"Địa chỉ đỏ" giữa lòng thành phố

  • 07:10 | Thứ Sáu, 06/05/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhiều năm qua, Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình đã thực hiện tốt việc lưu giữ, trưng bày những hiện vật, tư liệu minh chứng cho các giai đoạn lịch sử, đời sống văn hóa của người dân địa phương qua các thời kỳ khác nhau. Để trở thành điểm đến hấp dẫn, là “cầu nối” gắn kết giữa quá khứ với hiện tại và tương lai, Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình đã tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động, phát huy giá trị kho hiện vật, thu hút khách tham quan.
 
Những hiện vật “biết nói”
 
Tạo ấn tượng và có sức thu hút đặc biệt đối với người xem là những bức ảnh, hiện vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều hiện vật lịch sử, trong đó có các bức ảnh ghi lại sự kiện Bác Hồ về thăm Quảng Bình (16/6/1957); bộ sưu tập huân chương, huy chương các loại, thư khen, hiện vật hình thể khối mà Bác Hồ tặng thưởng cho các cá nhân, đơn vị trong tỉnh... Đó là những nguồn tư liệu quý để người dân Quảng Bình nói riêng, khách tham quan từ các tỉnh, thành phố trong cả nước được tiếp cận với những di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại.
 
Để giúp người xem dễ dàng tiếp cận với thông tin qua chuỗi hiện vật, bảo tàng đã lắp đặt bảng giới thiệu trích lược các giai đoạn lịch sử của Quảng Bình và sắp xếp, bố trí hợp lý hiện vật, tư liệu minh chứng cho các sự kiện, giai đoạn lịch sử.
 
Trong các không gian trưng bày, người xem được tiếp cận với nhiều bài học lịch sử qua cách tìm hiểu, tiếp cận các tư liệu, hiện vật, như: Xe đạp phục vụ hoạt động tuyên truyền sử dụng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, xe đạp nước dùng để tưới tiêu thời kỳ chống Mỹ cứu nước, mái chèo của mẹ Nguyễn Thị Suốt ở xã Bảo Ninh dùng để chở bộ đội qua sông năm 1965, xác máy bay Mỹ bị bắn rơi tại huyện Quảng Ninh năm 1967, súng 12 ly 7 của lão dân quân Đức Ninh (Đồng Hới) bắn cháy máy bay Mỹ đêm 17/12/1967, tấm ván rầm của gia đình ông Phạm Minh Thà (Duy Ninh, Quảng Ninh) dùng để lót giao thông hào phục vụ du kích đánh Pháp thời kỳ 1947-1954 … Ngoài ra, còn có nhiều bức ảnh phản ánh sinh động cuộc sống và những chiến công của quân, dân Quảng Bình trong 2 cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc của dân tộc.
 
Hiện vật về vũ khí của quân, dân Quảng Bình sử dụng trong các cuộc kháng chiến cũng khá phong phú với nhiều loại, như: Kiếm, mã tấu, đại đao, lưỡi mác, gậy sắt, đòn gánh, dao, súng…
 
Không chỉ phong phú về các hiện vật lịch sử, Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình còn trưng bày rất nhiều hiện vật có giá trị văn hóa của người Quảng Bình qua các thời kỳ. Trong không gian khá rộng rãi, bài trí đẹp, những hiện vật, như: Trống (dùng trong lễ hội đập trống của người Ma Coong, xã Thượng Trạch, Bố Trạch), cối, chày, đó, đơm cá, trang phục, nhạc cụ… của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Bình được trưng bày ngay ngắn, có chỉ dẫn nguồn gốc cụ thể.
Phong phú về hiện vật, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh là địa chỉ quen thuộc với những ai thích tìm hiểu, khám phá về lịch sử, văn hóa Quảng Bình.
Phong phú về hiện vật, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh là địa chỉ quen thuộc với những ai thích tìm hiểu, khám phá về lịch sử, văn hóa Quảng Bình.

Bảo tàng còn có nhiều bộ sưu tập hiện vật gồm các đồ dùng phục vụ đời sống sinh hoạt của người Việt cổ thời kỳ văn hóa Đông Sơn (thạp, thố, âu lưới, nồi vò, bình đất, khuôn đúc rìu, bát đồng, rìu, gương đồng…). Bên cạnh đó còn có bộ sưu tập hiện vật từ thời phong kiến (thẻ bài, tiền đồng Trung Quốc, tiền đồng của người Việt, con dấu, nồi, chăn…). Người xem còn được tìm hiểu đời sống sinh hoạt, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số qua các nhạc cụ dân tộc, trang phục, đồ dùng, như: Khèn, sáo pi, đàn tính tùng, trống, cột xà nư, ram chiết, tà lành, gùi, áo quần…

Một trong những điểm nhấn của Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình là không gian trưng bày về tài nguyên, thiên nhiên, con người Quảng Bình, nổi bật là bộ sách vải, viết bằng chữ thư pháp Việt về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bộ sách này đã được xác lập kỷ lục Việt Nam và thế giới. Ngoài ra, bảo tàng còn được Bộ Quốc phòng tặng phần mềm và thiết bị tham quan 3D giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Thông qua việc trưng bày, bảo quản các hiện vật tại bảo tàng đã giúp cho người dân hiểu thêm và trân trọng, tự hào về lịch sử, văn hóa địa phương, là địa chỉ mà rất nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đến tham quan, nghiên cứu tìm hiểu những giá trị văn hóa dân tộc.
 
Để bảo tàng là điểm đến hấp dẫn
 
Nhằm phát huy vai trò, hiệu quả của bảo tàng trong đời sống, ngay từ khi mới thành lập, đơn vị đã tích cực đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, hiện vật và tổ chức các cuộc trưng bày phục vụ nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ, ngày kỷ niệm sự kiện trọng đại của đất nước, của tỉnh. Chỉ tính riêng trong năm 2021, đơn vị đã sưu tầm được 175 hình ảnh, tư liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tiếp nhận 770kg tiền xu bằng kim loại do ngư dân xã Quảng Phú (Quảng Trạch) giao nộp cho Đồn Biên phòng Roòn và nhiều hiện vật do những tập thể, cá nhân ở các địa phương tặng.
 
Ông Mai Thế Trung, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình cho biết: Đơn vị đã tập trung đổi mới các hoạt động, chú trọng công tác trưng bày, tuyên truyền, sưu tầm thu thập những tài liệu, di vật, cổ vật và các nhóm hiện vật về lịch sử, văn hóa truyền thống của các dân tộc trên đất Quảng Bình. Qua đó, giới thiệu được di sản văn hóa dân tộc, diện mạo văn hóa-xã hội của quê hương trong quá trình hình thành, phát triển. Với việc thực hiện mở cửa đón khách miễn phí tất cả các ngày trong tuần và nhận hướng dẫn thuyết minh cho khách tham quan các di tích lịch sử, địa danh văn hóa trên địa bàn TP. Đồng Hới và các vùng lân cận, Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình thu hút ngày càng nhiều khách đến tham quan, tìm hiểu văn hóa lịch sử Quảng Bình, trong đó có nhiều khách du lịch, người nước ngoài và học sinh các cấp học.
 
Cùng với việc làm “giàu” cho bộ sưu tập hiện vật, đơn vị còn đầu tư khá đầy đủ về cơ sở vật chất và tuân thủ kỹ thuật bảo quản nhằm hạn chế thấp nhất sự giảm tuổi thọ, tránh làm hư hỏng, phá vỡ tính nguyên gốc của hiện vật. Hàng năm, đơn vị luôn triển khai tốt các hoạt động, như: Lập hồ sơ di tích, bảo vệ, phát huy giá trị di tích, nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày, kiểm kê, bảo quản di tích… từng bước đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu các giá trị lịch sử, văn hóa của người dân.
 
Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình hiện đang lưu giữ, bảo quản, trưng bày trên 16.000 hiện vật, ảnh, phim tư liệu liên quan tới lịch sử, phong tục, tập quán, văn hóa Quảng Bình qua các thời kỳ. Tất cả các hiện vật trưng bày đều được chú thích, giới thiệu ngắn gọn bằng tiếng Việt và tiếng Anh theo 7 chủ đề thuộc các lĩnh vực: Thiên nhiên, tài nguyên thiên nhiên; văn hóa các dân tộc; thời thời sơ sử, văn hóa Chămpa; từ thế kỷ XI đến năm 1945; thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954); sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, xây dựng CNXH (1954-1975); thời kỳ đổi mới và phát triển.
 
Nh. V

tin liên quan

Sôi nổi lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ năm 2022

(QBĐT) - Nhân kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2022) và 136 năm Ngày Quốc tế Lao động 1/5, trong khuôn khổ Tuần Văn hóa-Du lịch Đồng Hới năm 2022, sáng 30/4, TP. Đồng Hới tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ và đón bằng công nhận lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. 

Bữa cơm chiều trong dinh Độc Lập

(QBĐT) - Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. 

Đại thắng Mùa Xuân 1975

(QBĐT) - Trong những ngày tháng 4 này, lòng chúng ta ai cũng hân hoan trào dâng những niềm vui bất tận khi nhớ về cách đây 47 năm với chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Đất nước ta đã thống nhất trọn vẹn, non sông ta thu về một mối, nhân dân hai miền Nam-Bắc sum họp một nhà thỏa lòng ước mong tâm nguyện của Bác Hồ kính yêu từ 6 năm về trước trong lời chúc Tết xuân Kỷ Dậu năm 1969 trước lúc Người đi xa: "Tiến lên! Chiến sỹ đồng bào/Bắc-Nam sum họp, xuân nào vui hơn".