Việt Nam bổ sung đậu mùa khỉ vào danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B

  • 14:30 | Thứ Năm, 10/11/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Quyết định số 3044/QĐ-BYT của Bộ Y tế bổ sung bệnh đậu mùa khỉ vào danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B ban hành ngày 9/11 căn cứ trên đề xuất của Cục Y tế Dự phòng...
Lãnh đạo Bộ Y tế đi kiểm tra công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ tại Bệnh viện Da liễu Hà Nội. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Lãnh đạo Bộ Y tế đi kiểm tra công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ tại Bệnh viện Da liễu Hà Nội. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Bộ Y tế vừa có quyết định bổ sung bệnh đậu mùa khỉ vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm B - gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.
 
Quyết định số 3044/QĐ-BYT của Bộ Y tế bổ sung bệnh đậu mùa khỉ vào danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B ban hành ngày 9/11 căn cứ trên đề xuất của Cục Y tế Dự phòng; Các hoạt động phòng, chống bệnh được thực hiện theo quy định của luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và căn cứ vào tính chất nguy hiểm, khả năng lây truyền và tỷ lệ tử vong của bệnh đậu mùa khỉ.
 
Tại Việt Nam, các bệnh truyền nhiễm được phân làm 3 nhóm.
 
Nhóm A là các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh bao gồm các bệnh bại liệt, cúm gia cầm A/H5N1, bệnh đậu mùa, bệnh COVID-19, bệnh sốt vàng…
 
Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong gồm bệnh do virus Adeno, bệnh do virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), bạch hầu, cúm, bệnh dại, ho gà, lao phổi, sốt xuất huyết, sốt rét, sởi, bệnh tay chân miệng, thủy đậu…
 
Nhóm C gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh (giang mai, lậu, bệnh sốt mò, sán lá gan, sốt xuất huyết do virus Hanta…).
 
Tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Việt Nam cũng đã ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh về từ nước ngoài.
 
Bệnh đậu mùa khỉ (monkeypox) được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1958 trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu.
 
Trường hợp bệnh đầu tiên ở người được ghi nhận vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Conggo, kể từ đó bệnh đậu mùa khỉ ở người trở thành bệnh lưu hành ở khu vực Trung Phi và Tây Phi.
 
Năm 2003, đợt dịch đậu mùa khỉ đầu tiên xảy ra bên ngoài châu Phi là ở Mỹ liên quan đến cầy thảo nguyên (chó đồng) đã dẫn đến hơn 70 ca mắc và sau đó bệnh đậu mùa khỉ được báo cáo rải rác.
 
Từ tháng 5/2022 đến nay dịch có diễn biến bất thường, lan ra nhiều quốc gia. Thời gian ủ bệnh thường 6-13 ngày, nhưng có thể dao động từ 5-21 ngày. Biểu hiện triệu chứng có thể khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, nhưng tương tự như bệnh đậu mùa.
 
Các triệu chứng thường thấy của bệnh đậu mùa khỉ như: sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn. Bệnh có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tuần.
Theo T.G (Vietnam+)

tin liên quan

Chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết tại nhà như thế nào để tránh biến chứng nặng?

Người mắc sốt xuất huyết điều trị tại nhà cần được theo dõi, chăm sóc như thế nào?

Tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người

Chiều 28/10, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, thông qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, ngày 17/10, Cục Y tế dự phòng ghi nhận bệnh nhi nữ 5 tuổi, trú tại xã Đông Thanh, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ dương tính với cúm A(H5). Đây là ca bệnh cúm A(H5) trên người mới nhất tại Việt Nam kể từ tháng 2/2014.

Giải thưởng xuất sắc về phòng, chống mù lòa châu Á-Thái Bình Dương được trao tặng cho một bác sĩ Việt Nam

Bệnh viện Mắt tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết vừa nhận được thư của Hiệp hội Nhãn khoa châu Á-Thái Bình Dương thông báo bác sĩ Nguyễn Viết Giáp - Giám đốc Bệnh viện được chọn là người nhận Giải thưởng cống hiến xuất sắc về phòng, chống mù lòa châu Á-Thái Bình Dương năm 2023.