Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Chi bộ Mỹ Trung (17-11-1931 - 17-11-2021):

Nơi "hạt giống đỏ" nảy mầm

  • 08:33 | Thứ Bảy, 13/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cách đây 90 năm, đêm 17-11-1931, tại miếu Thần Hoàng, thôn Mỹ Thổ-Trung Lực, xã Tân Thủy (nay là thôn Trung Lực, xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy), Xứ ủy Trung Kỳ đã quyết định thành lập Chi bộ Mỹ Trung-chi bộ Đảng đầu tiên ở vùng Nam Quảng Bình. Sau khi thành lập, Chi bộ đã lãnh đạo phong trào cách mạng của Mỹ Thổ-Trung Lực, của huyện Lệ Thủy và phía Nam Quảng Bình bước sang một thời kỳ mới, thời kỳ phong trào cách mạng có Chi bộ Đảng Cộng sản trực tiếp lãnh đạo.
 
Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử vô cùng quan trọng của cách mạng Việt Nam. Từ đây, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng được phát động trong toàn quốc. Ngày đó, xã Tân Thủy (Lệ Thủy) vốn là vùng đất có truyền thống yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, lại tiếp giáp với phủ Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị nên được Xứ ủy Trung Kỳ quyết định giao cho Tỉnh ủy Quảng Trị xem xét phát triển phong trào cách mạng.
 
Với sự móc nối bắt liên lạc của thầy giáo Dương Công Phát giữa tổ chức Đảng ở Vĩnh Linh, Quảng Trị với các thanh niên yêu nước ở Mỹ Thổ-Trung Lực, được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, dìu dắt của Xứ ủy Trung Kỳ nên một số quần chúng ưu tú được giác ngộ, trở thành những “hạt giống đỏ” cách mạng sau này.
 
Điều kiện đã chín muồi, đêm 17-11-1931, tại miếu Thần Hoàng, thay mặt tổ chức Đảng cấp trên, đồng chí Đoàn Bá Thừa đã tổ chức kết nạp 3 thanh niên yêu nước là Lê Thuận Chất, Nguyễn Đông và Lê Thuận Sản vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Cũng trong giờ phút thiêng liêng ấy, đồng chí Đoàn Bá Thừa thay mặt cấp ủy cấp trên quyết định thành lập Chi bộ Mỹ Trung, chi bộ đầu tiên ở vùng Nam Quảng Bình; đồng chí Lê Thuận Chất được cử giữ chức Bí thư Chi bộ.
 
Sự ra đời của Chi bộ Mỹ Trung đã tạo ra một bước ngoặt hết sức quan trọng trong đời sống chính trị của người dân 2 làng Mỹ Thổ-Trung Lực, thổi bùng lên phong trào cách mạng ở khu vực phía Nam Quảng Bình. Từ đây, phong trào cách mạng của Mỹ Thổ-Trung Lực, của huyện Lệ Thủy và vùng phía Nam Quảng Bình đã mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ phong trào cách mạng có một Chi bộ Đảng Cộng sản trực tiếp lãnh đạo. 
Các đồng chí lãnh đạo các cấp đang hương và thăm miếu Thần Hoàng (ảnh chụp thời điểm chưa bùng phát dịch bệnh Covid-19)
Các đồng chí lãnh đạo các cấp thăm miếu Thần Hoàng (ảnh chụp thời điểm chưa bùng phát dịch bệnh Covid-19)
Sau khi ra đời, Chi bộ Mỹ Trung đã lãnh đạo, tổ chức nhiều cuộc mít tinh với hàng trăm quần chúng tham gia vạch trần tội ác của bọn thực dân, phong kiến, cường hào, khơi dậy ý chí, lòng căm thù giặc trong nhân dân; lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh trực diện với bọn địa chủ, cường hào trong làng, đòi tăng tiền công làm thuê và đòi chúng không được ngược đãi người dân lao động.
 
Đáng chú ý là cuộc đấu tranh nhằm rút một bộ phận quần chúng trung kiên trong các “trai ruộng mẫu” ra khỏi nhà địa chủ để lập những hộ khai hoang ở vùng Khe Lâm, Trang Côống nhằm xây dựng căn cứ địa lâu dài cho cách mạng. Trong hơn 70 “trai ruộng mẫu” rời nhà địa chủ, có những người đã được thử thách, rèn luyện tiến bộ và được kết nạp vào Đảng.
 
Song song với việc xây dựng lực lượng và lãnh đạo phong trào đấu tranh của quần chúng ở địa phương, Chi bộ Mỹ Trung ngày càng phát triển thêm nhiều đảng viên mới và không ngừng mở rộng phạm vi hoạt động, tầm ảnh hưởng ra các vùng trong huyện. Chi bộ có sự ảnh hưởng rất lớn và tạo tiền đề hết sức quan trọng cho việc ra đời của Chi bộ Văn Xá, Châu Xá vào năm 1933; tiếp đến là một số chi bộ khác như: Thạch Bàn-Phú Thọ, An Xá, Quy Hậu-Mỹ Trạch, Xuân Lai-Quảng Cư...
 
Trong quá trình hoạt động, Chi bộ đã thành lập đội Xích Vệ Đỏ để bảo vệ cơ sở cách mạng, tiếp chuyển tài liệu từ Vĩnh Linh ra Lệ Thủy và ngược lại; tuyên truyền, vận động nhân dân gia nhập vào các hội quần chúng của Đảng với hàng trăm người tham gia. Chi bộ đã tổ chức hàng chục cuộc biểu tình lớn, nhỏ; mở các cuộc đấu tranh đòi chia lại ruộng đất công ở Mỹ Thổ. Thắng lợi của cuộc đấu tranh chia lại ruộng đất ở Mỹ Thổ làm nức lòng quần chúng trong huyện, đồng thời đã làm rung chuyển bộ máy cai trị của bọn thực dân, phong kiến, địa chủ từ làng, tổng đến huyện, tỉnh.
 
Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, cùng với việc vơ vét nhân tài, vật lực phục vụ chiến tranh, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp, bắt bớ và giết hại các chiến sỹ cộng sản hòng dập tắt phong trào cách mạng. Lúc này, Chi bộ Mỹ Trung là đầu mối liên lạc của Xứ ủy Trung Kỳ và của nhiều cán bộ cấp trên. Ở đây, có cơ sở cách mạng vững chắc, quần chúng có tinh thần giác ngộ cao nên phong trào vẫn được củng cố, phát triển và là một trong những nơi ấn loát và phát hành các tài liệu bí mật của Đảng.
 
Đầu tháng 7-1945, hội nghị các tổ chức cơ sở đảng toàn tỉnh được triệu tập tại chùa An Xá, xã Lộc Thủy. Đồng chí Lê Thuận Khuông, Bí thư Chi bộ Mỹ Trung vinh dự là 1 trong 13 đại biểu tham dự hội nghị. Vài ngày sau, hội nghị thành lập Mặt trận Việt Minh tỉnh được triệu tập tại An Sinh (ở xã Trường Thủy bây giờ) để thành lập Ban Chấp hành Việt Minh tỉnh và quyết định đóng trụ sở của Tỉnh bộ tại Mỹ Thổ.
 
Như vậy, Mỹ Thổ-Trung Lực không chỉ là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở vùng Nam Quảng Bình mà còn là nơi đầu tiên Tỉnh bộ Việt Minh Quảng Bình đặt trụ sở hoạt động. Theo chỉ thị của trên và được Tỉnh bộ Việt Minh phân công, Chi bộ Mỹ Trung có trách nhiệm xây dựng cơ sở quần chúng ở 18 vùng lân cận như: Sen Thủy, Hưng Thủy, Cam Thủy, Mỹ Thủy, Thái Thủy, Dương Thủy, Ngư Thủy...
 
Sau khi Tỉnh bộ Việt Minh thành lập, Cơ quan Mặt trận Việt Minh huyện cũng đã được thành lập, đồng chí Lê Thuận Khuông chính là một thành viên của Mặt trận Việt Minh. Trung tuần tháng 8-1945, cơ quan Tỉnh bộ Việt Minh chuyển từ Mỹ Thổ-Trung Lực về Võ Xá (Quảng Ninh) để kịp thời chỉ đạo phong trào cách mạng trong toàn tỉnh.
 
Đêm 22 rạng ngày 23-8-1945, quần chúng ở Mỹ Thổ-Trung Lực và 18 làng phụ cận chia thành bốn mũi kéo về huyện đường Lệ Thủy cùng với các mũi tiến công khác trong huyện đấu tranh giành chính quyền thắng lợi, góp phần cùng với cả tỉnh, cả nước làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công.
 
Có thể nói rằng, từ Chi bộ Đảng đầu tiên ở Mỹ Thổ-Trung Lực, các chiến sỹ cộng sản đã nhen nhóm và thổi bùng phong trào cách mạng rộng khắp trên địa bàn huyện, làm tiền đề cho sự ra đời của Đảng bộ huyện Lệ Thủy vào ngày 20-10-1945.
 
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, hàng chục nghìn con em trong huyện hăng hái tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên các chiến trường. Nhân dân Lệ Thủy vừa sản xuất, vừa chiến đấu, vừa chi viện cho tiền tuyến đánh thắng quân thù.
 
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo nhân dân toàn huyện thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng bộ, huyện Lệ Thủy đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh, công tác xây dựng Đảng.    
 
Từ Chi bộ Mỹ Trung thành lập năm 1931 với 3 đảng viên, đến nay, Đảng bộ huyện Lệ Thủy đã có gần 12.000 đảng viên. Những năm qua, Đảng bộ huyện đã quan tâm lãnh đạo toàn diện công tác xây dựng Đảng trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.
 
Phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII), các quy định của Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu… được đẩy mạnh. Công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng thường xuyên được đổi mới, góp phần xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh.  
 
Trong giai đoạn 2015-2020, giá trị sản xuất của huyện Lệ Thủy tăng bình quân hàng năm 11,74%. Trong đó, ngành nông-lâm nghiệp-thủy sản tăng 5,6%, công nghiệp-xây dựng tăng 12,5%, dịch vụ tăng 16,5%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 47 triệu đồng/năm, tăng 21,3 triệu đồng so với năm 2015. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến năm 2020 đạt trên 310 tỷ đồng.
 
Lĩnh vực công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp phát triển khá ổn định. Các hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển tương đối nhanh đáp ứng nhu cầu trao đổi, lưu thông hàng hóa. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh, hạ tầng đô thị được đầu tư chỉnh trang, xây dựng theo hướng ngày càng khang trang, đồng bộ. Đến cuối năm 2021, toàn huyện có 19/24 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều khởi sắc. Quốc phòng-an ninh được củng cố, tăng cường...
 
Phát huy truyền thống cách mạng Mỹ Thổ-Trung Lực, của quê hương Lệ Thủy anh hùng, Đảng bộ và nhân dân huyện nhà sẽ tiếp tục tăng cường đoàn kết, nhất trí, đồng lòng đồng sức, phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV và nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, góp phần xây dựng quê hương Lệ Thủy ngày càng giàu đẹp, văn minh, vững bước đi lên trong thời kỳ mới.
 
Lê Vĩnh Thế
                                            Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy,Chủ tịch HĐND huyện Lệ Thủy

 

tin liên quan

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh

(QBĐT) - Chiều nay, 12-11, đồng chí Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh có buổi làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp (DN) tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ thời gian qua, giải pháp trọng tâm thời gian tới. 

Bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tuyên giáo

(QBĐT) - Sáng 12-11, Trường Chính trị tỉnh phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức lễ bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tuyên giáo cho cán bộ làm công tác tuyên giáo các cấp năm 2021. Đến dự có đồng chí Cao Văn Định, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cùng 73 học viên là cán bộ làm công tác tuyên giáo ở cơ sở.

Tập huấn kỹ năng tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo

(QBĐT) - Ngày 12-11, Sở Thông tin truyền thông phối hợp với Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý thông tin và truyền thông tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo cho các phóng viên, biên tập viên cơ quan báo chí và tạp chí địa phương, trang thông tin điện tử tổng hợp của các sở, ban, ngành.