Gặp người chụp ảnh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

  • 06:48 | Thứ Ba, 30/08/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Vào những ngày đầu tháng 9/2004, thầy giáo Trần Văn Nầy cùng đoàn cán bộ cốt cán xã Lộc Thủy (Lệ Thủy) ra Thủ đô Hà Nội mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 93 tuổi. Được sự đồng ý của Đại tướng và gia đình, đoàn đã có chuyến thăm và báo cáo Đại tướng về tình hình chính trị, kinh tế-xã hội của địa phương. 18 năm đã trôi qua, thầy giáo Trần Văn Nầy mãi không quên được những phút giây đó.
 
Sau gần một tháng đăng ký thăm hỏi Đại tướng, đoàn cán bộ cốt cán xã Lộc Thủy nhận được thông tin gia đình và Đại tướng hẹn gặp. Mọi người hết sức vui mừng. Đêm trước, đoàn thống nhất lại lần nữa những nội dung sẽ báo cáo Đại tướng và không ai có thể ngủ được. Bởi, mọi người chỉ thấy Đại tướng qua màn hình vô tuyến và những bài học trong sách giáo khoa, nay sắp gặp được Đại tướng, thỏa ước nguyện bấy lâu.
 
Sáng sớm, đoàn cùng nhau chuẩn bị một bó hoa thật đẹp cùng 20kg gạo “ló chét” trái mùa, 1 thúng tép khô từ đồng quê Lệ Thủy. Đúng 8 giờ 30 phút ngày 9/9/2004, đoàn có mặt tại nhà số 30, Hoàng Diệu, TP. Hà Nội.
 
Vừa đến cổng, đồng chí thư ký của Đại tướng, đại tá Nguyễn Văn Huyên với các anh cận vệ đã đợi sẵn và bảo: Các anh lên ngay đi. Đại tướng đang chờ ở phòng khách. Mọi người vui mừng, hồi hộp. Tuy ai cũng biết Đại tướng là người gần gũi, thân mật và rất bình dị nhưng được gặp Đại tướng bằng da bằng thịt thì ai cũng có cảm giác bồi hồi, xúc động...
 
Đại tướng mặc giản dị trong bộ áo đại cán màu trắng, mắt sáng ngời không đeo kính. Bước chân chậm rãi, chắc chắn, tay giơ lên chào đoàn. Mọi người như vỡ òa sung sướng, khóe mắt ai cũng rưng rưng vì Đại tướng quá gần gũi. Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Lộc Thủy thay mặt đoàn tặng Đại tướng bó hoa thật tươi. Đại tướng nhận và bảo mọi người ngồi xuống ghế phòng khách. Rồi Đại tướng hỏi đoàn:
 
-  Bà con mềng (mình) từ mô ra?
 
-  Dạ, chúng cháu ở quê ra, thưa Đại tướng!, đồng chí trưởng đoàn lễ phép trả lời.
 
-  Rứa quê mô?
 
-  Thưa Bác, quê Lộc Thủy ạ!
 
Cho đến tận bây giờ, thầy giáo Trần Văn Nầy mới hiểu hết được từ “bà con mềng” và “quê mô” của Đại tướng. Với Đại tướng, nhân dân, đồng bào ai cũng là bà con cả. Khái niệm quê hương của Đại tướng rất rộng, quê là Lộc Thủy, Lệ Thủy và là Quảng Bình thân thương.
 
Sau đó, Đại tướng ân cần hỏi đoàn về tình hình xã Lộc Thủy, đặc biệt Đại tướng hỏi nhiều về đời sống của nhân dân, rồi việc tăng cường, củng cố và giữ gìn đoàn kết nội bộ Đảng, đoàn kết quân dân, công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, tình hình phát triển thủ công nghiệp ở địa phương... Mọi người lần lượt báo cáo với Đại tướng về từng vấn đề. Sau khi nghe báo cáo, Đại tướng vui mừng dặn dò: Mọi người muốn làm tốt công việc phải cố gắng tự học vươn lên, không được có tư tưởng ỷ lại, nhờ vả.
 
Quay sang, thầy giáo Trần Văn Nầy, Đại tướng hỏi:
 
- Rứa, tình hình giáo dục ở xã nhà ra răng?
 
- Kính thưa Bác! Vừa rồi, Trường THCS Lộc Thủy mới xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đầu tiên trên toàn tỉnh ạ!, thầy giáo Trần Văn Nầy thưa với Đại tướng.
 
- Rứa là được, nhưng nhớ không làm vì thành tích nghe. Rồi Đại tướng quay sang các đồng chí trong đoàn:
 
- Các chú nhớ giáo dục có tốt thì kinh tế, xã hội mới phát triển được...
 
Trò chuyện một hồi lâu, các đồng chí cảnh vệ có ý nhắc nhở đoàn hạn chế về thời gian để bảo đảm sức khỏe cho Đại tướng. Như biết được ý định của anh em cảnh vệ, Đại tướng nói:
 
- Riêng với bà con mềng, ai có tâm sự chi cứ nói thoải mái, đừng sợ mất thời gian...
 
Rồi Đại tướng mời đoàn sang nhà Đại tướng và gia đình ở. Tại đây, mọi người được Đại tướng cho phép đi tham quan tất cả. Trong đoàn, ai ai cũng đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
 
Khi thầy giáo Trần Văn Nầy có ý nguyện được chụp ảnh cùng Đại tướng, một anh cảnh vệ có ý ngăn cản để bảo đảm tiến độ của chuyến viếng thăm. Đại tướng nói: "Riêng với hiệu trưởng, tôi sẽ chụp ảnh riêng".
 
Nói xong, Đại tướng bảo thợ ảnh chụp riêng với thầy giáo Trần Văn Nầy (Hiệu trưởng Trường THCS Lộc Thủy) và cô giáo Phạm Thị Diệp (Hiệu trưởng Trường tiểu học Lộc Thủy), rồi Đại tướng bảo đồng chí thư ký lấy cuốn sách về Điện Biên Phủ tặng cho hai trường, đồng thời không quên ký tặng. Bắt tay hai hiệu trưởng, Đại tướng căn dặn: "Các thầy cô, mang sách này về giới thiệu cho các cháu về lịch sử của dân tộc. Đừng để sách ở phòng truyền thống đến nỗi nó “cộ” (cũ) nghe!".
 
Có lẽ, những lời dạy của Đại tướng cho đến nay các thành viên trong đoàn ai cũng không thể nào quên. Bao giờ cũng thế, cái vĩ đại bao giờ cũng bắt nguồn từ những cái gần gũi, bình thường nhất.
 
Câu chuyện với Đại tướng kéo dài đến 2 tiếng đồng hồ. Cuộc gặp gỡ này theo đại tá Nguyễn Văn Huyên là dài so với các cuộc gặp khác. Đó cũng là thâm tình Đại tướng dành cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quê nhà.
 
Cuối buổi sáng, đoàn cốt cán xã Lộc Thủy xin phép ra về. Đại tướng bắt tay từng người và ân cần chúc Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân xã Lộc Thủy đoàn kết, phát huy truyền thống cách mạng của Đảng, nhân dân Lệ Thủy anh hùng, góp phần làm cho hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh; kinh tế-xã hội phát triển; quốc phòng-an ninh vững chắc...
 
Giờ đây, sau nhiều năm cống hiến, phụng sự cho Tổ quốc, nhân dân, Đại tướng đã về với quê hương Quảng Bình mãi mãi, nơi có dãy Trường Sơn hùng vĩ và biển Đông xanh ngát mênh mông. Đại tướng về với dòng sông Kiến Giang, với lúa đồng và với hàng cây dâm bụt giản dị, thân quen nơi đầu ngõ. Đại tướng về quê để những người dân quê hương đến thăm viếng Đại tướng không phải đường xa dặm thẳm. Ông về quê còn bởi khúc ruột miền Trung vốn thuận tiện cho con đường Nam-Bắc...
 
Ngô Mậu Tình

tin liên quan

Chương trình nghệ thuật "Sao Độc lập" ca ngợi đất nước Việt Nam anh hùng

Tối 28/8, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Bộ Biên tập Báo Nhân Dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Chương trình giao lưu nghệ thuật "Sao Độc lập" 2022 nhân kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945-19/8/2022) và Quốc khánh 2/9.

Lễ cúng thần rừng của người Mã Liềng

(QBĐT) - Theo quan niệm của người Mã Liềng (dân tộc Chứt), thần rừng là vị thần bảo hộ quan trọng nhất, chi phối toàn bộ đời sống của người dân. Chính vì vậy, vào những dịp quan trọng, bà con phải tổ chức cúng thần rừng...

Đôi bờ sông Nhật Lệ

(QBĐT) - Đôi bờ sông Nhật Lệ.