Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi):

Cần sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ sử dụng đất của đơn vị sự nghiệp công lập

  • 07:51 | Thứ Bảy, 11/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tính đến ngày 31/12/2021, số lượng các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) trong các bộ, ngành, địa phương là 48.055 đơn vị; trong đó có 3.135 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên trở lên (287 đơn vị bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, chiếm tỷ lệ 0,6% và 2.848 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, chiếm tỷ lệ 5,97%, tương ứng tỷ lệ 6,6% tổng số đơn vị SNCL của bộ, ngành, địa phương); 8.922 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; 35.687 đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, chiếm tỷ lệ 74,7%.
 
Hiện tên gọi, cơ cấu tổ chức bộ máy, loại hình, mức độ tự chủ của đơn vị SNCL; quản lý và sử dụng tài sản công, trong đó có quyền sử dụng đất của các đơn vị SNCL được thực hiện theo quy định của Luật Viên chức năm 2010, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, ngày 21/6/2021 về quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị SNCL; Thông tư số 56/2022/TT-BTC, ngày 16/9/2022 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị SNCL; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị SNCL.
 
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định các nội dung liên quan đến việc sử dụng đất của đơn vị SNCL tại 6 điều, gồm: Điều 5 (Người sử dụng đất); Điều 10 (Phân loại đất); Điều 165 (Đất sử dụng ổn định lâu dài); Điều 166 (Đất sử dụng có thời hạn); Điều 192 (Đất xây dựng trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp) và Điều 208 (Đất do các cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý, sử dụng).
 
Tuy nhiên, để bảo đảm đầy đủ, logic, chặt chẽ, làm rõ hơn về loại hình đơn vị SNCL với tư cách là người sử dụng đất; về thời hạn sử dụng và chế độ sử dụng đất của mỗi loại hình đơn vị SNCL, đề nghị ban soạn thảo xem xét, cân nhắc, sửa đổi, bổ sung các vấn đề sau đây:
 
1. Cần bổ sung vào Điều 3 dự thảo luật việc giải thích từ ngữ về Đơn vị SNCL tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị SNCL chưa tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư. Nếu giải thích theo hướng viện dẫn văn bản hiện hành, thì cũng cần bổ sung và nêu rõ.
 
Bởi vì: Theo quy định của khoản 1, Điều 9, Luật Viên chức năm 2010, đơn vị SNCL là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước. Tuy nhiên, việc phân loại đơn vị SNCL theo Luật Viên chức và theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP và Thông tư số 56/2022/TT-BTC có sự khác nhau.
 
Cụ thể, nếu phân loại theo khoản 2, Điều 9, Luật Viên chức năm 2010, đơn vị SNCL gồm hai loại: (1) Đơn vị SNCL được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự; (2) Đơn vị SNCL chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự.
 
Nếu phân loại theo mức tự chủ tài chính quy định tại Điều 9, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP và Điều 4, Thông tư số 56/2022/TT-BTC, đơn vị SNCL gồm bốn loại: (1) Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (đơn vị nhóm 1); (2) Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị nhóm 2); (3) Đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (đơn vị nhóm 3); (4) Đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị nhóm 4).
 
Tại Điều 165 và Điều 166 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định hai loại đơn vị SNCL, đó là: (1) Đơn vị SNCL tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (là đơn vị nhóm 1 theo quy định của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP và Điều 4, Thông tư số 56/2022/TT-BTC) và (2) đơn vị SNCL chưa tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư (hiện chưa có văn bản nào giải thích rõ).
 
2. Cần quy định thống nhất về đất xây dựng công trình sự nghiệp, thời hạn và chế độ sử dụng đất của đơn vị SNCL.
 
Bởi lẽ, theo quy định tại khoản 4, Điều 3, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017: Cơ sở hoạt động sự nghiệp là đất, nhà làm việc, công trình sự nghiệp và tài sản khác gắn liền với đất phục vụ hoạt động quản lý và cung cấp dịch vụ công của đơn vị SNCL.
 
Tại điểm d, khoản 2, Điều 10 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định:“d) Đất xây dựng công trình sự nghiệp gồm đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp; đất xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường, khí tượng thủy văn, ngoại giao và công trình sự nghiệp khác;”. Tuy nhiên, khoản 2, Điều 192 dự thảo Luật Đất đai lại quy định: Đất xây dựng công trình sự nghiệp gồm đất xây dựng các công trình sự nghiệp thuộc các ngành và lĩnh vực về kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, khí tượng thủy văn, môi trường, ngoại giao và các công trình sự nghiệp khác.
 
Vậy, công trình sự nghiệp bao gồm những gì cần quy định thống nhất giữa dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các luật khác có liên quan và giữa quy định tại các điều của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Có thể quy định theo hướng viện dẫn các quy định hiện hành hoặc quy định, giải thích rõ trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
 
Mặt khác, theo quy định tại khoản 5, Điều 165 và khoản 6, Điều 166 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), việc giao đất sử dụng ổn định lâu dài, hay giao sử dụng đất có thời hạn tùy thuộc vào đơn vị SNCL tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư hay chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư. Tuy nhiên, điểm c, khoản 2, Điều 208 quy định: Đất công trình SNCL thuộc loại đất do các cơ quan, tổ chức của Nhà nước sử dụng được giao đất không thu tiền sử dụng đất và điểm b, khoản 3, Điều 208 lại quy định: Đất công trình SNCL thuộc loại đất do các cơ quan, tổ chức của Nhà nước sử dụng được giao đất theo hình thức thuê đất trả tiền hàng năm. Theo quy định này, đều là Đất công trình SNCL nhưng vừa giao đất không thu tiền vừa giao đất theo hình thức thuê đất trả tiền hàng năm.
 
Như vậy, có sự mâu thuẫn, không thống nhất giữa khoản 2 và khoản 3, Điều 208 và khoản 5, Điều 165 và khoản 6, Điều 166. Vì vậy, đề nghị cần phải liệt kê rõ đất công trình SNCL quy định tại khoản 2 và khoản 3, Điều 208 nêu trên bao gồm những loại công trình nào. Đồng thời, cũng cần quy định rõ việc áp dụng chế độ sử dụng đất đối với loại hình đơn vị SNCL nêu tại khoản 5, Điều 165 và khoản 6, Điều 166 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) như thế nào.
 
                                                                         Luật gia Nguyễn Thị Lài

tin liên quan

Những sai phạm về đất đai ở xã Bảo Ninh

(QBĐT) - Đi sâu tìm hiểu, Báo Quảng Bình còn phát hiện vấn đề quản lý đất đai ở địa phương này nhiều năm bị buông lỏng để hàng loạt sai phạm xảy ra, gây bức xúc trong dư luận, người dân gửi đơn thư phản ánh, kiến nghị vượt cấp.

Cục QLLT phát hiện 89 vụ vi phạm trong đợt cao điểm dịp Tết Nguyên đán

(QBĐT) - Trong đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, Cục QLTT đã kiểm tra 90 vụ, phát hiện 89 vụ vi phạm, đã xử lý 88 vụ với 100 hành vi vi phạm.

Sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân, đẩy mạnh cải cách tư pháp

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đánh giá, các cấp tòa án đã chủ động, sáng tạo đề ra rất nhiều giải pháp đột phá nhằm cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng hoạt động tòa án.