Quê chung trong lòng đất Việt

  • 13:50 | Thứ Sáu, 13/05/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Về quê Bác tháng 5, đúng vào dịp mùa hoa sen nở rộ ướp cả hương đồng, hương lúa. Một làn hương dịu nhẹ xua đi cái oi bức ngột ngạt của miền quê gió Lào khắc nghiệt. Ở đây giống như một không gian Việt thu nhỏ. Một làng quê Việt đã quy tụ kết tinh bao vẻ đẹp bình dị của những nếp nhà mái tranh, tường tre ấm áp tình người xóm mạc. Mới biết tình quê mộc mạc đã ngấm vào Người cả những câu dân ca như mạch nguồn trong trẻo nuôi dưỡng Người bằng những phong vị từ văn hóa dân gian đến văn hóa bác học.
 
Lòng ta chợt lắng lại bồi hồi khi thả bộ “Đi giữa ân tình giữa bát ngát hương sen”. Nơi đây nằm trong những cái nôi của làn điệu dân ca sinh hoạt tinh thần nổi tiếng của xứ Nghệ. Những đêm gió mát, trăng thanh, điệu hát đò đưa hòa với tiếng hát ví, hát dặm, hát phường vải gợi lên trong lòng người mối tình quyến luyến với quê hương đã bồi đắp cho con người nơi đây vốn văn nghệ dân gian phong phú, một cuộc sống lành mạnh, chan chứa tính lạc quan cách mạng yêu đời thiết tha.
 
Bác Hồ sinh ra ở miền quê sông Lam, theo cha vào Huế nơi có sông Hương, dạy học ở Phan Thiết nơi có dòng sông Cái và xuống tàu tìm đường cứu nước từ sông Sài Gòn. Từ đó, Bác qua Pháp nơi gắn liền với dòng sông Seine, tìm ánh sáng luận cương Lênin ở nước Nga nơi có sông Volga và cuối cùng về Hà Nội, nơi có dòng sông Hồng nổi tiếng. Còn có một con sông là dòng sông dân ca bắt đầu từ những lời ru của mẹ trên cánh võng đay thấm vào Người mạch nguồn văn hóa dân gian, dân tộc để sau này đến với văn hóa bác học, văn hóa nhân loại.
 
Sau hàng chục năm bôn ba nước ngoài trở về Tổ quốc thân yêu, Bác vẫn không quên được những câu ví dặm, hát phường vải của quê hương: “À ơi! (chứ) ai biết nác sông Lam răng là trong là đục-Thì mới biết cuộc đời răng là nhục là vinh-(Chứ) Thuyền em lên thác xuống ghềnh-Nước non là nghĩa là tình ai ơi”. Bác Hồ đã sửa chữ “nước” thành chữ “nác” cho một nghệ nhân khi đoàn dân ca Nghệ Tĩnh vào Phủ Chủ tịch hát cho Người nghe. Nguồn mạch dân ca đã gieo vào Người tình yêu những tác phẩm văn chương nổi tiếng: “Truyện Kiều”, “Chinh phụ ngâm”. Bác thường hay lẩy Kiều và khi trên đường đi hoạt động bí mật Bác thường ngâm “Chinh phụ ngâm” cho các đồng chí của mình nghe.
 
Về quê Bác ta như được sống lại ký ức của miền quê nông thôn nước Việt thân yêu. Đi qua cổng chính hai bên lối vào là hàng rào dâm bụt đỏ hoa quê. Nơi ấy có mảnh sân và khu vườn với những cây, những quả như bao mảnh vườn quê thân thuộc khác. Đó là hàng cau cao vút, vồng khoai lang lấp ló hoa tím, gốc mít, là cây bưởi nặng trĩu quả. Mấy gian nhà lợp mái tranh đơn sơ giản dị bạc màu theo mưa nắng nép mình dưới rặng tre sau nhà bốn mùa xào xạc gió thổi.
 
Dưới nếp nhà tranh mộc mạc nơi “Làng sen quê cha”, Người đã cất tiếng khóc chào đời. Còn đây những kỷ vật bình dị với án thư, tấm phản thường ngày cụ Nguyễn Sinh Sắc dạy học, với cảnh võng đay đong đưa năm tháng với tuổi thơ của Bác. Còn đây chiếc rương gỗ đựng lương thực, chiếc tủ đứng hai ngăn đựng đồ dùng sinh hoạt hàng ngày, chiếc mâm bằng gỗ sơn đen… như làm sống lại ký ức một thời trong mênh mang da diết của bài hát “Người về thăm quê” của nhạc sĩ Thuận Yến: “Gặp lại tiếng thoi mẹ ngồi dệt vải-Gặp lại giọng trầm đêm trăng cha đọc thơ-Gặp lại tuổi xuân đi nghe hát đò đưa…”.
 
Tháng 5 nhớ Bác, về quê Bác, tôi bồi hồi đứng bên chiếc khung cửi dệt vải năm xưa của bà Hoàng Thị Loan thân mẫu của Người. Nghe bà con ở làng Sen kể, tôi mới biết ở Kim Liên có một nghề phụ rất phổ biến lúc nông nhàn là dệt vải, kéo sợi. Ở Kim Liên trước đây nhà nào cũng kéo vải. Nghề kéo vải thường là nghề của đàn bà, con gái. Kéo một mình thì buồn, nên các bà, các cô thường rủ nhau tụ họp tại một nhà nào đó trong thôn, xóm không chỉ để tiện đèn dầu mà còn để động viên nhau, cổ vũ lẫn nhau và hát.
 
Phường vải hội họp sinh ra từ đó và đây cũng chính là ngọn nguồn tục hát ví, hát phường vải. Nghe nói bà Hoàng Thị Loan là một trong những người xuất sắc một thời trong làng hát phường vải. Sau này khi theo ông Nguyễn Sinh Sắc đưa những đứa con vào Huế, bà vẫn sắm khung cửi để dệt vải nuôi chồng dùi mài kinh sử thi cử, nuôi các con chăm ngoan học hành khôn lớn. Toàn bộ phần mộ bà Hoàng Thị Loan trên núi Động Tranh được che bằng giàn hoa xây bêtông kiểu dáng như một chiếc khung cửi cách điệu mà hai đường lên xuống với hàng trăm bậc thang lát đá giống như hai dải lụa đào, gợi nhớ cuộc đời canh cửi vất vả để nuôi chồng, nuôi con thuở sinh thời.
 
Và tôi bồi hồi lặng đi khi biết giàn hoa được phủ bằng những gốc hoa giấy đưa từ khu mộ ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc từ Cao Lãnh (Đồng Tháp) về trồng ở đây. Bỗng ngân vọng trong tôi hai câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Bảo Định Giang đẹp như một áng ca dao thuần Việt: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen-Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”.
 
Tháng  5 về quê Bác, ta gặp bao giọng nói miền quê bao lứa tuổi từ các cụ phụ lão đến các cháu thiếu nhi, từ Nam ra Bắc với muôn sắc áo, sắc màu dân tộc. Từ vùng núi cao phía Bắc đến đồng bằng sông Cửu Long, từ dân tộc Thái, Thổ, Tày, Nùng... đến dân tộc Ê Đê, Xu Đăng, Gia Rai... của Tây Nguyên đều quy tụ về đây thành một nước Việt Nam thu nhỏ. Ta còn gặp các đoàn khách nước ngoài với muôn thứ tiếng các màu da khác nhau. Họ có chung một ngôn ngữ khi gặp gỡ nhau ở đây bằng bập bẹ câu chào tiếng Việt: “Việt Nam-Hồ Chí Minh”.
 
Tháng 5, ta lại nhớ Bác khôn nguôi, tháng 5 này cả dân tộc mừng đón 132 năm ngày sinh của Bác-vị lãnh tụ kính yêu đã để lại “Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương” (Việt Phương) và “Bác để tình thương cho chúng con-Một đời thanh bạch chẳng vàng son-Mong  manh áo vải hồn muôn trượng-Hơn tượng đồng phơi những lối mòn” (Tố Hữu). Và “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn” trong sáng và tinh khiết như hương sen thơm bát ngát gió đồng ở làng Sen-Quê chung trong lòng đất Việt.
 
Nguyễn Ngọc Phú

tin liên quan