Khi tóc thầy bạc
(QBĐT) - “Khi tóc thầy bạc, tóc em vẫn còn xanh/Khi tóc thầy bạc trắng, chúng em đã khôn lớn rồi...”. Bài hát Khi tóc thầy bạc trắng ngân nga mãi trong lòng tôi, giữa những ngày thiêng liêng của tháng 11 này. Vậy là đã gần một nửa thế kỷ trôi qua, tôi bước vào “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.
Mới ngày nào, tóc tôi vẫn còn xanh như tóc của các em bây giờ. Tuổi thơ của chúng tôi cũng được múa, được hát, được tung tăng trên sân trường như những cánh bướm bay rập rờn trong nắng sớm. Vậy mà chiến tranh ập đến, mọi sinh hoạt chuyển vào trong lòng đất. Chúng tôi đi đến lớp, đầu phải đội mũ rơm, ăn trong hầm, ngủ trong hầm, lớp học cũng ở dưới nhà hầm. Ban đêm ngồi học bài phải có cái chụp đèn phòng không làm bằng ống nứa đục thủng một lỗ nhỏ bằng hạt đỗ cho ánh sáng đủ lọt vào trang sách. Các anh học sinh cấp 2 lớn tuổi hơn, không có thời gian để học bài nữa mà phải đi làm giao liên đón các chú bộ đội về làng, đến ở từng nhà.
Thôn Bắc Minh Lệ làng tôi là nơi dừng chân một đêm của các chú bộ đội trước khi vào làng Cự Nẫm. Còn thôn Nam Minh Lệ nằm sát bên bờ sông Gianh, là nơi tập kết hàng hóa bằng đường thủy để chuyển vào miền Nam theo con đường Trường Sơn. Giặc Mỹ tập trung ném bom đánh phá, chúng thả bom napan, phốt-pho đốt cháy cả làng. Lớp học vơi đi. Năm tôi đang học lớp 3, có 3 bạn trong lớp bị trúng bom. Hai bạn nữ chết vì bom bi, một bạn nam trúng quả bom tạ ném xuống giữa căn hầm (cả nhà có 5 người chết).
Bạn Hoàng Văn Bảy bị một mảnh bom, bị thương ở chân. Cô giáo Hoàng Thị Anh Minh, hai năm trời đến nhà cõng Bảy đi học. Bảy lên lớp 4, cô cõng đi thi đạt giải học sinh giỏi văn của huyện. Cô Minh được đi dự hội nghị chiến sĩ thi đua của ngành Giáo dục Quảng Bình tổ chức tại xã Đại Trạch (Bố Trạch). Sau này khi học lên cấp 3, Bảy đổi tên thành Hoàng Văn Điệt. Trường cấp 3 Nam Quảng Trạch chuyển từ xã Quảng Hòa lên xã Quảng Thủy, vết thương tiếp tục chảy mủ, nhiều lần định bỏ học nhưng nhớ tới công lao của cô Minh 2 năm trời cõng đi học, Điệt cắn răng học tiếp. Anh thi đậu Khoa Văn, Trường đại học Sư phạm Vinh với số điểm rất cao.
Ra trường, anh dạy ở Trường bổ túc Công nông rồi chuyển về Trường cấp 3 Cự Nẫm. Vết thương tái phát lan xuống xương bàn chân hoại tử dần dần phải tháo khớp. Năm 1998, anh vào tháo khớp lần thứ 2 ở Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới gặp lại cô Minh, Điệt cứ ôm lấy cô nghẹn ngào trong nước mắt: “Ngày ấy nếu không có cô thì đời em rồi cũng chẳng biết làm gì. Chính cô đã truyền ngọn lửa cho em được làm thầy”.
Những năm chiến tranh, mỗi khi đến ngày lễ Noel, hay ngày Tết Nguyên đán, có lệnh ngừng bắn là các thầy, cô giáo xuống bến phà Gianh bốc vác hàng hóa lên Bến Mới cho xe ra mặt trận. Rồi các thầy giáo lần lượt ra chiến trường, các cô ở nhà đảm nhiệm việc rèn con chữ. Vẫn tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Bài học đầu tiên của học trò là học lễ, học làm người. Những tấm gương các bạn sáng bừng lên trong lửa đạn. Ở Bảo Ninh, bên bờ sông Nhật Lệ có anh Trương Ngọc Hương đã băng mình qua dưới khói bom chuyền đạn cho bộ đội.
Đó là niềm tự hào của thế hệ trẻ của chúng tôi, những học trò lớn lên trong khói lửa chiến tranh. Chúng tôi được các thầy cô giáo tập cho hát bài Em bé Bảo Ninh do nhạc sĩ Trần Hữu Pháp phổ thơ Nguyễn Văn Dinh: “Bên bờ Nhật Lệ/Dưới trời lửa khói/Em như cánh tên/ Bay trên cồn cát/ Rẽ gió xông lên/Cởi khăn quàng đỏ/Bọc đạn chuyển đi/Trận địa bom nổ/Khó khăn sá gì...”.
Khi đi K8, sơ tán ngoài Thanh Hóa, tôi được sống trên quê hương anh hùng Nguyễn Bá Ngọc. Anh đã lấy thân mình che chở cho các em nhỏ. Các thầy cô giáo Thanh Hóa lại tập cho chúng tôi hát bài Nguyễn Bá Ngọc-Người thiếu niên dũng cảm của nhạc sĩ Mộng Lân: “Trên đất nước anh hùng ngày ngày thêm những chiến công/Gương anh Nguyễn Bá Ngọc sáng soi rực rỡ núi sông/Anh hiến dâng cả cuộc đời, băng qua lửa đạn bom rơi, cứu em nhỏ thoát cơn bom đạn giặc Mỹ...”.
Học lên cấp 3, hầu hết các bạn nam đi bộ đội, còn tôi do sức khỏe yếu phải ở lại hậu phương, theo nghề dạy học. Chiến tranh đi qua, có bạn nằm lại ở chiến trường mãi mãi tuổi hai mươi. Những năm tám mươi đất nước bị bao vây, cấm vận, ngành Giáo dục lại phải bao phen khốn đốn. Thầy giáo không đủ lương thực, phải ăn hạt bo bo, trộn thêm rau má, rau khoai trừ bữa. Vậy mà cuộc đời vẫn đẹp sao, vẫn múa, vẫn hát khi Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) về. Đây là tháng mà cả ngành Giáo dục tổ chức hội thi, hội thao, hội diễn, thi đấu thể thao, bóng đá, bóng chuyền, thi viết đề tài, sáng kiến và làm đồ dùng dạy học. Thầy và trò lao động sản xuất trên đồng ruộng thâm canh.
Trường cấp 3 vừa làm của chúng tôi nấu dầu tràm, nung vôi, thả bèo hoa dâu, bứt lá làm phân xanh, trồng lúa, trồng khoai trên mảnh ruộng thí nghiệm của hợp tác xã. Người thầy trước cái đói, cái rét, cái thiếu thốn, gian khổ những năm 80 của thế kỷ trước không hề chùn bước. Các thầy giáo về các làng, các xóm xin đất, tự túc lương thực. Vậy mà đất nước chưa bao giờ nguội tắt ngọn lửa chiến tranh. Hết chiến tranh biên giới Tây Nam lại ra phía Bắc. Thầy trò chúng tôi lại rời bục giảng để ra chiến trường. Tôi trở thành người lính ở Trường hạ sĩ quan Xe tăng 1.
Ngoảnh đi ngoái lại đã gần cuối cuộc đời người. Rời quân ngũ tôi trở về với đàn em nhỏ. Lại tiếp tục say sưa với sự nghiệp trồng người. Bụi phấn trắng và tóc thầy bạc trắng. Tôi về hưu đã hơn chục năm rồi. Những cựu giáo chức vẫn không hề ngơi nghỉ. Vẫn đi vận động học sinh bỏ học. Vẫn tham gia khuyến học khuyến tài. Có ai hỏi nếu cho tôi chọn lại. Tôi vẫn nói ước mơ xin được làm thầy. Và nếu có kiếp sau tôi vẫn xin làm người lái đò chở đàn em đến bến bờ tri thức.
Hoàng Minh Đức