệt mỏi và khó chịu của bệnh), nước hoa quả cung cấp điện giải và multivitamin (chuối, cam, kiwi, bơ)", bác sĩ Đỗ Anh nhấn mạnh.
 
Trong giai đoạn đầu của sốt Dengue (pha sốt), hơn 70% người bệnh có thể tự theo dõi và chăm sóc ở nhà bằng chế độ dinh dưỡng và uống đủ nước.
 
Điều thứ 2 trong pha bệnh này là người bệnh mệt, đau mỏi người và khớp, do vậy được nghỉ ngơi đủ là rất quan trọng. Hãy cố ngủ càng nhiều càng tốt, giúp cơ thể nghỉ ngơi và hồi phục.
 
Những thực phẩm tốt nhất cho người bệnh sốt Dengue: nước tinh khiết, Oresol, nước dừa, nước trái cây; sữa, các chế phẩm từ sữa; thực phẩm nhiều đạm (protein): thịt nạc (thịt gà, thịt bò, cá), gan; trứng.
 
Khi nào sốt Dengue trở nên nguy hiểm?
 
Theo bác sĩ Đỗ Anh, dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết trở nên nguy hiểm thường rơi vào pha sốt muộn (late febrile) hay còn gọi là pha hạ sốt, thường diễn ra 24-48 giờ.
 
Khi trẻ hết sốt là thời điểm dấu hiệu nặng có thể xuất hiện liên quan đến các tình trạng thoát mạch (dịch/plasma thấm ra khỏi lòng mạch), ứ dịch (ở các khoang cơ thể: khoang màng phổi gây tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim, tràn dịch màng bụng,…), tình trạng suy hô hấp/khó thở, chảy máu và suy giảm chức năng nhiều cơ quan trong cơ thể.
 
"Hầu hết là trẻ sẽ hồi phục ở pha hết sốt nhưng 1 số (1/20) sẽ diễn ra tình trạng “thoát mạch-plasma leakage” trong vòng vài tiếng, trẻ bị sốc xuất huyết, làm tràn dịch đa màng (màng tim, phổi, bụng), máu bị cô đặc, tụt kẹt huyết áp", bác sĩ Đỗ Anh nói.
 
Do đó, gia đình cần phát hiện sớm 6 dấu hiệu sau để đưa trẻ nhập viện: đau bụng; li bì/ kích thích và nôn liên tục; trẻ đang sốt cao hạ thân nhiệt đột ngột; trẻ bắt đầu xuất hiện chảy máu (mũi/ miệng/ tiểu máu/ phân máu) hoặc da niêm mạc xanh tái; chân tay trẻ lạnh/ẩm; đau bụng/ gan to ra (bác sĩ thăm khám/ trẻ chỉ đau bụng vùng gan-hạ sườn bên phải), ấn tức vùng bụng.
 
5 điều bệnh nhân sốt xuất huyết cần làm để nhanh khỏe
 
- Bù đủ dịch (uống đủ và đúng loại dinh dưỡng-tốt cho sức khỏe)
 
- Kiểm soát các triệu chứng tốt (thuốc hạ sốt Paracetamol, đúng liều đúng khoảng cách, không dùng Ibuprofen)
 
- Nghỉ ngơi (ngủ và vận động nhẹ nhàng)
 
- Dinh dưỡng đúng (ăn những thực phẩm tốt, tránh những đồ ăn không tốt)
 
- Theo dõi sát tình trạng sức khỏe, chủ động phát sớm các dấu hiệu nguy hiểm, tốt nhất nên có sự theo dõi, giám sát của 1 bác sĩ gia đình.
 
Các thực phẩm phải tránh cho trẻ khi mắc sốt xuất huyết là thực phẩm rán/nhiều dầu mỡ; đồ uống có caffein/có ga như coca/pepsi; thực phẩm mỡ/béo, gia vị cay.
Theo Trần Lam (NDO)

tin liên quan

Chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết tại nhà như thế nào để tránh biến chứng nặng?

Người mắc sốt xuất huyết điều trị tại nhà cần được theo dõi, chăm sóc như thế nào?

Chế độ nhịn ăn gián đoạn 16/8 có thể đem lại lợi ích cho sức khỏe

Chế độ 16/8 - biện pháp giảm cân bằng cách hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm và đồ uống có chứa calo trong 8 giờ/ngày và kiêng ăn trong 16 giờ còn lại - được chứng minh là có lợi cho sức khỏe.

Mỹ thử nghiệm sử dụng thuốc Paxlovid trong điều trị COVID-19 kéo dài

COVID-19 kéo dài là bệnh lý phức tạp với hơn 200 triệu chứng trong đó có kiệt sức, suy giảm nhận thức, đau mỏi cơ, sốt, tim đập nhanh, kéo dài nhiều tháng thậm chí nhiều năm sau khi nhiễm SARS-CoV-2.