Nóng bỏng "cuộc chiến" chống thông tin giả, thông tin sai sự thật trên không gian mạng

  • 08:01 | Chủ Nhật, 28/08/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đấu tranh chống thông tin giả, thông tin sai sự thật là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó có trách nhiệm của từng cá nhân khi tham gia trên không gian mạng.
 
Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, không gian mạng đã mang lại những lợi ích vô cùng to lớn cho xã hội cũng như thay đổi nhận thức, hành vi và lối sống con người. Tuy nhiên, các thế lực thù địch phản động, phần tử xấu đã lợi dụng các tiện ích, ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ viễn thông, các hình thức kết nối thông minh qua không gian mạng... vào hoạt động tán phát thông tin giả, thông tin sai sự thật chống phá Đảng, Nhà nước.
 
Điều này đã tác động trực tiếp đến chủ quyền, an ninh trật tự (ANTT), quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; làm băng hoại, giảm sút niềm tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ trong một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ.
 
Thời gian qua, tình trạng tán phát tin giả, tin sai sự thật trên internet, mạng xã hội đáng báo động và đang diễn biến rất phức tạp, theo chiều hướng gia tăng, gây nhận thức lệch lạc, tác động tiêu cực tới tư tưởng, dư luận và tâm trạng xã hội, đặt ra nhiều thách thức đối với công tác đảm bảo ANTT.
 
Đa dạng thủ đoạn tán phát
 
Nội dung tán phát thông thông tin giả, thông tin sai sự thật, thông tin xấu, độc chủ yếu là: Phủ nhận nền tảng tư tưởng, vai trò lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên CNXH của nước ta. Bôi nhọ, hạ uy tín cá nhân lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phá hoại nội bộ, làm suy giảm niềm tin, tạo sự nghi ngờ về phẩm chất, uy tín, năng lực lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Kích động, lôi kéo, hướng dẫn quần chúng nhân dân biểu tình, gây rối, tham gia các tổ chức, hội nhóm bất hợp pháp, có nhiều hoạt động xâm phạm ANTT.
 
Hình thành tư tưởng chính trị đối lập, tác động đến quá trình ban hành chủ trương, chính sách của Đảng nhằm lồng ghép vào đó các quan điểm sai trái, làm chệch hướng phát triển của Việt Nam. Tác động đến quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam theo hướng có lợi để tiến hành các hoạt động chống phá.
 
Vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, kêu gọi ủng hộ, can thiệp, đòi trả tự do cho các đối tượng bị xử lý. Kích động chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo, kích động hận thù giữa các tôn giáo; kích động, chia rẽ Việt Nam với các nước trên thế giới. Tuyên truyền, cổ súy lối sống thực dụng phương Tây, lối sống bàng quan, vô cảm, ích kỷ với người dân và cộng đồng; truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, kích động bạo lực, trái với thuần phong mỹ tục và giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc…
 
Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng cũng hết sức đa dạng như triệt để khai thác sự phát triển của công nghệ. Sử dụng tính năng phát trực tiếp (livestream) tường thuật các cuộc biểu tình, qua đó thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng để được các tổ chức phản động bên ngoài hậu thuẫn, tài trợ tài chính và khuếch trương thanh thế, tạo hiệu ứng đám đông, lôi kéo người dân tham gia các hoạt động gây mất ANTT.
 
Tung tin giả, pha trộn thông tin thật với thông tin giả nhằm tăng hiệu quả tác động đến tâm lý người đọc; phát động các chiến dịch vận động gửi đơn kiến nghị, lấy ý kiến nhân dân dưới vỏ bọc xây dựng, ôn hòa, phản biện xã hội nhằm gây sức ép với chính quyền về vấn đề dân chủ, nhân quyền và xây dựng pháp luật. Tổ chức các cuộc thi có thưởng trên không gian mạng để lồng ghép nội dung phá hoại tư tưởng.
ột trong số thông tin giả, thông tin sai sự thật tán phát trên không gian mạng ở địa bàn tỉnh thời gian qua.
Một trong số thông tin giả, thông tin sai sự thật tán phát trên không gian mạng ở địa bàn tỉnh thời gian qua.

Sáng tác và tán phát nhiều tài liệu có nội dung xấu, độc dưới dạng ấn phẩm, văn học nghệ thuật, công khai tán phát trên không gian mạng. Lợi dụng sơ hở trong quản lý nhà nước đối với việc cấp tên miền quốc gia, sơ hở trong quản lý báo chí và trang thông tin điện tử để xây dựng các website, blog tên miền quốc gia đăng tải thông tin xấu, độc.

Đặc biệt chúng lựa chọn thời điểm sắp diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng, nhạy cảm như Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, thiên tai, dịch bệnh… để tiến hành các chiến dịch tuyên truyền với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, hướng lái dư luận đánh giá sai lệch sự kiện, khoét sâu mâu thuẫn nhằm chia rẽ nội bộ, gây phức tạp tình hình.

Hậu quả của tin tức giả mạo, sai sự thật là vô cùng lớn, đó là hạ uy tín, làm mất niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, gây bất ổn xã hội. Gây nhiễu loạn thông tin, tạo ra hình ảnh méo mó, xấu xí về đất nước và con người Việt Nam. Kích động, gây hoang mang, bức xúc, lo lắng trong dư luận, ảnh hưởng đến tình hình ANTT địa phương.

Những năm qua, tình trạng tán phát thông tin xấu, độc, thông tin giả, sai sự thật trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có xu hướng gia tăng, đặc biệt là trong đợt lũ lụt tháng 10/2020 và giai đoạn đầu đại dịch Covid-19. Theo số liệu thống kê, từ năm 2020 đến nay, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh và Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã xử phạt 64 trường hợp, phạt tiền 192,5 triệu đồng, nhắc nhở, cam kết không tái phạm hàng chục trường hợp.
 
Sai phạm chủ yếu là đăng tải thông tin sai sự thật về các dự án phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, như: Dự án hệ thống thủy lợi Rào Nan, thiệt hại do lũ lụt, dịch Covid-19, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân…
 
Nhờ sự vào cuộc nhanh chóng, xử lý kiên quyết của cơ quan chức năng và thông tin tuyên truyền kịp thời các trường hợp vi phạm nhằm cảnh báo, răn đe chung nên trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, tình trạng tán phát thông tin giả, thông tin sai sự thật trên địa bàn tỉnh hạn chế hơn so với các địa phương trong cả nước.
 
Cần một giải pháp đồng bộ, căn cơ
 
Làm thế nào để nhận biết và khắc chế thông tin giả, thông tin sai sự thật đang là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Điều quan trọng trước hết là mỗi người cần nâng cao ý thức, rèn luyện hành vi đạo đức, khả năng nhận thức của bản thân.
 
Phải thật sự nhạy bén, tỉnh táo trước các thông tin, tự trang bị kiến thức về pháp luật, xã hội và nhận diện rõ các thông tin xấu, độc, hình thành cho mình tư duy và “bộ lọc” khi tiếp nhận thông tin. Khi hoạt động trên không gian mạng cũng phải có suy nghĩ và hành vi ứng xử tương ứng, thống nhất với cuộc sống đời thực trong tất cả các mối quan hệ, xây dựng thái độ biết tôn trọng người khác, biết quan tâm, lắng nghe, chia sẻ và cảm thông. Nghiên cứu, tìm hiểu, thực hiện nghiêm Luật An ninh mạng và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, nhất là các hành vi bị cấm.
 
Thực hiện nghiêm Bộ quy tắc ứng xử khi tham gia mạng xã hội do Bộ TT-TT ban hành theo Quyết định số 874/QĐ-BTTTT, ngày 17/6/2021. Đối với các vụ việc nhạy cảm, có xu hướng “nóng”, thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội thì các cơ quan, ban, ngành, địa phương cần phải chủ động phối hợp với Sở TT-TT cung cấp thông tin kịp thời để định hướng dư luận. Tránh rơi vào tình trạng “khoảng trống thông tin”, lúc đó thông tin giả, thông tin sai sự thật có điều kiện phát sinh, lây lan nhanh. Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Kết luận số 53-KL/TW, ngày 4/6/2019 của Ban Bí thư về đấu tranh, bóc gỡ thông tin xấu, độc.
 
Các cơ quan chức năng như Công an tỉnh, Sở TT-TT thường xuyên rà soát, phát hiện các thông tin xấu, độc để xử lý theo quy định của pháp luật; đề nghị các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, các mạng xã hội mà người dùng đăng tải kịp thời gỡ bỏ, có giải pháp ngăn chặn việc lan truyền thông tin mang tính bạo lực, lối sống lệch chuẩn, thiếu văn hóa.
 
Đặc biệt các cơ quan báo chí phải giữ vai trò chủ lưu, kịp thời thông tin tuyên truyền các vấn đề nóng hổi đang thu hút sự quan tâm của dư luận, tích cực tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, giá trị truyền thống, đạo lý, định hướng tư tưởng và thẩm mỹ, nâng cao dân trí, khơi gợi niềm tin, khuyến khích lao động với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, trong đó lấy xây là chính.
 
Với sự chung tay của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội và của mỗi người dân, hy vọng sẽ kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi tin giả, tin sai sự thật, thông tin vu cáo chống Đảng, Nhà nước và chính quyền, góp phần quan trọng trong bảo đảm ANTT, bảo vệ môi trường thông tin lành mạnh, văn minh.
 
Kỳ Sơn

tin liên quan

Tháo "chốt" những vụ án

(QBĐT) - Với sự nhạy bén, kiên trì, đại úy Cao Thanh Bình, cán bộ Công an huyện Quảng Trạch đã trực tiếp tham gia đấu tranh, tháo gỡ những "nút thắt" trong nhiều chuyên án, vụ án và kiên trì cùng với đồng đội bắt các đối tượng phạm tội phải lộ diện trước pháp luật. Tấm gương trong đấu tranh phòng, chống tội phạm của đại úy Bình được vinh dự được ghi vào Sổ vàng lập công "Mỗi ngày làm một việc tốt vì nước, vì dân" của Công an tỉnh trong quý I/2022.

Khởi tố bổ sung đối với Trịnh Văn Quyết về tội 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản'

Ngày 25/8/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an đã thi hành các Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự, Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố bị can đối với Trịnh Văn Quyết và các cá nhân có liên quan về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty CP Xây dựng FLC Faros và các công ty có liên quan.
 

Tiếp tục bảo đảm tiến độ, chất lượng, không lùi thời hạn xây dựng luật

Chỉ sau 9 tháng của năm đầu tiên thực hiện Kết luận số 19 và Kế hoạch số 81, các cơ quan đã hoàn thành 68/137 nhiệm vụ theo đúng tiến độ yêu cầu, đạt 49,6% tổng số nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ.