"Bà đỡ" người dân trong công cuộc giảm nghèo

  • 14:08 | Thứ Tư, 13/07/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trải qua quá trình thành lập và phát triển, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện Quảng Trạch đã phát huy vai trò “bà đỡ” cho người dân trong công cuộc giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.
 
Thoát nghèo nhờ vốn chính sách
 
Nhiều năm qua, bà Phạm Thị Thanh Tiển, ở thôn Trung Minh, xã Quảng Châu là một trong những khách hàng quen thuộc của PGD NHCSXH huyện Quảng Trach khi đã nhiều lần vay vốn để phát triển sản xuất. Trước đây, gia đình bà Tiển thuộc diện hộ nghèo, đời sống rất khó khăn. Năm 2015, sau khi được vay nguồn vốn 40 triệu đồng từ PGD NHCSXH huyện để chăn nuôi bò sinh sản, gia đình bà dần thoát nghèo.
 
Năm 2021, bà Tiển mạnh dạn vay nâng mức 100 triệu đồng từ nguồn vốn hộ cận nghèo để phát triển kinh tế theo hướng chăn nuôi gia súc, gia cầm và kinh doanh dịch vụ nông nghiệp; kinh tế gia đình dần khấm khá, có điều kiện nuôi 4 đứa con ăn học.
Người dân phát triển chăn nuôi từ nguồn vốn chính sách.
Người dân phát triển chăn nuôi từ nguồn vốn chính sách.
Tương tự, gia đình ông Phạm Văn Trực (ở thôn Hợp Phú, xã Quảng Hợp) cũng thoát nghèo nhờ vay vốn ưu đãi từ NHCSXH. Mới đây, được sự hỗ trợ vốn vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/1/2022 của Chính phủ, ông đã vay thêm 100 triệu đồng để mở rộng mô hình chăn nuôi hươu sao, heo rừng, dê, gà và cây ăn quả của gia đình.
 
“Với người dân nông thôn, để phát triển sản xuất thì điều khó khăn nhất là nguồn vốn ban đầu, vì nếu vay bên ngoài thì hiệu quả sản xuất không đủ trả lãi. May nhờ có nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH nên tôi mới có cơ hội phát triển kinh tế gia đình. Hiện với 100 triệu đồng mới được vay thêm, tôi đã đầu tư mở rộng mô hình, hứa hẹn sẽ đem lại nguồn thu nhập khá và ổn định cho gia đình”, ông Trực chia sẻ.
 
Nâng cao hiệu quả hoạt động ủy thác cho vay
 
Phương thức cho vay chủ yếu tại PGD NHCSXH huyện Quảng Trạch hiện nay là cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị-xã hội, gồm: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện. Tính đến ngày 30/6/2022, tổng dư nợ ủy thác cho vay qua 4 tổ chức chính trị-xã hội đạt gần 548 tỷ đồng, với 11.573 khách hàng đang vay vốn, chiếm tỷ trọng 99,8% trên tổng dự nợ tín dụng chính sách đang triển khai.
 
Phương thức cho vay này đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị các cấp, tạo điều kiện lồng ghép hiệu quả chương trình tín dụng với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách.
 
Bà Lê Thị Lệ Hồng, Chủ tịch Hội LHPN huyện Quảng Trạch cho biết: Thực hiện chương trình phối hợp ủy thác cho vay với PGD NHCSXH huyện, đến thời điểm này, Hội LHPN huyện quản lý dư nợ hơn 152 tỷ đồng và giải quyết cho hơn 4.000 lượt hội viên phụ nữ vay vốn, góp phần giúp hội viên phụ nữ có nguồn vốn để thực hiện công tác giảm nghèo phát triển kinh tế.
 
“Các cấp hội phụ nữ huyện Quảng Trạch coi hoạt động ủy thác cho vay là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Nguồn vốn chính sách xã hội được ủy thác qua Hội LHPN huyện có tác dụng tích cực trong hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng gia đình hạnh phúc trong hội viên, phụ nữ”, bà Hồng chia sẻ.
 
Ông Nguyễn Tiến Hùng, Giám đốc PGD NHCSXH huyện Quảng Trạch đánh giá: “Phương thức cho vay thông qua hoạt động ủy thác qua các tổ chức chính trị-xã hội thời gian qua đã thể hiện rõ tính ưu việt của NHCSXH theo nguyên tắc bình xét dân chủ, công khai; vốn giải ngân trực tiếp đến người vay nhằm tiết giảm tối đa chi phí cho người vay, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận với dịch vụ tài chính tín dụng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả của hoạt động tín dụng này để góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện”.
 
Phan Phương

tin liên quan

Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng hơn 9%

(QBĐT) - 6 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp huyện Lệ Thủy ổn định, ước đạt 323.685 triệu đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. 

Tăng cường triển khai các biện pháp kiểm soát phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

(QBĐT) - Để chủ động phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi, ngày 11/7, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1238/UBND-KT về việc tăng cường triển khai các biện pháp kiểm soát phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh. 
 

20 năm sát cánh cùng người nghèo

(QBĐT) - Với mục tiêu giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có được nguồn vốn để phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, trong 20 năm hoạt động, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện Quảng Trạch đã triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ, giúp cho người nghèo trên địa bàn có thêm vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội...