Quốc tế
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Những điều thú vị xung quanh Ngày Chiến thắng tại Liên bang Nga

  • 07:01 | Thứ Tư, 10/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Ngày Chiến thắng, ngoài chiến công của người lính Hồng quân, câu chuyện những người lao động ở quê nhà và những người dân thường sống sót sau chiến tranh, cũng gắn với nhiều điều thú vị.
Các quân nhân Nga tham gia diễu binh kỷ niệm 78 năm Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại ở thủ đô Moskva, ngày 9/5. (Ảnh: Anadolu Agency/TTXVN)
Các quân nhân Nga tham gia diễu binh kỷ niệm 78 năm Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại ở thủ đô Moskva, ngày 9/5. (Ảnh: Anadolu Agency/TTXVN)
Ngày 9/5, trên toàn Liên bang Nga kỷ niệm ngày lễ quan trọng nhất - Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.
 
Đây là Ngày Chiến thắng huyền thoại của Hồng quân Liên Xô trước chủ nghĩa phátxít và là ngày tưởng nhớ những người lính đã hy sinh.
 
Ngày Chiến thắng, ngoài chiến công của người lính Hồng quân, câu chuyện những người lao động ở quê nhà và những người dân thường sống sót sau chiến tranh, cũng gắn với nhiều điều thú vị.
 
Hai lần đầu hàng
 
Tháng 1/1945, Hồng quân Liên Xô đã tiến hành tổng tấn công ở miền Trung Ba Lan và Đông Phổ, buộc bộ chỉ huy Đức Quốc xã phải chuyển một phần quân đội từ mặt trận phía Tây sang phía Đông, tạo điều kiện để quân đồng minh đánh đuổi các đơn vị Đức ra khỏi Rhineland và Ruhr Basin và tiến về phía sông Elbe, cũng như ở các khu vực trung tâm và phía Nam của mặt trận.
 
Hitler, sau 4 lần bị ám sát, đã tự sát ngày 30/4/1945 - trước khi phương diện quân Belorussia 1 và Ukraine 1 chiếm Berlin ngày 2/5.
 
Sau một tuần kháng cự, ngày 7/5/1945, đại diện của Đô đốc Karl Dönitz, người kế nhiệm Hitler làm nguyên thủ quốc gia, đã ký văn kiện đầu hàng vô điều kiện trước Đồng minh phương Tây tại trụ sở của Tướng Mỹ Dwight David Eisenhower ở Reims.
Khí tài quân sự tham gia duyệt binh kỷ niệm 78 năm Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại trên Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moskva, Nga ngày 9/5. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Khí tài quân sự tham gia duyệt binh kỷ niệm 78 năm Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại trên Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moskva, Nga ngày 9/5. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Sau đó, theo lệnh của nhà lãnh đạo Liên Xô Iosif Stalin, Nguyên soái Zhukov tiếp nhận sự đầu hàng chung của đại diện Các Lực lượng vũ trang Đức Quốc xã tại Berlin. Sự đầu hàng cuối cùng của Đức do Thống chế W. Keitel ký vào hồi 22h43 ngày 8/5 giờ Trung Âu, theo giờ Moskva khi đó đã là 00h43 ngày 9/5.
 
Đây là lý do ở châu Âu, Ngày Hòa giải Chiến tranh Thế giới thứ hai được tổ chức ngày 8/5 trong khi Ngày Chiến thắng Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại tại Nga được tổ chức vào ngày 9/5.
 
Lá cờ Chiến thắng là lá cờ tấn công của Sư đoàn bộ binh 150 thuộc Tập đoàn quân xung kích số 3, Phương diện quân Belorussia 1, được cắm trên mái nhà Quốc hội Đức vào lúc 22h00 ngày 30/4 theo giờ Berlin, nhưng là ngày 1/5 giờ Moskva. Lá cờ chiến thắng được đưa đến Moskva ngày 20/6/1945 để rước trên Quảng trường Đỏ.
 
Lịch sử các lễ duyệt binh
 
Lễ duyệt binh đầu tiên kỷ niệm Ngày Chiến thắng diễn ra vào ngày 24/6/1945. Ban đầu, sự kiện dự kiến tổ chức vào cuối tháng 5 song phải điều chỉnh do các xưởng may phải sản xuất đủ 10.000 bộ lễ phục cho các binh sỹ.
 
Trong ngày 24/6 đã có một trận mưa như trút nước nên phần diễu binh trên không bị hủy bỏ. Tất cả những người tham gia cuộc diễu binh đều ướt sũng. Lễ duyệt binh do Nguyên soái Georgy Zhukov chỉ huy trên con ngựa trắng bạc Kumir.
 
Tượng Nguyên soái Zhukov cưỡi con ngựa trắng bạc Kumir đã được khai trương ngày 8/5/1995, nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, trên Quảng trường Manezh trước lối vào Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moskva.
 
Ngày 9/5 không được coi là một ngày lễ cho đến khi được nhà lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev khôi phục vào năm 1965. Trong năm đó đã diễn ra lễ duyệt binh Chiến thắng lần thứ hai. Lễ duyệt binh lần thứ ba diễn vào dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Chiến thắng - 1985.
 
Các lễ duyệt binh tiếp theo diễn ra vào năm 1990 và năm 1995. Từ năm 1996, Lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng truyền thống trở thành sự kiện hằng năm và từ năm 2008 có sự tham gia của các phương tiện chiến đấu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải, hàng đầu) phát biểu tại lễ duyệt binh kỷ niệm 78 năm Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại ở Moskva, ngày 9/5/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải, hàng đầu) phát biểu tại lễ duyệt binh kỷ niệm 78 năm Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại ở Moskva, ngày 9/5/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo truyền thống, lễ duyệt binh có ba phần gồm phần diễu binh bộ, phần cơ giới và phần trên không với số máy bay tham gia đúng bằng số năm kỷ niệm sự kiện.
 
Do đại dịch COVID-19, năm 2020, Lễ duyệt binh kỷ niệm 75 năm Ngày Chiến thắng không diễn ra vào ngày 9/5 mà bị lùi tới ngày 24/6. Vào ngày này, lễ duyệt binh được tổ chức tại 28 thành phố của Liên bang Nga và lễ duyệt binh lớn nhất theo truyền thống diễn ra trên Quảng trường Đỏ ở thủ đô.
 
Moskva với sự tham gia của khoảng 15.000 sỹ quan và binh sỹ của Liên bang Nga, Armenia, Belarus, Trung Quốc, Serbia, Ấn Độ, Kazakhstan và các quốc gia khác.
 
Năm 2021, Lễ duyệt binh Chiến thắng diễn ra như thường lệ vào ngày 9/5 trên Quảng trường Đỏ với sự tham gia của 12.000 sỹ quan và binh sỹ và hàng trăm thiết bị quân sự.
 
Trong nhiều năm, giọng đọc nổi tiếng trong các lễ duyệt binh là của Nghệ sỹ Nhân dân Liên bang Nga Yevgeny Khoroshevtsev, người qua đời cuối năm 2020. Tại lễ duyệt binh năm 2021, học trò của ông, Anton Suntsov, là người đọc mới./.
 
Theo Duy Trinh (TTXVN/Vietnam+)
 

tin liên quan

21 người thiệt mạng trong vụ cháy bệnh viện ở Bắc Kinh

Một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng vừa xảy ra tại một bệnh viện ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, làm 21 người thiệt mạng.
 

Cựu Thủ tướng Angela Merkel nhận Huân chương cao quý nhất của nước Đức

Ngày 17/4, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã trao tặng Huân chương Công trạng Đại tinh thập tự cho cựu Thủ tướng Angela Merkel.
 

Tổng thư ký LHQ kêu gọi làm mới cấu trúc tài chính toàn cầu

Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh thế giới đang cần hệ thống tài chính chặt chẽ, phối hợp tốt và phản ánh đúng thực trạng kinh tế, giúp ổn định tình hình kinh tế, đồng thời giúp các nước đầu tư vào SDG.