Về thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

  • 14:46 | Thứ Sáu, 08/04/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm qua, công tác triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) và các văn bản hướng dẫn thi hành trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành, địa phương quan tâm thực hiện với nhiều hình thức khác nhau, phát huy hiệu quả và khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong việc thiết lập cơ chế đặc thù để cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp thực hiện quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra.
 
Luật TNBTCNN được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018 đã cụ thể hóa về phạm vi trách nhiệm bồi thường trên các lĩnh vực, như: Quản lý hành chính công quyền, hoạt động tố tụng hình sự, dân sự, hành chính, thi hành án; quyền được yêu cầu bồi thường của các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại về cả vật chất và tinh thần... Với việc quy định chặt chẽ về TNBTCNN đối với cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp bị thiệt hại do cán bộ, công chức nhà nước gây ra trong các hoạt động quản lý hành chính công quyền, tố tụng và thi hành án, Luật TNBTCNN đã tạo cơ chế pháp lý mới, đồng bộ, bảo đảm hiệu quả để tổ chức, doanh nghiệp, công dân bị thiệt hại thực hiện quyền đòi bồi thường thiệt hại một cách chính đáng.
 
Qua đó, người bị thiệt hại có ý thức hơn trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình khi yêu cầu bồi thường trong 3 lĩnh vực chính là quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Các cơ quan có trách nhiệm bồi thường thực hiện việc giải quyết bồi thường theo đúng quy định pháp luật.
 
Ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ từng bước được nâng cao, cẩn trọng hơn trong tham mưu, giải quyết công việc liên quan đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp, tránh nhiều sai sót, vi phạm khi thi hành công vụ. Việc phối hợp thực hiện quản lý nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước thực hiện nhịp nhàng, chặt chẽ.
 
Sở Tư pháp tích cực, chủ động trong tham mưu, tổ chức thực hiện công tác bồi thường nhà nước theo trách nhiệm, thẩm quyền của mình, giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương tháo gỡ những vướng mắc, giải quyết kịp thời, thấu đáo những vụ việc phát sinh trên địa bàn.
Các công dân tại xã Liên Trạch (Bố Trạch) bị án oan đã được minh oan theo tinh thần của Luật TNBTCNN.
Các công dân tại xã Liên Trạch (Bố Trạch) bị án oan đã được minh oan theo tinh thần của Luật TNBTCNN.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bồi thường nhà nước thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Một số đơn vị, địa phương chưa nắm rõ các quy định pháp luật và trách nhiệm của mình trong quá trình tiếp nhận, thụ lý yêu cầu giải quyết bồi thường; còn lúng túng khi thụ lý và giải quyết yêu cầu bồi thường; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TNBTCNN và tập huấn kỹ năng nghiệp vụ giải quyết bồi thường, theo dõi công tác bồi thường nhà nước chưa thực hiện thường xuyên...
 
Để bảo đảm hiệu quả thi hành Luật TNBTCNN trong năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 230/UBND-NCVX, ngày 23/2/2022, trong đó tập trung chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
 
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TNBTCNN cho cá nhân, tổ chức trong phạm vi quản lý; phân công cụ thể nhiệm vụ tham mưu về công tác bồi thường nhà nước, đồng thời lựa chọn công chức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm phụ trách công tác bồi thường nhà nước.
 
Kịp thời tiếp nhận, thụ lý các vụ việc yêu cầu bồi thường có đủ hồ sơ theo quy định của Luật TNBTCNN; giải quyết dứt điểm các vụ việc yêu cầu bồi thường nhà nước không để tồn đọng, kéo dài, gây bức xúc trong dư luận xã hội và ảnh hưởng đến quyền, lợi ích người bị thiệt hại, uy tín của Đảng và Nhà nước. Thực hiện nghiêm túc quy định về trách nhiệm gửi các văn bản trong quá trình giải quyết bồi thường và xem xét trách nhiệm hoàn trả cho cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước theo quy định của Luật TNBTCNN và Điều 12 Thông tư số 08/2019/TT-BTP, ngày 10/12/2019 của Bộ Tư pháp.
 
Sở Tư pháp, với vai trò là cơ quan tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước tăng cường hướng dẫn, tập huấn kỹ năng nghiệp vụ về công tác bồi thường nhà nước cho đội ngũ công chức phụ trách công tác này bằng hình thức phù hợp. Tổ chức thực hiện hoạt động kiểm tra công tác bồi thường nhà nước; tham mưu UBND tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tại đơn vị, địa phương có phát sinh vụ việc yêu cầu bồi thường nhà nước phù hợp với đặc điểm, tình hình từng đơn vị, địa phương. Chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, trong đó chủ yếu là các cơ quan thực thi pháp luật, điều tra, truy tố, xét xử để xây dựng văn bản phối hợp giữa trong công tác bồi thường nhà nước trên địa bàn tỉnh.
 
Trên cơ sở các nhiệm vụ trọng tâm được UBND tỉnh chỉ đạo tại Công văn số 230/UBND-NCVX, hiện nay, một số sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về công tác bồi thường nhà nước trong phạm vi đơn vị, địa phương mình.
 
                                                                             Luật gia Như Quỳnh

tin liên quan

Kết quả sau một năm triển khai Luật Hoà giải, đối thoại tại toà án

(QBĐT) - Luật Hòa giải, đối thoại (HGĐT) tại Tòa án được Quốc hội khóa 14 thông qua ngày 16/6/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Qua hơn một năm triển khai tại tỉnh ta, bước đầu đạt được một số kết quả nhất định.

Lệ Thủy: Người dân tự nguyện giao nộp 77 khẩu súng tự chế

(QBĐT) - Từ đầu năm đến nay, triển khai thực hiện kế hoạch tấn công trấn áp tội phạm, phòng ngừa đấu tranh với các hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và quản lý sử dụng pháo theo Nghị định số 137/NĐ-CP, các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã thực hiện có hiệu quả công tác vận động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.

Quản lý khai thác khoáng sản từ chính quyền cơ sở

(QBĐT) - Huyện Tuyên Hóa là địa bàn có nhiều mỏ khai thác khoáng sản. Vì vậy, để quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, ngăn chặn, xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, đòi hỏi sự vào cuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương, đặc biệt sự theo dõi, quản lý chặt chẽ hơn từ chính quyền cơ sở.