Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi):

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân

  • 13:55 | Thứ Ba, 07/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đất đai là chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc, được hiến định trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật. Hiến pháp khẳng định, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
 
Sau 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013, mặc dù đạt nhiều kết quả quan trọng trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, nhưng vẫn phát sinh nhiều hạn chế, bất cập so với thực tiễn, như: Nguồn lực về đất đai chưa đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; công tác thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư nhiều nơi chưa hài hòa lợi ích; đơn thư, khiếu kiện liên quan đến lĩnh vực đất đai chiếm tỷ lệ cao; tạo “kẽ hở” cho nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng chuyển đất công thành đất tư...
 
Hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai
 
Luật Đất đai (sửa đổi) do Bộ Tài nguyên-Môi trường dự thảo và đang triển khai lấy ý kiến toàn dân lần này thể hiện tính dân chủ, minh bạch và hợp lý nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN trong điều kiện hội nhập quốc tế; giải quyết các chồng chéo, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn; tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng lẫn giá trị kinh tế... bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.
 
Bên cạnh đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn góp phần thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất; phát triển thị trường bất động sản lành mạnh; phát huy nguồn lực đất đai; thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, hiệu quả gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; phát huy dân chủ, hạn chế tình trạng tranh chấp, khiếu kiện về lĩnh vực đất đai. 
 Hội Luật gia tỉnh tổ chức lấy ý kiến các cấp hội cơ sở tham gia vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Hội Luật gia tỉnh tổ chức lấy ý kiến các cấp hội cơ sở tham gia vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, tác động đến mọi mặt đời sống xã hội, kinh tế, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường đất nước và từng địa phương, giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai. Do đó, luật phải thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước; thống nhất trong tổng thể các mối quan hệ pháp lý khác liên quan đến đất đai.
 
Những tồn tại, bất cập qua 10 năm thực thi Luật Đất đai năm 2013 là do hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và yêu cầu phát triển đất nước; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các quy hoạch liên quan chưa thống nhất, đồng bộ; giá đất chưa phản ánh thực tế thị trường; việc thực hiện pháp luật về đất đai nhiều lúc, nhiều nơi chưa nghiêm, tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai diễn biến phức tạp...
 
Bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp
 
Nhiều nội dung Luật Đất đai năm 2013 cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình mới, trong đó đề xuất bỏ khung giá đất, xây dựng giá đất sát với giá thị trường để khắc phụ tình trạng thất thoát giá trị sử dụng đất, hạn chế tham nhũng, tiêu cực về lĩnh vực đất đai.
 
Nội dung bỏ khung giá đất như hiện hành được phần lớn người dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về cách thức, phương pháp xác định giá đất như thế nào để sát với giá thị trường, đòi hỏi Bộ Tài nguyên-Môi trường và các cơ quan liên quan đến dự thảo Luật Đất đai tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các ý kiến góp ý của toàn dân.
 
Về đấu thầu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, cần bảo đảm tính công khai, minh bạch, tránh thông thầu, bỏ thầu. Quy định chặt chẽ các trường hợp được chuyển nhượng, thế chấp nhằm khắc phục tình trạng nhà thầu chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai với Nhà nước mà đã lợi dụng chính sách này để thế chấp, chuyển nhượng, thu lợi bất chính. Trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội, cần quy định từng tiêu chí cụ thể, tránh tình trạng thu hồi đất ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của người dân đã được Hiến pháp quy định. Việc mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân cũng cần tính toán kỹ lưỡng để phù hợp với thực tiễn trên phạm vi toàn quốc cũng như từng địa phương cụ thể.
 
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cho phép hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận đất nông nghiệp, đất trồng lúa là vấn đề khá nhạy cảm, liên quan đến vấn đề nông dân, nông nghiệp, nông thôn, trật tự trị an khu vực nông thôn..., vì thế, cần khảo sát, đánh giá, lấy ý kiến rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân.
 
Trong công tác quy hoạch sử dụng đất, kết nối đồng bộ với các quy hoạch chuyên ngành cần đổi mới, nâng cao chất lượng, hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư..., đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường, phù hợp nhu cầu từng đối tượng bị thu hồi đất và điều kiện từng địa phương.
 
Một trong những nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đề cập nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp đó là cách thức Nhà nước sử dụng công cụ thuế như thế nào để điều chỉnh giá cả, giá trị đất đai nhằm khắc phục tình trạng trốn thuế, nợ thuế, chây ì nộp thuế và đầu cơ về đất đai. Nên đánh thuế cao với những tổ chức, cá nhân sở hữu nhiều đất và người có nhiều đất nhưng không đưa vào sử dụng.
 
Hội Luật gia tỉnh

tin liên quan

Những sai phạm về đất đai ở xã Bảo Ninh

(QBĐT) - Đi sâu tìm hiểu, Báo Quảng Bình còn phát hiện vấn đề quản lý đất đai ở địa phương này nhiều năm bị buông lỏng để hàng loạt sai phạm xảy ra, gây bức xúc trong dư luận, người dân gửi đơn thư phản ánh, kiến nghị vượt cấp.

Cục QLLT phát hiện 89 vụ vi phạm trong đợt cao điểm dịp Tết Nguyên đán

(QBĐT) - Trong đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, Cục QLTT đã kiểm tra 90 vụ, phát hiện 89 vụ vi phạm, đã xử lý 88 vụ với 100 hành vi vi phạm.

Sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân, đẩy mạnh cải cách tư pháp

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đánh giá, các cấp tòa án đã chủ động, sáng tạo đề ra rất nhiều giải pháp đột phá nhằm cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng hoạt động tòa án.