Nhạc sĩ Dương Mạnh Đạt và ca khúc "Gái giỏi quê ta"

  • 06:57 | Thứ Năm, 23/02/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cả dân tộc ta đều ra trận. Trong đó, hình ảnh của phụ nữ Việt Nam đã được cả thế giới biết đến: “Anh hùng-Bất khuất-Trung hậu-Đảm đang”, đi vào văn chương, thơ ca, âm nhạc… Trên quê hương Quảng Bình cũng có một nhạc sĩ đã thành công khi sáng tác ca khúc về một đơn vị nữ dân quân bắn rơi máy bay Mỹ. Đó là nhạc sĩ Dương Mạnh Đạt.
 
Dương Mạnh Đạt quê gốc tại làng Quảng Xá, xã Tân Ninh (Quảng Ninh). Từ nhỏ, anh theo bố mẹ ra định cư tại thị trấn Ba Đồn (nay là TX. Ba Đồn). Vốn có năng khiếu về âm nhạc (anh tự học và chơi được đàn nguyệt, accordion, ghita, mandolin…). Năm 1966, Mạnh Đạt được tuyển vào Đoàn văn công Tỉnh đội Quảng Bình (VCTĐQB).
 
Là Đội trưởng Đội nhạc, cùng với chiếc đàn Accordion cũ kỹ, Mạnh Đạt là nhạc công đệm đàn cho hầu hết các tiết mục trong chương trình biểu diễn của đoàn. Không chỉ là một “nhạc công", anh còn là “cây” sáng tác ca khúc đầy chất lượng. Trong chương trình có nhiều sáng tác của Mạnh Đạt. Tiêu biểu là màn múa hát “Quảng Bình trên đường chiến thắng”, hợp xướng 5 chương “Tiếng hát Hòn La" (viết chung với Lê Ánh Dương-1972), song ca hài “Đáng đời Tổng Giôn”…
 
Trong sự nghiệp sáng tác của Mạnh Đạt thời đó, đã hai lần anh “bén duyên” với những cô nữ dân quân, những cô gái chân chất đã từng góp phần làm nên danh hiệu Quảng Bình "Hai giỏi"! Đó là ca khúc dành cho tốp ca nữ “Ngư Thủy anh hùng” và đặc biệt là ca khúc “Gái giỏi quê ta”.
 
Những năm đầu của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, tại nhiều địa phương, làng xã ở miền Bắc nổi lên chiến công của nữ dân quân bắn rơi máy bay tầm thấp của Mỹ bằng vũ khí bộ binh. Nhạc sĩ Trọng Loan với ca khúc “Người Châu Yên em bắn máy bay”; nhạc sĩ Nguyên Nhung có “Cô gái Làng Đỏ”…  
 
Chính trị viên trung đội Lê Thị Lương, năm 1968.
Chính trị viên trung đội Lê Thị Lương, năm 1968.

Tại thời điểm này, Quảng Bình cũng đã hình thành nhiều mô hình: Phân đội nữ dân quân trực chiến bắn máy bay bay thấp. Đó là nữ dân quân xã Lê Hóa (Tuyên Hóa), nữ dân quân xã Xuân Ninh (Quảng Ninh), nữ dân quân HTX 15/7 của Bảo Ninh (TX. Đồng Hới)… Tại xã Võ Ninh (Quảng Ninh), theo đề nghị của lãnh đạo xã, tháng 3/1967 Huyện đội đã quyết định thành lập trung đội nữ dân quân.

Cũng như các địa phương khác, đơn vị được trang bị 3 khẩu trọng liên 12ly7 và tất cả các cô đều qua một khóa huấn luyện kỹ năng thao tác vũ khí, tiếp cận các danh từ chuyên môn quân sự, như: Tầm, hướng, bắn đón, cự ly, tốc độ… Chỉ trong thời gian ngắn, với tinh thần hăng say của tuổi trẻ, các cô gái đã thông thạo nhuần nhuyễn từng vị trí chiến đấu. Rồi ngày lập công cũng đã đến với họ.

Ngày 10/11/1967, dưới sự chỉ huy của trung đội trưởng Phạm Thị Phú và Chính trị viên Lê Thị Lương, họ đã bắn rơi tại chỗ một chiếc F-4H, bắt sống giặc lái khi chúng đánh phá phà Quán Hàu.  
 
Sau chiến công đó, nhạc sĩ Dương Mạnh Đạt đã có ngay ca khúc “Gái giỏi quê ta” mà “nhân vật” trong ca khúc chính là những cô gái Võ Ninh vừa bắn rơi máy bay! Bài hát lập tức được tốp ca nữ Đoàn VCTĐQB dàn dựng biểu diễn và được bộ đội, nhân dân hoan hô nhiệt liệt.
“…Tàu bay Mỹ tới nơi đây súng ta vươn nòng hướng lên bầu trời
      Chị em bạn gái quê ta quyết tâm chôn vùi thần sấm, con ma
      Thi đua với người tiền tuyến, hậu phương có chúng em đảm đang
      Chiến trường anh thắng quân thù, hậu phương em bắn rơi tàu bay…”.
 
Ban đầu, Mạnh Đạt xử dụng giai điệu nhẹ nhàng duyên dáng, ca từ thiết tha như cô gái đang kể chuyện, hẹn ước với chàng trai ở tiền tuyến. Tiếp đó, âm nhạc và lời ca được chuyển từ trạng thái “dịu dàng” sang một không khí vui mừng, mang tính khẳng định:
          “…Tin mừng chiến thắng khắp nơi nơi
            Cả nước biết tên gái làng ta bắn rơi tàu bay
            A…Ta hát vang lừng mừng thắng lợi.
            Dân quân gái Quảng Bình cày cấy giỏi, bắn rơi tàu bay khi chúng dám vô đây”.
 
Phần cuối của ca khúc, là “lời hứa quyết tâm” của toàn trung đội:
         “… Giữ trời quê ta, súng chắc trong tay chị em sẵn sàng chờ quân cướp Mỹ
                Khi chúng vô trên đất này, nòng súng quê ta đan lưới dày
                Bủa vây khắp nơi quyết tiêu diệt bây”!
 
Có thể nói, Mạnh Đạt đã thành công. “Gái giỏi quê ta” là một lời giới thiệu để cả nước biết về khí phách của những cô gái Quảng Bình trong đánh Mỹ!
Cựu chiến binh đội văn nghệ Tiểu đoàn 45 và các nữ diễn viên còn lại của tốp ca nữ gặp mặt nhân kỷ niệm 50 năm hội diễn tại Quân khu 4 (1968-2018).
Cựu chiến binh đội văn nghệ Tiểu đoàn 45 và các nữ diễn viên còn lại của tốp ca nữ gặp mặt nhân kỷ niệm 50 năm hội diễn tại Quân khu 4 (1968-2018).
Đầu năm 1968, mặc dù trong điều kiện chiến tranh ác liệt nhưng Tỉnh đội vẫn tổ chức hội diễn văn nghệ công-nông-binh toàn tỉnh. Hội diễn quy tụ rất nhiều đội văn nghệ nghiệp dư từ các tiểu đoàn bộ đội chủ lực trong tỉnh… Ngoài ra, còn có các đội văn nghệ dân quân du kích các huyện, thị xã và tự vệ các cơ quan xí nghiệp trong toàn tỉnh.
 
Tại huyện Quảng Ninh lúc bấy giờ, phong trào văn hóa-văn nghệ các xã rất mạnh. Nhưng Huyện đội đã có một quyết định “táo bạo”: Chọn đội văn nghệ của trung đội nữ dân quân xã Võ Ninh đại diện lực lượng dân quân địa phương dự hội diễn với tiết mục tốp ca nữ “Gái giỏi quê ta”.
 
Sau gần một tháng vừa trực chiến vừa tranh thủ luyện tập, cuối tháng 2/1968, Chính trị viên Lê Thị Lương và 7 chiến sĩ bàn giao trận địa, vũ khí lại cho đồng đội, khoác ba lô hành quân lên Khu B (giữa đại ngàn Trường Sơn, phía Tây Đồng Hới gần 40km) tham gia hội diễn. Thật đáng ngạc nhiên khi trên sân khấu xuất hiện đội hình với 8 cô gái trẻ trong bộ bà ba đen, súng trường (đạo cụ) khoác bên vai, bước đi dịu dàng uyển chuyển, cùng với sự hỗ trợ nhạc đệm cây accordion của Mạnh Đạt, tốp nữ đã diễn xuất một cách nhuần nhuyễn.
 
Không ai có thể ngờ rằng chỉ mới hôm qua thôi, họ chính là những xạ thủ đã từng quật ngã “con ma” của giặc Mỹ ngay trên quê hương của mình! Kết thúc hội diễn, thật bất ngờ, tiết mục tốp ca nữ “Gái giỏi quê ta” đã được xếp giải nhất khối dân quân tự vệ.
 
Tiếp đó là hội diễn Quân khu 4. Tỉnh đội quyết định chọn 2 đơn vị văn nghệ nghiệp dư xuất sắc nhất trong hội diễn vừa qua cùng với Đoàn VCTĐQB xây dựng chương trình, đại diện cho phong trào văn hóa-văn nghệ tỉnh Quảng Bình tham gia hội diễn Quân khu. Đó là đội văn nghệ Tiểu đoàn 45 (tiểu đoàn chủ lực của tỉnh vừa ở chiến trường Quảng Trị ra) và tiết mục “Gái giỏi quê ta” của xã Võ Ninh.
 
Điều đáng tiếc là do tình hình chiến đấu nên đội hình tốp nữ từ 8 diễn viên rút lại chỉ còn 4, trong đó có Chính trị viên Lê Thị Lương. Tuy vậy, nhưng tại sân khấu hội diễn Quân khu 4, tốp ca nữ “Gái giỏi quê ta” lại một lần nữa gây được ấn tượng đẹp cho Ban Tổ chức và khán giả.
 
Đã hơn 55 năm trôi qua, trung đội nữ dân quân xã Võ Ninh thời đó nay nhiều người đã đi xa kể cả tác giả Dương Mạnh Đạt. Tám diễn viên của tốp nữ chỉ còn lại ba người. Nhưng ca khúc “Gái giỏi quê ta” vẫn còn sống mãi với thời gian…
                                                            Đoàn Đoàn

tin liên quan

Tổng duyệt chương trình sân khấu thực cảnh "Trở về bến phà xưa"

(QBĐT) - Tối 21/2, tại bờ Bắc bến phà Xuân Sơn, thị trấn Phong Nha (Bố Trạch), Sở Văn hóa-Thể thao phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội, Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình và nhà văn Nguyễn Quang Vinh tổ chức tổng duyệt chương trình sân khấu thực cảnh đặc biệt "Trở về bến phà xưa" chào mừng kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1/3/1923-1/3/2023).

Hội Báo toàn quốc 2023: "Đoàn kết, Chuyên nghiệp, Văn hóa, Sáng tạo"

Theo thông tin từ Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Báo toàn quốc 2023 với chủ đề "Đoàn kết, Chuyên nghiệp, Văn hóa, Sáng tạo" dự kiến diễn ra từ ngày 17-19/3 tại Bảo tàng Hà Nội, đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Triển lãm ảnh Kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam

Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, triển lãm ảnh kỷ niệm 80 năm "Đề cương về văn hóa Việt Nam" (1943 - 2023) sẽ diễn ra vào ngày 27 - 28/2 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế và Nhà hát Lớn Hà Nội.