Khi nhà văn hoá bị "lãng quên"…

  • 07:34 | Thứ Tư, 15/02/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mặc dù đã được quan tâm, đầu tư xây dựng nhưng thực trạng nhiều nhà văn hoá (NVH) ở các địa phương tại huyện Lệ Thủy xuống cấp, thiếu trang thiết bị phục vụ sinh hoạt cộng đồng, trong khi huy động nội lực cho việc xây mới, nâng cấp, tu sửa ở các địa phương đang hết sức khó khăn…
 
Hàng loạt NVH xuống cấp…
 
NVH thôn Tương Trợ (xã Hưng Thủy) được xây dựng và chính thức đi vào hoạt động năm 2004. Khi mới xây dựng, đây được xem là NVH to nhất, nhì xã, nhưng trải qua gần 20 năm hoạt động, nhiều hạng mục trong NVH đã xuống cấp, như: Mái ngói mục nát, tường bị nứt, ẩm mốc; hệ thống bàn ghế và các thiết chế văn hoá (loa, đài)... bị hư hỏng.
 
Trưởng thôn Tương Trợ Đinh Như Tuấn cho biết, NVH thôn là nơi sinh hoạt chung của 183 hộ với 720 nhân khẩu. Diện tích của NVH thôn chỉ có 50m2 nên rất khó để tổ chức các hoạt động tại đây. Hàng tháng, tại NVH có gần 10 cuộc họp thôn và các tổ chức đoàn thể được tổ chức; ngoài ra, còn có nhiều hoạt động diễn ra ở NVH nhưng chỉ một ít người dân được ngồi trong hội trường, số còn lại phải ngồi ngoài sân. Người dân đã kiến nghị, đề xuất sửa chữa lại một số hạng mục đã xuống cấp, hư hỏng, nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư, tu sửa                                       
Chủ tịch UBND xã Hưng Thủy Võ Danh Thuấn cho hay, toàn xã có 13 NVH, nhưng có đến 11 NVH xuống cấp, hư hỏng trầm trọng do xây dựng đã lâu. Các NVH xuống cấp chủ yếu là tường, mái ngói nhà cửa và diện tích chật hẹp không đủ chỗ cho người dân sinh hoạt. 
Các thiết chế văn hoá ở Nhà văn hoá thôn 2 Thanh Tân (Thanh Thủy) đã xuống cấp, hư hỏng.
Các thiết chế văn hoá ở Nhà văn hoá thôn 2 Thanh Tân (Thanh Thủy) đã xuống cấp, hư hỏng.
“Các NVH ở địa phương được đầu tư xây dựng chủ yếu dựa vào nguồn lực của nhân dân, địa phương không hỗ trợ được nhiều. Năm 2019, địa phương đã cán đích nông thôn mới, một số NVH đã được địa phương hỗ trợ tu sửa, để đáp ứng tiêu chí nông thôn mới, nhưng không đáng là bao. Tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, chúng tôi đã kiến nghị các cấp, ngành quan tâm, có cơ chế hỗ trợ xây dựng NVH ở địa phương. Nếu việc xây dựng NVH chủ yếu dựa vào sức dân, ước mong có được NVH đáp ứng yêu cầu của nhân dân trên địa bàn chưa biết bao giờ mới thực hiện được…", Chủ tịch UBND xã Hưng Thủy cho hay.
 
NVH thôn 2 Thanh Tân (xã Thanh Thủy) là phòng học mẫu giáo cũ được xây dựng từ trước năm 2000. Khi các điểm mẫu giáo ở địa phương được đưa về học tập trung tại xã, phòng học này được bàn giao cho thôn làm NVH. 
 
Trưởng thôn 2 Thanh Tân Nguyễn Thanh Nhân cho biết, mặc dù nhiều hạng mục của NVH xuống cấp nhưng bà con trong thôn vẫn thường xuyên sử dụng làm nơi hội họp, tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ.
 
“Toàn thôn có 215 hộ với 1.050 khẩu, trong khi diện tích của NVH thôn chỉ có 70m2, nên chỉ tập hợp được khoảng 1/2 dân tham dự cuộc họp. Tường NVH thôn bị ẩm mốc, không có trần, mùa mưa gây thấm, dột; mùa nắng thì nóng khủng khiếp. Một số cửa sổ bị kéo lệch không thể đóng mở được. Hơn nữa, một số thiết chế văn hoá bị hư hỏng, không sử dụng được…”, Trưởng thôn 2 Thanh Tân cho hay.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Thuỷ Trần Hoà Hợi cho biết thêm, hiện, các NVH ở địa phương đều có diện tích chập hẹp, các thiết chế văn hoá xuống cấp. Để khắc phục tình trạng này, chính quyền địa phương đã kêu gọi xã hội hoá, nhưng chỉ sau nâng cấp, tu sửa1 thời gian thì đâu lại vào đấy…
 
Trưởng phòng Văn hoá-Thông tin huyện Lệ Thuỷ Dương Văn Bình cho biết, huyện hiện có 186/187 thôn, bản, tổ dân phố có NVH; trong đó, có 108 NVH đã đạt chuẩn và 78 NVH chưa đạt chuẩn. Trong số 78 NVH chưa đạt chuẩn có 33 NVH cần nâng cấp, cải tạo; 45 NVH cần xây dựng mới. Hiện, rất nhiều NVH thôn, bản, tổ dân phố ở địa phương xây dựng đã lâu, nay xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hóa tinh thần, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở của nhân dân…
 
Cần được đầu tư, xây dựng…
 
“Sắp tới, đơn vị sẽ phối hợp với Phòng Tài chính-Kế hoạch và các xã kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng các NVH trên địa bàn huyện; đồng thời, tham mưu cho UBND huyện, chính quyền các địa phương có lộ trình cải tạo, nâng cấp các NVH, bảo đảm theo quy định của Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch…”, Trưởng phòng Văn hoá-Thông tin huyện Lệ Thủy Dương Văn Bình cho biết.
NVH thôn, bản, tổ dân phố giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Các NVH vừa là nơi diễn ra các cuộc họp dân để phổ biến các chủ trương, chính sách; đồng thời, cũng là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa tinh thần vào những dịp quan trọng. Nhưng, trước thực tế nhiều NVH ở huyện Lệ Thuỷ xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, các địa phương vẫn chưa huy động được nguồn lực để sửa chữa, xây mới…
 
Theo tính toán của lãnh đạo địa phương các xã Hưng Thủy, Thanh Thủy, để xây dựng mới một NVH cần khoảng 700 triệu đồng, trong lúc việc huy động sức dân hạn chế, nhất là đời sống của người dân còn gặp rất nhiều khó khăn. 
 
Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy Trần Hoà Hợi cho biết, địa phương đã tranh thủ kêu gọi xã hội hoá để xây dựng mới NVH. Đến nay, có NVH được xây dựng mới, còn các NVH khác đang lập phương án hỗ trợ, di dời, nâng cấp, cải tạo để thay thế các NVH thôn đã xuống cấp, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hội họp tối thiểu...
 
Cùng quan điểm, Chủ tịch UBND xã Hưng Thủy Võ Danh Thuấn đánh giá, việc xây dựng NVH ở địa phương rất khó khăn, để xây mới 11 NVH xuống cấp, xã cần kinh phí khoảng gần 10 tỷ đồng, trong khi đời sống của người dân gặp khó khăn, địa phương không có nguồn thu ngân sách…
 
Ngọc Hải

tin liên quan