Phiên tòa giả định trong trường học: Sáng tạo trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật

  • 07:35 | Thứ Năm, 05/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nâng cao hiểu biết, nhận thức pháp luật cho thanh thiếu niên (TTN) và học sinh là một trong những biện pháp để ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả tình trạng vi phạm pháp luật trong giới trẻ. Do đó, thời gian qua, các cấp bộ đoàn trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với cơ quan liên quan và trường học tổ chức nhiều phiên tòa giả định (PTGĐ) nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) cho học sinh.
 
Cảnh báo và răn đe
 
Có thể nói, việc tổ chức các PTGĐ là một trong những hình thức TTPBGDPL trực quan, sinh động và tác động mạnh mẽ đến nhận thức của học sinh, TTN về hậu quả của các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong giới trẻ. Tùy theo tình hình thực tế và nguy cơ xảy ra hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn, tổ chức đoàn cấp huyện lựa chọn tổ chức PTGĐ phù hợp.
         
Trước tình trạng bạo lực học đường có xu hướng diễn biến phức tạp, Huyện đoàn Quảng Trạch phối hợp với Phòng Tư pháp huyện tổ chức PTGĐ, nhằm PBGDPL về phòng, chống bạo lực học đường tại Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm.
 
Bí thư Huyện đoàn Quảng Trạch Trương Minh Tuấn cho biết, mặc dù tình trạng bạo lực học đường xuất hiện dưới nhiều hình thức, mức độ khác nhau, nhưng đều ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường học đường. Hầu hết những vụ bạo lực học đường đều xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống và từ sự kích động của bạn bè. Nếu không có biện pháp tuyên truyền, vận động, chấn chỉnh kịp thời, thì hậu quả để lại không chỉ dừng lại ở sự cãi vã, xô xát thông thường, mà còn sẽ dẫn đến sự việc đáng tiếc. 
Kịch bản phiên tòa giả định do các cơ quan tố tụng xây dựng sát, đúng với tình huống thực tế xảy ra.
Kịch bản phiên tòa giả định do các cơ quan tố tụng xây dựng sát, đúng với tình huống thực tế xảy ra.
Trước khi PTGĐ diễn ra, kịch bản tình huống xảy ra hành vi phạm tội đã được chính các em học sinh Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm đóng vai và biểu diễn rất sinh động. Kịch bản được các cơ quan tố tụng xây dựng dựa trên vụ vi phạm pháp luật xảy ra trong thực tế. PTGĐ đã tập trung phân tích các tình tiết, tính chất, hành vi phạm tội của tình huống giả định, giúp cho đoàn viên, TTN tránh xa các hành vi bạo lực nói chung và bạo lực học đường nói riêng; đồng thời đưa ra những kỹ năng giải quyết các khúc mắc, mâu thuẫn xảy ra trong cuộc sống và trường học.
 
Em Nguyễn Văn Trường, học sinh lớp 11A3 (Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm) cho biết: "Trong môi trường học đường cũng như trong cuộc sống, mâu thuẫn, va chạm là không thể tránh khỏi. Thực tế, ở lứa tuổi chúng em đã xảy ra nhiều tình huống tương tự, nhưng không phải ai cũng biết cách giải quyết phù hợp. Do nhận thức, tuổi trẻ bồng bột và dễ bị kích động, chúng em khó kiểm soát được hành vi, dễ dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật. Được chứng kiến PTGĐ, chúng em không chỉ được trang bị thêm kiến thức về pháp luật, mà còn học tập một số kỹ năng để xử lý các tình huống khi xảy ra mâu thuẫn".   
      
Cô giáo Nguyễn Thị Liên, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cho hay: "Hầu hết các em học sinh lần đầu tiên được chứng kiến một phiên tòa và một hành vi vi phạm cụ thể được đưa ra xét xử. Tình huống phạm tội và PTGĐ góp phần răn đe, cảnh báo các hành vi vi phạm pháp luật trong đoàn viên, thanh niên là học sinh, giúp cho mỗi học sinh tự rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân. Vì vậy, phiên tòa sẽ tác động rất lớn đến nhận thức và hành vi, thái độ của các em sau này".
 
Lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật trong giới trẻ
 
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng TTN phạm tội là do sự lôi kéo rủ rê, ăn chơi đua đòi, thiếu sự kiểm soát của người thân và gia đình. Nhiều PTGĐ được tổ chức thời gian qua không chỉ đưa ra hậu quả pháp lý của các hành vi vi phạm pháp luật, mà còn chỉ ra nguyên nhân sâu xa dẫn đến các hành vi phạm tội. Đó không chỉ có tác dụng răn đe đối với thanh niên trong lứa tuổi học sinh, mà còn là sự cảnh báo đối với nhà trường, gia đình và xã hội.
 
Tháng 11 vừa qua, Ban Thường vụ Đoàn Khối các cơ quan tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức PTGĐ về phòng, chống các loại tội phạm ma túy tại Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình.
 
PTGĐ đã tập trung phân tích hành vi coi thường pháp luật của các đối tượng trong tình huống giả định và sự nguy hiểm của ma túy đối với sức khỏe cộng đồng, giúp gần 300 học sinh của Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình nhận thức được về việc tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy là hành vi vi phạm pháp luật.
         
Từ đầu năm 2022 đến nay, Tỉnh đoàn và Sở Tư pháp đã tổ chức 9 PTGĐ tại các trường học trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh TTPBGDPL, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn sẽ chú trọng tổ chức TTPBGDPL cho các đối tượng đặc thù, phù hợp với tính chất, nhận thức của các nhóm đối tượng thanh niên nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.
Huyện đoàn Lệ Thủy cũng vừa phối hợp với Phòng Tư pháp huyện tổ chức PTGĐ tại Trường THPT Trần Hưng Đạo. Tình huống giả định hành vi phạm tội đặt ra như sau: Tại một bữa tiệc sinh nhật của Hoàng (17 tuổi), có mời một số người bạn đến dự, trong đó có Thảo (15 tuổi) đang là học sinh lớp 10. Hoàng là một thanh niên ăn chơi có tiếng, làm nghề tự do và hiện sống với mẹ (bố mẹ Hoàng đã ly hôn và mẹ đang làm ăn ở xa). Còn Thảo là con một gia đình khá giả, được bố, mẹ chiều chuộng từ nhỏ, lại ở độ tuổi mới lớn nên thích giao du, gặp gỡ bạn bè. Sau khi tiệc tan, mọi người đã về hết, lợi dụng Thảo say rượu, Hoàng khống chế Thảo để quan hệ tình dục. Sự việc sau đó đã được ba mẹ Thảo tố cáo lên cơ quan Công an.
 
Hành vi của Hoàng đã bị cơ quan chức năng truy tố về tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”. Tại PTGĐ, Hội đồng xét xử đã tập trung đi sâu phân tích và chỉ ra nguyên nhân xảy ra vụ việc, hành vi phạm tội của Hoàng, như: Sự buông lỏng giáo dục, giám sát của gia đình; thói quen ăn chơi, thiếu rèn luyện, buông thả bản thân, thiếu nhận thức, hiểu biết pháp luật của một bộ phận thanh, thiếu niên.
        
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Lê Thị Ngọc Hà cho biết, việc tổ chức các PTGĐ nhằm hướng đến đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật trong lứa tuổi TTN. So với các hình thức khác, việc TTPBGDPL qua PTGĐ mang đến cái nhìn trực quan, sinh động, lôi cuốn và tác động mạnh mẽ đến nhận thức của giới trẻ. Kịch bản tình huống hành vi vi phạm pháp luật và PTGĐ đã bám sát đời sống thực tế, tình hình xảy ra trên địa bàn và tính chất nghiêm minh của pháp luật, góp phần giáo dục đoàn viên, thanh niên rèn luyện lối sống lành mạnh, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật trong TTN.
 
Dương Công Hợp

tin liên quan

Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh triển khai công tác năm 2023

(QBĐT) - Chiều 30/12, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị triển khai công tác năm 2023.

Bốn luật sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày đầu Năm mới 2023

Luật Cảnh sát cơ động năm 2022 gồm 5 chương và 33 điều; Luật Điện ảnh gồm 8 chương, 50 điều; Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có 7 chương, 157 điều và Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2023.
 

Nhiều khuyết điểm, vi phạm trong mua sắm trang thiết bị vật tư y tế tại Bộ Y tế

Ngày 29/12, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông báo kết luận thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 tại Bộ Y tế.