Chuyển biến tích cực trong công tác phát triển nhà ở

  • 08:03 | Thứ Tư, 29/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Qua 10 năm thực hiện Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011-2020, nhà ở trên địa bàn tỉnh tăng cả về số lượng, chất lượng diện tích. Nhằm phát triển nhà ở từ nay đến năm 2030, tỉnh cũng đã ban hành chương trình giai đoạn 2021-2030 với nhiều quyết sách, giải pháp phù hợp...
 
Tính đến cuối năm 2021, Quảng Bình có khoảng 238.762 căn nhà ở với tổng diện tích sàn là 23.923.199m², tăng thêm 40.530 căn so với năm 2009. Chất lượng nhà ở kiên cố và bán kiến cố đạt trên 95%. Diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 26,5m2 sàn/người. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, giai đoạn 2011-2020, nhà ở trên địa bàn tỉnh tăng cả về số lượng, diện tích, chất lượng, đáp ứng được nhu cầu gia tăng dân số của địa phương.
 
Trên địa bàn tỉnh đã dần hình thành các khu đô thị mới khang trang, hiện đại. Các chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, gia đình có công với cách mạng, nhà ở phòng tránh bão, lũ… được triển khai có hiệu quả. Riêng loại hình nhà ở thương mại tiếp tục phát triển mạnh và góp phần đa dạng hóa sản phẩm nhà ở cho người dân, tiết kiệm nguồn lực đất đai, tạo cảnh quan khang trang cho đô thị. Đến nay, cả tỉnh có 37 dự án, trong đó có 29 dự án nhà, 5 dự án khu đô thị, 3 dự án nhà ở shophouse kết hợp với trung tâm dịch vụ, thương mại. Tổng diện tích sàn khi hoàn thành đạt gần 2.000.000m2 và có nhiều dự án đã phân lô, bán nền.
 
Tuy nhiên, Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011-2020 vẫn có nhiều nội dung chưa đạt mục tiêu đề ra, chưa phù hợp với các đối tượng được hưởng lợi như: Nhà ở cho học sinh, sinh viên, công nhân tại các khu công nghiệp, người có thu nhập thấp ở đô thị... Theo đó, việc xây dựng mới nhà ở cho người thu nhập thấp là 21.000m2 sàn, nhà ở công nhân 24.000m2 sàn đều không thực hiện được do không có dự án mới triển khai, phần lớn công nhân cũng đã có nhà và phần còn lại họ tự thuê nhà. Về nhà ở cho học sinh, sinh viên, mục tiêu của tỉnh là xây dựng mới 30.000m2 sàn, đáp ứng tối thiểu 60% nhu cầu nhà ở cho đối tượng này.
 
Để đạt mục tiêu, UBND tỉnh đã bố trí quỹ đất, tiến hành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên mục tiêu này vẫn chưa đạt được. 
Dự án Khu nhà ở thương mại phía Nam đường Trần Hưng Đạo (TP. Đồng Hới).
Dự án Khu nhà ở thương mại phía Nam đường Trần Hưng Đạo (TP. Đồng Hới).
Đối với nhà ở cho hộ gia đình có công với cách mạng, hộ nghèo, nhà ở phòng tránh lụt bão cũng được tỉnh quan tâm, hỗ trợ. Trong giai đoạn này, cả tỉnh đã có trên 12.300 hộ gia đình người có công với cách mạng được hỗ trợ xây mới, cải tạo nhà ở, đạt trên 85% kế hoạch. Ngoài ra, có 3.263/3.620 hộ được hỗ trợ xây nhà phòng tránh lụt bão theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, các chương trình, dự án khác cũng đã hỗ trợ cho gần 800 hộ dân xây nhà phòng, chống thiên tai. Từ năm 2016-2020, cả tỉnh có 1.488 hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn để xây dựng nhà ở với số tiền giải ngân đạt trên 37 tỷ đồng…
 
Từ những kết quả đạt được và để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, UBND tỉnh đã xây dựng Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2030. Ông Hoàng Xuân Thuận, Trưởng phòng Quản lý nhà, bất động sản và vật liệu xây dựng, Sở Xây dựng cho biết: “Để thực hiện chương trình, UBND tỉnh đề ra phương hướng phát triển nhà ở theo khu vực phù hợp. Cụ thể là phát triển nhà ở tại khu vực đô thị sẽ ưu tiên đầu tư phát triển nhà ở theo dự án (nhà ở thương mại, khu đô thị); kết hợp hài hòa giữa việc xây dựng nhà theo dự án và chuyển quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở. Nhà ở riêng lẻ do người dân tự xây dựng, người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ ở vùng thiên tại bão lụt cũng sẽ được quan tâm đúng mức”…
 
Quảng Bình cũng sẽ khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp để phù hợp với thu nhập của một bộ phận người dân. Với nhà ở xã hội, sẽ bố trí quỹ đất theo quy hoạch và sử dụng quỹ đất 20% tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để kêu gọi đầu tư các dự án nhà ở xã hội phục vụ cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở tại các đô thị. Riêng nhà ở tại khu vực nông thôn, tỉnh chủ trương đẩy mạnh phát triển theo phương thức đầu tư xây dựng hạ tầng sau đó chuyển quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình tự xây dựng nhà ở theo quy định.
 
Đối với nhà ở riêng lẻ do người dân tự xây dựng, UBND tỉnh chủ trương tạo điều kiện và hỗ trợ cho hộ gia đình cá nhân tự xây dựng nhà ở riêng lẻ tại các khu vực, nhất là vùng nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Với nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, vùng thiên tại bão lụt, sẽ thực hiện theo các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chương trình, kết hợp linh hoạt giữa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân để các hộ tự tu sửa, xây dựng nhà mới...
 
Theo Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, đến năm 2030, chỉ tiêu về diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt 33m2 sàn/người. Trong đó, khu vực đô thị đạt 36,5m2 sàn/người. Khu vực nông thôn đạt 31,6m2 sàn/người. Diện tích nhà ở tối thiểu đạt 12m2 sàn/người...
 
Xuân Vương

tin liên quan

Kinh tế thế giới năm 2011: Sẵn sàng quay lại quỹ đạo tăng trưởng

Các nền kinh tế lớn tiếp tục là đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng, kinh tế Việt Nam cũng được nhận định sẽ phục hồi tốt hơn trong năm 2022 nhờ những bước cải thiện mạnh mẽ từ quý cuối cùng của năm 2021.
 

Tổng trị giá hàng hoá xuất nhập khẩu, quá cảnh đạt 1.801 triệu USD

(QBĐT) - Năm 2021, mặc dù hoạt động xuất nhập cảnh, thương mại qua Cửa khẩu quốc tế Cha Lo bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng do dịch Covid-19 nhưng tổng trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK), quá cảnh qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo vẫn đạt khá với 1.801 triệu USD.

Đường qua miền "rốn lũ"!

(QBĐT) - Tân Hóa được biết đến là vùng "rốn lũ", nhưng cũng là nơi có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch của huyện Minh Hóa. Tuy nhiên, trước đây, để về với vùng đất này, chỉ có một con đường nối từ thị trấn Quy Đạt, nên việc đi lại của người dân và khách du lịch rất khó khăn, đặc biệt là về mùa mưa lũ. Và rồi, tuyến đường tỉnh lộ 559B kết nối 2 xã Cao Quảng (Tuyên Hóa) và Tân Hóa (Minh Hóa) thông tuyến đã phá thế độc đạo, tạo cơ hội cho địa phương khai phá tiềm năng để phát triển.