Tiếp tục chủ động triển khai các phương án ứng phó với thiên tai
(QBĐT) - Sáng nay, 16/10, đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ huy PCTT- TKCN kiêm Phòng thủ dân dự tỉnh đã đi kiểm tra tình hình ngập lụt trên địa bàn 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thuỷ. Cùng đi có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Văn phòng UBND tỉnh.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5 và không khí lạnh, từ 14/10 đến 4h ngày 16/10/2022, trên địa bàn 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thuỷ đã có mưa to đến rất to, gây ngập lụt cục bộ một số khu vực dân cư và các tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã.
Mưa lớn cũng đã làm cho 380 nhà dân của hai địa phương bị ngập từ 0,5m đến dưới 1m; trong đó, huyện Lệ Thủy có 256 hộ, Quảng Ninh 124 hộ.
Ở huyện Quảng Ninh, các khu vực dân cư ở vùng trũng thấp, như Tân Ninh, Hiền Ninh, An Ninh và tuyến đường tỉnh 564B, đến thời điểm trưa 16/10, vẫn đang bị ngập lụt cục bộ, nhiều điểm các phương tiện giao thông không qua lại được.
Tại huyện Lệ Thủy, mưa lũ còn làm sạt lở ở một số điểm và các lực lượng chức năng đã xử lý tạm thời các điểm sạt lở trên địa bàn các xã Lâm Thủy, Kim Thủy. Huyện cũng đang tiến hành rà soát kiểm tra các điểm sạt lở khác trên địa bàn; chưa ghi nhận thiệt hại lớn nào ở các trường học, cơ sở hạ tầng văn hóa.
Qua kiểm tra tình hình tại huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm đã ghi nhận, đánh giá cao công tác chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCTT - TKCN các địa phương.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh, theo dự báo của Cơ quan khí tượng thủy văn, trong những ngày tới, thời tiết còn nhiều diễn biến phức tạp, vì vậy, yêu cầu Ban chỉ huy PCTT - TKCN các huyện phân công các thành viên Ban chỉ huy tiếp tục bám sát địa bàn phụ trách kiểm tra, chỉ đạo cơ sở tập trung triển khai các biện pháp khắc phục thiệt hại do mưa lũ, ứng cứu kịp thời khi có diễn biến thiên tai xảy ra; đặc biệt phải đảm bảo an toàn cao nhất tính mạng và tài sản của người dân.
Cùng với đó, phải hết sức quan tâm đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân ở vùng ngập lụt, bị cô lập.
Thời gian tới, thời tiết có nhiều diễn biến cực đoan, dự kiến sẽ còn những đợt mưa lớn xảy ra, nguy cơ ngập lụt cao, chính vì vậy, các địa phương cần chủ động, sẵn sàng các phương án ứng phó với thiên tai.
Riêng tại vùng có nguy cơ sạt lở đất, các cầu, đập tràn ngập lụt phải cắm biển cảnh báo và bố trí lực lượng trực 24/24h; sẵn sàng sơ tán dân khi có nguy cơ sạt lở xảy ra.
Đối với các trường học trên địa bàn, trước mắt tạm dừng hoạt động dạy và học để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh. Ngay sau khi nước lũ rút, các địa phương khẩn trương huy động các lực lượng xung kích hỗ trợ người dân, các trường học sửa chữa, dọn vệ sinh môi trường sạch sẽ để đón học sinh quay trở lại ổn định học tập.
Đồng thời, quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường tại các khu vực tập kết rác của các địa phương, không để xảy ra ô nhiễm môi trường, bùng phát dịch bệnh sau mưa lũ. Sửa chữa, khắc phục nhanh công trình hạ tầng thiết yếu; nhanh chóng khôi phục sản xuất, góp phần ổn định đời sống cho người dân.
Anh Tuấn
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.